Chỉ bằng cách gạt bỏ những kỳ vọng của người khác và nắm quyền lựa chọn trong tay, chúng ta mới có thể theo đuổi ý nghĩa cuộc sống và tạo dựng nên phiên bản tốt hơn trong tương lai.
-
Tốc độ phátChuẩn
-
Giọng đọc
Ở một quán cà phê nọ, có 3 câu hỏi được viết ở sau mỗi tờ thực đơn:
"Tại sao bạn ở đây?"
"Bạn có sợ cái chết không?"
"Bạn có cảm thấy hài lòng không?"
Đây có vẻ là những câu hỏi đơn giản nhưng sự thật là nhiều người không thể tìm ra câu trả lời. Quán cà phê này từng xuất hiện trong cuốn "The Cafe at the End of the World" của nhà văn Mỹ John Strelecky.
Nhân vật chính John có một công việc khá tốt với mức thu nhập cao nhưng anh luôn hoang mang về chính tương lai của mình. Sự xuất hiện của quán cà phê kia đã giúp anh tìm ra hướng đi tương lai và thay đổi hoàn toàn quỹ đạo cuộc đời mình.
Có một câu nói rằng: "Cuộc đời chúng ta là những ngày gạt bỏ sự kỳ vọng của người khác và tìm ra con người thật của mình". Mỗi người đều có quyền quyết định cuộc sống của họ và trong lòng mỗi người đều có cách sống yêu thích của riêng mình. Nhưng chúng ta có thể sống cuộc sống của chính mình hay không còn phụ thuộc vào việc chúng ta có thể thoát khỏi sự kỳ vọng của người khác và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của chính mình hay không.
Sống trong mắt người khác là cuộc sống hàng ngày của rất nhiều người
Có học vấn cao và một công việc tốt, ở John hội tụ rất nhiều điều mà người ta thường liên tưởng ngay khi nghĩ đến một người thành công.
Khi còn học trung học, anh luôn chăm chỉ để vào có thể vào đại học. Sau khi lên đại học, chọn chuyên ngành đúng đắn sẽ giúp anh có được một công việc tốt. Sau khi tốt nghiệp, để được người khác công nhận, anh cố gắng tìm cho mình một công việc thật tốt...
Nhìn lại nửa đầu cuộc đời mình, John thấy dường như những gì mình làm luôn là để đáp lại sự kỳ vọng của người khác và tiến về phía trước dưới sự hướng dẫn của người khác.
Ra trường, anh vội vã nộp hồ sơ vào một nơi chỉ để đáp ứng kỳ vọng của gia đình, không phải công việc anh thực sự mong muốn. Suốt hơn 10 năm, mỗi ngày anh đều làm việc từ 10 đến 12 tiếng trong một căn phòng nhỏ. Đến độ tuổi nhất định, John yêu và kết hôn theo sự sắp đặt của gia đình.
Cuộc sống của anh dường như rất viên mãn và khiến nhiều người mong ước nhưng bản thân anh luôn cảm thấy bối rối trên “con đường thành công” này. Mọi người nói với anh, mọi thứ sẽ ổn hơn khi anh được thăng chức song chỉ trong lòng John hiểu, dù sao nó vẫn là công việc hàng ngày như trước đây.
Những suy nghĩ như mớ bòng bong trong đầu anh. Chẳng lẽ cả đời này anh chỉ có thể bị mắc kẹt trong thế giới nhỏ bé này, không có khả năng nào khác sao? Và rồi, anh đã đưa ra một quyết định bất ngờ, nghỉ việc và đi du lịch khắp nơi bằng ô tô, bỏ lại phía sau mọi thứ liên quan đến công việc.
Trong cuộc sống thực của chúng ta, có rất nhiều người giống như John, luôn sống trong mắt người khác mà quên đi chính mình. Khi đi học, vì cha mẹ nói rằng theo khối kinh tế sẽ dễ tìm việc làm hơn, chúng ta nhanh chóng từ bỏ sở thích của mình và đi theo nguyện vọng của cha mẹ. Khi lớn lên, vì người thân nói con gái nên tập trung cho tổ ấm của mình, chúng ta gác lại ước mơ và sự nghiệp, trở thành một người nội trợ đúng nghĩa. Cùng với đó là rất nhiều lời bảo chúng ta nên thế này, không nên thế kia... Và rồi, chúng ta sống như những gì người khác muốn thấy ở chúng ta nhưng đánh mất con người chân thật nhất của mình.
Trong cuốn "The Courage to Be Hated" có câu: "Khi bạn muốn được người khác công nhận quá nhiều, bạn sẽ sống theo kỳ vọng của người khác. Đó chính là từ bỏ con người thật của mình và sống cuộc sống của người khác."
Trong cuộc sống, chúng ta không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng bởi ý kiến của người khác. Nhưng thay vì sống trong mắt người khác, hãy sống cuộc sống của chính mình. Không có câu trả lời nào là chính xác cho tất cả mọi người. Chỉ khi lắng nghe trái tim, mình chúng ta mới có thể đưa ra được lựa chọn phù hợp.
Càng phục vụ người khác, bạn càng dễ tổn hại bản thân
Có một câu hỏi được chia sẻ trên mạng xã hội: "Tại sao bạn cảm thấy mệt mỏi khi dường như không làm gì mỗi ngày?". Câu trả lời này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, chú ý: "Mỗi ngày có 24 giờ và nếu bạn dành 20 giờ để phục vụ người khác, tất nhiên bạn sẽ cảm thấy kiệt sức."
Thế giới này ngập tràn những thông tin và chúng có thể chiếm lấy thời gian của chúng ta, tiêu hao năng lượng của chúng ta như những kẻ hút máu. Đó dường như chính là nửa đầu cuộc đời của John, cho đến khi anh gặp được quán cà phê lạ lùng ấy.
Cathy, một nhân viên phục vụ tại quán cà phê nói rằng: “Hàng ngày, có rất nhiều người muốn bạn dành thời gian và sức lực cho họ, Đó có thể là lời mời tham gia các sự kiện qua thư và nếu bạn không bỏ qua lời mời nào thì chúng sẽ choán hết thời gian của bạn".
Nghe xong, John lấy giấy bút viết vài thứ rồi đưa ra một kết luận đáng kinh ngạc. Giả sử tuổi thọ trung bình của con người là 75, John dành 20 phút mỗi ngày để kiểm tra những e-mail mà anh không hứng thú thì điều đó có nghĩa là những thứ vô bổ này sẽ chiếm trọn 1 năm cuộc đời anh.
Khi chúng ta sống và phục vụ người khác một cách mù quáng, tiêu tốn thời gian cho những việc không có ích, chúng ta đang lãng phí thời gian và sức lực quý báu của mình.
Sức mạnh của một người bắt đầu từ việc gạt bỏ những kỳ vọng của người khác
Có một thương nhân nọ sau khi sắp xếp công việc kỹ càng đã tự thưởng cho bản thân một chuyến du lịch. Trong kỳ nghỉ, ông gặp một ngư dân. So với cuộc sống bộn bề những lo toan, mỗi ngày đều phải vật lộn với đồng tiền, ông thấy cuộc sống của ngư dân này quả thực quá khác lạ.
Ngư dân đánh bắt được rất nhiều cá mỗi ngày nhưng rồi sẽ thả lại rất nhiều cá. Với tư duy kinh doanh nhạy bén của mình, thương nhân đã tư vấn để giúp ngư dân kia có cuộc sống tốt hơn. Thay vì chỉ đánh cá phục vụ nhu cầu của gia đình, thương nhân bảo người đánh cá hãy bán hết số cá sau mỗi lần đánh bắt, sau đó dùng tiền mua một vài chiếc thuyền lớn hơn, thuê thêm nhân công lao động. Bằng cách này, chỉ trong vòng mười năm, ông có thể đổi đời và sống một cuộc sống sung túc.
Thế nhưng khi vị thương nhân còn đang tấm tắc với kế hoạch của mình, ngư dân nó thong thả trả lời khiến ông không khỏi ngỡ ngàng: "Cuộc sống đang tốt thế này, sao tôi phải làm như vậy?"
Thay vì cuộc sống sung túc như thương nhân kia vẽ ra, ngư dân thích hàng ngày được đi câu cá, ăn uống và đi dạo cùng gia đình.
Haruki Murakami từng nói: "Bất kể mọi người trên thế giới này nói gì, tôi nghĩ cảm xúc của mình là đúng. Dù người khác nghĩ gì, tôi sẽ không bao giờ làm gián đoạn nhịp sống của mình".
Con người sống một đời, nói dài không dài mà nói ngắn cũng không phải ngắn. Chỉ khi biết trân trọng cảm xúc của chính mình, chúng ta mới có thể thoát khỏi sự kỳ vọng của người khác và có được cuộc sống của chính mình.
Sau khi John rời quán cà phê, anh bắt đầu suy nghĩ lại về ý nghĩa của cuộc sống và dần dần hiểu ra ý nghĩa đằng sau 3 câu hỏi kia. Thực tế, chúng đều hướng đến một câu trả lời là nếu chúng ta có thể sống cho chính mình, chúng ta sẽ hiểu được ý nghĩa của việc đến thế giới này và không còn sợ hãi khi nhận ra không thể có thứ mình muốn.
Chỉ có 2 thứ trên thế giới này, 1 là những gì người khác muốn chúng ta làm và 2 là những gì chúng ta muốn làm.
Bị ám ảnh bởi điều đầu tiên chỉ làm lãng phí thời gian và năng lượng. Chúng ta chỉ có thể sống cuộc sống của chính mình nếu sống hết mình cho điều thứ hai và học cách vượt qua sự mong đợi của người khác.
Có một câu nói rằng: "Cuộc sống thật tuyệt vời nhưng có những người không nhận ra rằng họ là tác giả và họ có thể tạo ra những gì họ muốn."
Ở đời, có người mãi bối rối, không tìm được hướng đi tương lai cho mình; có những người sống theo cách họ muốn trong thế giới phức tạp. Người đầu tiên giống như John trong giai đoạn rối bời bởi luôn mù quáng đáp ứng kỳ vọng của người khác mà không bao giờ nghĩ về cuộc sống mình thực sự muốn. Người sau đã nhìn rõ những gì có trong lòng và tỏa sáng với điều mình yêu thích.
Sự kỳ vọng của người khác dù tốt đến đâu cũng không bằng sự thoải mái của chính mình. Chỉ bằng cách gạt bỏ những kỳ vọng của người khác và nắm quyền lựa chọn trong tay, chúng ta mới có thể theo đuổi ý nghĩa của cuộc sống và tạo dựng nên phiên bản tốt hơn trong tương lai.