Không chỉ anh em vui, mà các chị em cũng vui, bởi thời gian tới, rất có thể đàn ông sẽ được nghỉ việc từ 5-7 ngày khi vợ sinh con.
Bước vào phòng làm việc, thấy mọi người đang thảo luận vô cùng sôi nổi, tôi hỏi: Các anh chị có chuyện gì mà vui vẻ vậy?
Một chị nhanh nhảu: Tin vui, tin vui, sắp tới đàn ông có thể cũng được “nghỉ đẻ” đấy.
- Chị cứ đùa em, đàn ông có bầu bí gì đâu mà đòi nghỉ đẻ.
- Ơ hay cái cô này, có quy định hẳn hoi. Đàn ông không mang bầu, nhưng sẽ được nghỉ từ 5-7 ngày để chăm vợ đẻ. Không tin cô cứ lên mạng mà xem.
Trả lời tôi xong, mọi người lại tiếp tục bàn luận. Ai cũng vui mừng và hi vọng dự luật này sẽ được thông qua, bởi nó có rất nhiều điều có lợi cho người dân.
Nửa tin nửa ngờ, tôi nhanh chóng vào mạng lướt web thì đúng thật. Đây là một trong những quy định được đưa ra trong Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi mà Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến.
Người chồng sẽ được nghỉ 5-7 ngày để ở nhà chăm con cho vợ (ảnh minh họa)
Càng đọc tôi càng thấy hân hoan, bởi thời gian gần đây có rất nhiều Dự thảo bị dư luận “ném đá” như: Dự thảo cộng điểm cho Mẹ Việt Nam anh hùng (dù đã được bãi bỏ), ngực lép không được lái xe…. Thì việc Bộ LĐTB&XH đưa ra Dự thảo này được dư luận vô cùng ủng hộ, nó rất thiết thực và đầy tính nhân văn.
Gia đình nào có mẹ đẻ hoặc mẹ chồng hỗ trợ còn đỡ, còn nhà nào chỉ có hai vợ chồng thì khổ không để đâu cho hết. Vợ vừa sinh con, đủ thứ kiêng khem nên hầu như không động tay, động chân vào việc gì, một mình chồng tất bật, vừa việc nhà, vừa việc công ty. Nhà nào khá giả còn đỡ, nghỉ dăm bảy ngày không sao, còn nhà nào mà khó khăn, nghỉ chăm vợ đẻ rồi cuối tháng đến ngày nhận lương lại thấy “đau lòng”.
Bên cạnh đó, cũng có những gia đình, kinh tế vốn khó khăn, vợ nghỉ đẻ vốn đã không có lương, giờ để chăm vợ, chồng lại tiếp tục nghỉ không lương. Xót tiền nên sinh được vài ngày, vợ phải cố gắng làm những việc có thể để chồng yên tâm đi làm. Không kiêng cữ được, hậu quả sau này cũng chỉ mình chị em gánh.
Điển hình như chị Nga phòng tôi, mẹ vợ, mẹ chồng đều đã mất. Ngày sinh con, chồng chị chỉ xin nghỉ được hai ngày. Vậy là vừa sinh, chị đã phải lo liệu mọi việc. Không kiêng cữ được gì, đến bây giờ chỉ cần trái gió, trở trời là chị bị đau khắp người; chưa ai lạnh, chị đã phải mặc áo ấm…
Còn chồng chị, đi làm về, tất bật với việc nhà, buổi tối con khóc nên phải thức đêm, sáng mai đi làm cứ gật gù như gà mổ thóc. Làm việc không hiệu quả, bị sếp mắng, tinh thần càng sa sút. Nhiều khi mệt quá, ức chế lại dẫn đến giận chó, đánh mèo…
Biết đâu, khi chồng chăm vợ đẻ lại hiểu được những khó khăn của người vợ trong suốt thời gian qua, hiểu được vợ phải vất vả thế nào khi lo toan việc nhà việc cửa, chăm chồng chăm con. (ảnh minh họa)
Là phụ nữ, tôi hiểu, sau quá trình 'vượt cạn' vô cùng gian nan, người vợ rất mong nhận được sự quan tâm, chăm sóc của chồng. Tuy nhiên, do những lí do khách quan và chủ quan, nhiều khi chồng không có thời gian chăm sóc hoặc ở bên cạnh vợ.
Từ trước tới nay, trong tâm niệm của nhiều người dân Việt Nam, sinh đẻ là vấn việc của phụ nữ. Thậm chí, có những gia đình còn không cho phép chồng vào phòng sinh của vợ vì “không sạch sẽ”. Cho nên chính sách cho phép đàn ông “nghỉ đẻ” cũng sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới; đồng thời giúp những người dân còn mang trong mình tư tưởng cổ hũ, lạc hậu sẽ thông suốt hơn. Việc sinh đẻ giờ không còn là vấn đề riêng của phụ nữ nữa, mà nó cần được người đàn ông sẻ chia.
Biết đâu, khi chồng chăm vợ đẻ lại hiểu được những khó khăn của người vợ trong suốt thời gian qua, hiểu được vợ phải vất vả thế nào khi lo toan việc nhà việc cửa, chăm chồng chăm con. Và người đàn ông cũng sẽ vì đó mà thấu hiểu được nỗi vất vả của người phụ nữ khi phải chăm con thơ. Tình cảm vợ chồng cũng từ đây mà thắm thiết, khăng khít hơn. Xem ra, đây là một tín hiệu rất đáng mừng!
Tuy nhiên, chính sách này lại có một điểm trừ, đó là chỉ áp dụng cho những nam lao động đóng BHXH. Thiết nghĩ, đã là chính sách dành cho người làm chồng, người làm cha thì đâu cần phân biệt đóng BHXH hay không. Trong khi trên thực tế, một lương lớn lao động là nam giới ở nước ta, nhiều nhất là ở vùng nông thôn không đóng bảo hiểm như nông dân, người làm nghề tự do... Không lẽ vì vậy mà chính bản thân họ và những người vợ của họ sẽ bị thiệt thòi.
Hơn nữa, nếu chỉ áp dụng cho các đối tượng là nam lao động đóng BHXH thì một chính sách tưởng chừng như rất nhân văn này lại góp phần tạo nên sự phân biệt các giai cấp trong xã hội…
Hi vọng trong thời gian tới, dự luật này sẽ được áp dụng nhưng mà đừng có thêm quy định gì nữa, cứ là vợ đẻ thì đàn ông được nghỉ chăm vợ thôi. Thế thì chị em sẽ mừng lắm lắm, sẽ biết ơn Bộ rất nhiều...
Nghi Viên
Mời đọc bài viết hay, hấp dẫn của Eva tám tại đây: