Trước khi bạn biết đến sự thật về bài vè này, tôi cứ gọi nó là "chi chi, chành chành" cho dễ nhận diện.
Tuổi thơ của tất cả những đứa trẻ Việt Nam đều gắn liền với các bài vè dân gian nổi tiếng, trong đó có bài "chi chi, chành chành" nhưng tôi, cũng như tất cả những người bạn xung quanh mình, đều nhớ nó trong vô thức, không hề hiểu ý nghĩa mà cũng chẳng biết nó đúng hay sai.
Có lẽ bởi vè dân gian, được truyền miệng từ người này sang người khác nên lâu dần, chúng ta cứ đọc nó như một thói quen khó bỏ, chứ ý nghĩa sâu xa, nguồn gốc của những câu vè thì lại ít ai biết.
Có rất nhiều phiên bản được truyền miệng nhau. Có phiên bản là:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ma vương bú tí
Bắt tí đi tìm
Ù à ù ập
Đóng sập cửa lại
Mà tại sao lại là "ma vương bú tí rồi lại bắt tí đi tìm" nhỉ? Đố bạn biết vì sao đấy!!!
Hay lại có phiên bản được truyền tai thành:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa chết trương
Ba vươn bú tí
Bắt dế đi tìm
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào
Một phiên bản khác cũng được truyền tai nhau rất nhiều, có vần có điệu hợp lý hơn:
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa mất cương
Ma vương ngũ đế
Bắt dế đi tìm
Ù à ù ập
Đóng sập cửa vào
Nhưng hóa ra bài vè "chi chi, chành chành" này lại có một câu chuyện rất dài, đầy thú vị cho từng câu, từng chữ. Đó là cả khắc họa giai đoạn lịch sử dân tộc mà chúng ta vô tình bỏ qua. Tất cả tuổi thơ của chúng ta đều đã sai, sai ngay từ cái câu mở đầu "chi chi, chành chành" đó. Bởi sự thật, bài vè này là:
Chu tri rành rành
Cái đanh nổ lửa
Con ngựa đứt cương
Ba vương tập đế
Cấp kế đi tìm
Hú tim bắt ập
Theo giải thích của sách Kinh Thi Việt Nam của nhà văn Trương Tửu, bài vè này được ghi lại trong giai đoạn lịch sử những năm 1856 - 1888 khi đất nước ta rơi vào loạn lạc, bị giặc Pháp xâm lược, triều đình rối loạn. Cụ thể là:
- Câu đầu: Chu tri rành rành có nghĩa là bố cáo cho thiên hạ được biết
- Câu thứ 2: Cái đanh nổ lửa nói về tiếng súng đại bác đầu tiên của chiến hạm Catinat bắn vào Đà Nẵng năm Bính Thìn 1856 trong chủ trương gây hấn của người Pháp.
- Câu thứ 3: Con ngựa đứt cương diễn tả sự rối loạn của triều đình Huế sau khi vua Tự Đức băng hà vào năm Quí Mùi 1883. Lúc đó, ngoài Bắc đang đánh nhau với quân Pháp, trong triều thì quyền thần chuyên chế không còn trật tự, kỷ cương gì nữa. Vậy là, ở một số phiên bản, câu "con ngựa mất cương" cũng có phần hợp lý.
- Câu thứ 4: Ba vương tập đế chỉ vào việc trong vòng chưa đầy 1 năm từ tháng 9 năm 1884 sau khi vua Tự Đức mất, đã có liên tiếp 3 vị vua thay nhau lên ngôi là Hiệp Hòa, Kiến Phúc và Hàm Nghi.
- Câu thứ 5: Cấp kế đi tìm nói về việc Tôn Thất Thuyết vì bị Thống Chế De Coursy xử ép nên đêm 22 tháng 5, 1885 liều đánh úp dinh Khâm Sứ và đồn Mang Cá ở Huế. Việc thất bại, Thuyết đem vua đi trốn rồi truyền hịch Cần Vương đi khắp nơi. Quân Pháp một mặt lo dẹp loạn, một mặt cấp tốc cho người đi tìm vua Hàm Nghi để làm yên lòng dân.
- Câu cuối: Hú tim bắt ập chỉ vào việc tên Trương Quang Ngọc làm phản, cùng với suất đội hầu cận vua Hàm Nghi là Nguyễn Đình Tình, nửa đêm 26 tháng 9, 1888 cùng 20 thủ hạ xông vào chỗ vua tạm trú ở làng Tả Bảo, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình, bắt sống và đem nộp nhà vua cho Pháp lãnh thưởng.
Đến bây giờ, bạn đã bất ngờ về câu chuyện đằng sau bài vè nổi tiếng này chưa?