Tờ giấy lạ trước cửa nhà từ Đà Nẵng về: Nhìn mà xấu hổ thay những kẻ thiếu ý thức

Bảo Anh. - Ngày 28/07/2020 12:09 PM (GMT+7)

Những ca dương tính với COVID-19 mới đây tại Đà Nẵng chưa tìm ra nguồn lây song trốn cách ly bệnh viện, đưa người nhập cảnh trái phép… không chỉ đơn giản là sự thiếu ý thức mà tiềm ẩn nguy cơ lây lan ra cộng đồng khi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang rất nóng.

Mới đây, những thông tin về một gia đình ở xã Phước Hưng, huyện Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu mới đi du lịch Đà Nẵng về đã thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Điều đặc biệt khiến những bức ảnh này được quan tâm chính là nội dung trong tờ giấy được họ in và treo trước cổng nhà.

“Thông báo

Gia đình mới đi du lịch Đà Nẵng – Quãng Ngãi về (tự cách ly 14 ngày). Xin hàng xóm thông cảm không lại gần.”

Tờ giấy lạ trước cửa nhà từ Đà Nẵng về: Nhìn mà xấu hổ thay những kẻ thiếu ý thức - 1

Tờ giấy đặc biệt được treo trước cổng một gia đình mới đi du lịch từ Đà Nẵng về. (Ảnh: Tin tức Bà Rịa - Vũng Tàu).

Theo chia sẻ, ngay khi vừa từ điểm du lịch trở về, họ đã nhanh chóng tự cách ly và thông báo cơ quan chức năng. Gia đình này còn treo thông báo ngay trước cổng nhà để đảm bảo hàng xóm có thể biết thông tin và hạn chế tiếp túc. Tờ giấy đặc biệt này khiến tôi và rất nhiều người không khỏi giận thay khi nhớ đến những dòng tin tức vài ngày trước đây thôi.

- Ngày 11/7, Công an Đà Nẵng đã kiểm tra hành chính tại nhà số 39 Dương Tử Giang (Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng), phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

- Ngày 16/7, Công an Đà Nẵng đã kiểm tra hành chính khách sạn East Sea (đường Loseby, Q.Sơn Trà, Đà Nẵng), phát hiện 27 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép.

- Ngày 27/7, 30 người tự ý trốn khỏi bệnh viện Bệnh viện Đà Nẵng khi đang thực hiện cách ly.

- 4000 NDT (khoảng 12 triệu đồng) là cái giá đưa một người từ Trung Quốc về Việt Nam thông qua các hãng xe dịch vụ với cam kết đảm bảo tránh được chốt kiểm dịch, người trên xe không phải cách ly 14 ngày.

- 250 – 300 nghìn đồng là tiền công đưa một người Việt Nam từ Campuchia về nước qua các đường mòn, lối mở để tránh các chốt biên phòng và không phải cách ly 14 ngày.

Những ca dương tính với COVID-19 mới đây tại Đà Nẵng chưa tìm ra nguồn lây song những hành vi trên không chỉ đơn giản là sự thiếu ý thức mà tiềm ẩn nguy cơ lây lan ra cộng đồng khi tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang rất nóng.

Đưa người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, trốn cách ly… Những hành vi gian dối và thiếu ý thức đó chính là con sâu bỏ rầu nồi canh, khiến công cuộc chống dịch COVID-19 càng thêm phần khó khăn.

Bài học nhãn tiền ở các quốc gia khác vẫn còn đó. Ở Trung Quốc, có một trường hợp trốn cách ly từng khiến ngành y tế phải giám sát 4.000 người. Tại Hàn Quốc, bệnh nhân “siêu lây nhiễm” số 31 sau khi từ chối hợp tác với cơ quan chức năng để tiến hành cách ly khiến biết bao ca bệnh dương tính có liên quan, “châm ngòi nổ” cho dịch bệnh bùng phát.

Tờ giấy lạ trước cửa nhà từ Đà Nẵng về: Nhìn mà xấu hổ thay những kẻ thiếu ý thức - 2

10 người nhập cảnh trái phép từ Trung Quốc vào Việt Nam. Ảnh: Báo Hà Giang

Xin hãy nhớ rằng, khi toàn cầu đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công bố dịch vào tháng 2 vừa qua thì vấn đề chống dịch ở đây không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ, của ngành y mà là của toàn bộ người dân chúng ta.

“Xây thì dễ, phá mấy hồi”.

Nhớ những ngày tháng 3, tháng 4, cả nước gồng mình chống dịch. Các nhân viên y tế, chiến sĩ bộ đội, công an… căng mình làm việc không quản ngày đêm. Có những bác sĩ tham gia điều trị, ở lại bệnh viện cách ly khi chưa kịp chào tạm biệt con cũng như thu xếp việc cửa nhà. Có những chiến sĩ cha mẹ qua đời không thể về chịu tang, vợ con 2 tháng chưa được gặp mặt, đám cưới cũng đành hoãn vì việc nước… Họ đã tạm gác lại tất cả, không một câu thở than, chỉ mong sao sớm đẩy lùi được dịch bệnh nguy hiểm này.

Thế nhưng nếu chỉ dựa vào nỗ lực của chính quyền và các cơ quan chức năng thôi thì chưa đủ. Đó là một cuộc chiến mà cần sự nỗ lực, ủng hộ và đồng lòng của tất cả chúng ta.

“Chống dịch như chống giặc”.

Sẽ ra sao nếu một trong số những người trốn cách ly tại bệnh viện, người nhập cảnh từ nước ngoài về dương tính với COVID-19? Công sức của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng nỗ lực, chỉ những hành động thiếu ý thức đó hoàn toàn có thể đổ xuống sông, xuống biển.

Tôi không thể nào quên cảnh sông Hoài (Hội An) thưa thớt thuyền trong chuyến du lịch những ngày tháng 5 vừa qua. Chẳng còn cảnh phố đêm đông đúc đèn lồng, thay vào đó là cảnh kinh doanh phập phù, người dân tìm mọi cách để có thể duy trì, mong kinh tế sớm hồi phục.

Vẫn còn đó, ánh mắt của đứa cháu mới 3 tuổi, giận hờn vì bố sao đi công tác mãi chẳng về. Bố của bé là bộ đội và đã tham gia chống dịch 2 tháng chưa về nhà.

Hiểu về mức độ của vấn đề, có ý thức bảo vệ chính mình, bảo vệ gia đình mình và bảo vệ cộng đồng chính là yêu nước. Hãy đồng hành cùng chính phủ trong trận chiến diệt “giặc” COVID-19 này. Với những gì Việt Nam đã làm được, tôi tin rằng quân với dân đồng lòng, chúng ta sẽ chiến thắng dịch COVID-19.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. 

Chúng ta có sợ dịch không? Câu trả lời là có, nhưng phải sợ sao cho đúng!
Dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, chúng ta không nên chủ quan và không nên quá sợ hãi, bởi sự sợ hãi sẽ làm ảnh hưởng công tác phòng chống...
Bảo Anh.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Eva Góc nhìn