Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 2)

Ngày 08/09/2014 08:22 AM (GMT+7)

Bệnh thành tích, suy cho cùng vốn nó chẳng phải là xấu nếu như người lớn chúng ta đừng lợi dụng nó để kiếm tiền, đừng vì nó mà phải dối trá.

Kỳ 1: Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn

Ngày trước, ở những vùng quê nghèo như Hà Tĩnh chúng tôi, việc một ông bố, bà mẹ hay một giáo viên dạy giỏi đánh học sinh bằng thước gỗ lim, bằng roi mây, bằng tát hay kéo tai là chuyện hoàn toàn bình thường. Họ cũng vì thành tích của con, của trò mình. Điều khác biệt duy nhất ở đây là những trận đòn đó đều xuất phát từ tâm "yêu cho roi vọt" chứ không "vì chẳng đi học thêm" như bây giờ. Và họ, những giáo viên đáng kính đó, mặc dù rất nghèo, phải "chạy ăn từng bữa toát mồ hôi", nhưng hằng đêm vẫn sẵn sàng một tay bế con một tay viết phấn hăng say giảng bài cho cho lũ trò yêu không lấy một xu tiền học phí. Đôi lúc còn phải nấu nồi chè, nồi kẹo bồi dưỡng thêm cho trò còn lấy sức học... Và thế hệ chúng tôi lớn lên, trưởng thành từ những trận đòn "yêu thương", những nồi chè, nồi kẹo chẳng bao giờ quên đó!

Một nhân tố rất quan trọng khác đang góp phần vào việc làm lệch lạc suy nghĩ của lớp trẻ và làm nặng thêm bệnh thành tích của nền giáo dục nước ta là báo chí và các phương tiện truyền thông. Sáng ra, nếu bạn cứ mở bất kỳ một tờ báo giấy hay báo mạng nào có nhiều người đọc sẽ thấy ngay số lượng bài viết về các cá nhân, các tập thể tư thương thì toàn là cái xấu (đâm, chém, cướp, hiếp, tiêu cực...), chẳng có mấy gương tốt được vinh danh, và nếu có chắc cũng chẳng mấy ai quan tâm. Còn những bài viết liên quan đến các tổ chức, đoàn thể, bộ, ngành của nhà nước thì chỉ nói đến thành tích rực rỡ kiểu như "Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm nay của TP. HCM là 99,56%. Vẫn còn thua Nam Định 0,38%"...

Hình ảnh những bác nông dân dễ mến hạnh phúc, vui vẻ bên con trâu, cái cày hay chị công nhân tươi trẻ, yêu đời bên đống sản phẩm vượt năng suất... có lẽ trở nên quá xa lạ với học trò ngày nay. Thay vào đó là hình ảnh những siêu sao bóng đá, ca nhạc, những minh tinh màn bạc, với nhà lầu, xe hơi, bồ nhí... cùng cuộc sống xa hoa tiêu tiền triệu đô la Mỹ cùng đủ các thể loại scandal đồi truỵ, ma tuý, hành xử thiếu văn hoá... tràn ngập các mặt báo.

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 2) - 1

Bệnh thành tích nếu mổ xẻ cho kỹ thì trầm trọng nhất chắc chắn là các nhà trường. (ảnh minh họa)

Những thứ này vô tình làm cho con trẻ chúng ta không biết thế nào là lao động chân chính, không hiểu rằng lao động là một yếu tố tất yếu của cuộc sống. Trong suy nghĩ của chúng thì phải lao động là một cái gì đó rất nhục nhã, rất khủng khiếp. Điều này tôi đã giật mình phát hiện được khi cách đây vài năm tôi phạt cậu con trai phải ra quét sạch con ngõ dẫn vào nhà (lúc đó cu cậu học lớp 7), cu cậu nhất quyết không chịu làm và khóc toáng lên, ý rằng ba đang làm nhục con trước cả xóm. Thế rồi tôi đành chịu, tôi đi mua thêm một cây chổi mới, chờ đến chủ nhật mới rủ cu cậu ra quét ngõ, thi xem ai quét sạch hơn. Kết quả là cả ngày hôm đó cu cậu rất vui vẻ hào hứng vì được rất nhiều cô, chú, ông, bà trong xóm khen ngoan và chăm.

Bệnh thành tích nếu mổ xẻ cho kỹ thì trầm trọng nhất chắc chắn là các nhà trường. Các giáo viên thì ganh đua nhau trong việc điểm số của học sinh mình dạy, nhà trường thì ganh đua nhau trong các chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh đạt học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp... Và vì những ích kỷ của người lớn như vậy nên đã tạo ra những kiểu dạy học rất vô lý mà bản thân chúng ta, những phụ huynh của các học sinh không chấp nhận được. Đó là kiểu mớm đề thi. Cấp tiểu học thì sắp đến ngày thi giáo viên sẽ dạy phụ đạo (có thu tiền, và phụ huynh nào cũng cần hiểu rằng con mình chắc chắn phải đi) và cho "đề cương" ôn tập. Thường thì nhiều nhất là 2 đề, lúc thi chắc chắn trúng một đề. Còn cấp THSC thì đề cương môn học dài hơn một chút, khoảng 10-20 câu và thi cũng chắc chắn nằm 100% trong đó.

Và điều trớ trêu nhất là vào kỳ thi giáo viên thường lo lắng hơn cả học sinh lẫn phụ huynh học sinh. Lo học sinh điểm thấp thì sẽ bị mất danh hiệu, mất thi đua... Thế nên cũng chẳng thiếu trường hợp giáo viên ngấm ngầm thay lại bài thi, sửa bài làm cho học sinh để tránh điểm xấu. Cũng nhờ vào những "nỗ lực" vượt bậc đó của các giáo viên mà nếu nhìn vào bảng thành tích của một lớp tiểu học có chút tiếng tăm ở Hà Nội hay TP HCM thì cứ ngỡ là con cháu chúng ta đều là thần đồng cả.

Và tôi, cũng đã từng tưởng vậy!

Đó là năm 2011, con lớn tôi tốt nghiệp tiểu học...

Tôi ở nhà thường quát mắng, to mồm thì giỏi, thực chất mọi việc đều phó mặc cho người chủ gia đình (bà mẹ đáng kính của con tôi). Từ kiểm tra bài, dạy con học, quan hệ trường, lớp, cô thầy giáo… Đều mẹ nó cả! Suốt năm năm con học, ngoài việc đưa đón vài lần ra thì chẳng bao giờ tham gia họp phụ huynh, khai giảng, tổng kết cho con gì cả. Mà hôm nào hễ đưa đón được con cũng quan trọng như vừa đi đánh giặc bảo vệ Trường Sa về. Ai đụng đến cũng cáu. Nhiều hôm vợ tức quá mắng:

- Làm được thì vui vẻ mà làm, không làm được thì để tôi làm….

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 2) - 2

Tôi hơi ngượng nên bắt chuyện tiếp thì được biết anh này làm thợ hàn. Anh đi họp cho con trai. Mà con trai anh cũng được học sinh giỏi 5 năm liền. (ảnh minh họa)

Hôm nhận được kết quả con trai tốt nghiệp tiểu học, 5 năm liền học sinh giỏi. Tôi sướng lắm, nghĩ bụng “Cu này thế mà giỏi! Hơn đứt ba nó!”. Hồi nhỏ tôi học ở cái trường làng bé tí ti, mẹ là giáo viên trong trường, kèm suốt, chương trình học nhẹ hơn bây giờ mà được học sinh giỏi cũng vã mồ hôi. Cu này học như chơi thế mà năm năm liền học sinh giỏi. Phục quá!

Nghĩ đi nghĩ lại cứ thấy con giỏi. Quyết định tranh vợ đi họp tổng kết cho oai. Còn nghĩ sẵn bài diễn văn rất uyên bác viết hẳn ra giấy để lỡ khi nhà trường mời lên phát biểu đỡ lúng túng.

Đến rất sớm nhưng tôi chọn chỗ ngồi cuối cùng cho ra vẻ khiêm tốn, vả lại nếu đi lên phát biểu cũng có quãng đường dài để giương oai. Một lúc sau mọi người đến đông đủ. Ngồi cạnh tôi là một anh trông khá lam lũ. Tôi cười rất tươi, giơ tay bắt rồi giới thiệu:

- Tôi là phụ huynh cháu A đây.

Trong bụng nghĩ con mình học giỏi thế chắc ai cũng biết. Ai ngờ anh này rụt rè giơ tay bắt, không thấy nói gì.

Tôi hơi ngượng nên bắt chuyện tiếp thì được biết anh này làm thợ hàn. Anh đi họp cho con trai. Mà con trai anh cũng được học sinh giỏi 5 năm liền.

Phục lăn!

Đúng giờ họp, cô giáo chủ nhiệm tươi cười đi vào và chào tất cả phụ huynh.

“Xin chào tất cả phụ huynh học sinh lớp 5A. Hôm nay họp tổng kết năm học và thông báo kết quả học tập của các em học sinh. Đây cũng là buổi cuối cùng chúng ta gặp nhau, sang năm các em đều chuyển đến trường khác vì trường chúng tôi không có cấp hai.

E hèm, báo cáo với toàn thể phụ huynh, kết quả học tập của lớp 5A năm nay chỉ đạt mức trung bình trong trường. Tổng số cả lớp là 42 thì chỉ có 38 em đạt học sinh giỏi…..”

….Tôi ù hết hai tai, hoa mắt… cho đến tận khi về đến nhà, khoá cổng xong, thất thểu bước vào bếp, lấy lon bia lạnh làm mấy hớp và bắt đầu hoàn hồn lại...

Thôi chết, bài diễn văn cầm khư khư trong tay như báu vật không hiểu rơi đâu mất?

Xem bài cùng tác giả:

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 1)

Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 2)

Rơi máy bay và chuyện... món Phở ở Việt Nam

Mỳ tôm 'cởi truồng'

Nếu muốn chồng yêu, chị em nên đọc bài này!

Sợ vợ là đức tính quí báu

Trẻ em và bệnh thành tích của người lớn (Kỳ 1)

Phạm Phú Quảng
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin bài cùng chủ đề Buôn chuyện