Tây Thi là người đứng đầu trong tứ đại mỹ nhân, đồng thời còn được mệnh danh là nữ gián điệp tình dục đầu tiên và nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Tây Thi được Việt Vương Câu Tiễn dâng cho Ngô Vương Phù Sai nhằm mê hoặc vị vua này và nàng đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc, khiến Phù Sai mất nước và diệt thân.
Xuất thân bình thường
Theo lịch sử ghi chép, Tây Thi tên thật là Thi Di Quang, sống ở thôn tây, núi Trữ La, Gia Lãm của nước Việt cổ. Hoành cảnh gia đình rất nghèo hèn: cha bán củi, mẹ dệt vải, nhưng Tây Thi lại được trời ban cho một nhan sắc tuyệt trần, khó ai sánh bằng. Theo giai thoại, ngay cả khi Tây Thi chau mày vì bệnh tật cũng toát lên vẻ đẹp mê hồn khiến người ta say đắm. Và ấn tượng sâu sắc nhất về nhan sắc của Tây Thi chính là vẻ đẹp “trầm ngư” (cá lặn) của nàng. Tương truyền, khi Tây Thi giặt áo bên bờ sông, những chú cá đang bơi lội tung tăng dưới nước cũng ngất ngây trước vẻ đẹp sắc nước hương trời của nàng nên cứ mải mê ngắm nhìn đến độ hóa ra ngây dại, quên cả việc bơi lội rồi dần chìm xuống đáy sông.
“Hồng nhan họa quốc” – công và tội
Tây Thi cũng chỉ là người con gái bình thường, mong muốn có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc cho dù có vất vả bên người mình yêu thương, nhưng chính vì cái đẹp đã cướp đi của nàng những khao khát bình dị ấy. Tây Thi là mỹ nhân được Câu Tiễn tuyển chọn ra từ 2.000 mỹ nữ trong thiên hạ, để rồi rơi vào vòng xoáy của quyền lực, chiến tranh, ly tán và rồi mang tiếng xấu "hồng nhan họa quốc".
Tây Thi cũng chỉ là người con gái bình thường, mong muốn có được một cuộc sống an lành, hạnh phúc cho dù có vất vả bên người mình yêu thương, nhưng chính vì cái đẹp đã cướp đi của nàng những khao khát bình dị ấy. (ảnh minh họa)
Ngô vương hoang dâm mà háo sắc, nên Câu Tiễn cứ nhằm vào nhược điểm đó mà đánh, vũ khí lợi hại nhất chính là nàng Tây Thi. Sang nước Ngô, nhờ vào sắc đẹp hiếm có của mình, Tây Thi tìm mọi cách lôi kéo Phù Sai bỏ bê chính sự, ngày đêm đắm chìm với niềm vui thân xác cùng nàng. Dĩ nhiên một ông vua háo sắc như Phù Sai chẳng thể cưỡng lại được sự quyến rũ quá ngọt ngào của Tây Thi nên không chỉ liên tục đắm mình trong lạc thú, khiến đầu óc u mê, Ngô Vương còn không ngừng ra lệnh xây dựng lầu, đài để thỏa chí hưởng thụ và chiều lòng người đẹp. Vì vậy, không chỉ tiêu hao vô số tiền bạc của đất nước mà người dân nước Ngô còn chịu cực khổ trăm bề. Cũng chính vì vậy, đối với người dân nước Ngô, Tây Thi chính là một con yêu tinh hiện hình quyến rũ và gây ra biết bao nhiêu tội ác, hệ lụy cho người dân nước họ.
Nhưng xét cho công bằng, với vai trò là một nữ gián điệp mà Câu Tiễn giao phó, Tây Thi đã hoàn thành vô cùng xuất sắc. Một người con gái chân yếu tay mềm đã làm nên cả một hiện tượng và đổi thay cả số phận lịch sử của hai đất nước Việt và Ngô.
Ngày về không hạnh phúc…
Năm 473 trước Công nguyên, Câu Tiễn xuất binh đánh nước Ngô. Ngô Vương Phù Sai thất bại, cầu hòa nhưng Việt Vương Câu Tiễn không chấp nhận, Phù Sai đành tự sát. Tây Thi hoàn thành sứ mệnh vẻ vang và trở về nước Việt. Tuy nhiên, sau khi Tây Thi trở về, số phận nàng ra sao, hiện vẫn chưa có được sự thống nhất. Có người cho rằng ngay đêm hồi quốc, Tây Thi đã bị Câu Tiễn gọi vào hầu hạ, nhưng Tây Thi một mực khước từ nên Câu Tiễn khép nàng vào tội kháng lại lệnh vua rồi đem xử tử. Có người nói vì hoàng hậu của Việt Vương xem Tây Thi là mối họa lớn nên đã sai người dìm nàng xuống sông cho đến chết. Có người lại cho rằng Tây Thi đã trở về sống ẩn dật cùng một người tình cũ tên là Phạm Lãi.
Qua đó, chúng ta càng thông cảm và ngưỡng mộ hơn về sự hy sinh cao cả cho đất nước của người con gái đẹp mà đáng thương này. (ảnh minh họa)
Nhìn nhận một cách khách quan, thời gian sống cùng cha mẹ là quãng thời gian nghèo khó nhưng an bình nhất, còn thời gian sống tại thành Cô Tô cùng Phù Sai lại chính là quãng thời gian cao quý, sung sướng nhất của Tây Thi. Dù đóng vai một gián điệp, nhưng dù sao tình cảm yêu thương, sự sủng ái mà Ngô vương Phù Sai dành cho Tây Thi là hoàn toàn có thực. Ở đó, nàng muốn gì được nấy, ăn ngon mặc đẹp và tha hồ hô mưa gọi gió. Ngô vương Phù Sai luôn nghĩ ra từ niềm vui bất ngờ này đến niềm vui bất ngờ khác để làm đẹp lòng ái phi, thậm chí xây hẳn Xuân Tiêu cung, Trúc Đại trì để hoan lạc thỏa thích cùng nàng.
Có thể Tây Thi không yêu Phù Sai nên không thấy hạnh phúc khi sống cùng ông ta, nhưng so với những kết cục mà người ta nói về số phận Tây Thi sau khi hồi quốc, khoảng thời gian được dâng cho Phù Sai vẫn là khoảng thời gian sung sướng nhất trong đời nàng. Qua đó, chúng ta càng thông cảm và ngưỡng mộ hơn về sự hy sinh cao cả cho đất nước của người con gái đẹp mà đáng thương này.