Đàn ông có nhiều việc cần chi tiêu mà không tiện nói với vợ nên chuyện có “qũy đen” thực ra đôi lúc cũng không đến mức khủng khiếp như các chị em vẫn nghĩ.
“Quỹ đen” là để giao lưu, gặp gỡ với bạn bè mà không phải nghe cằn nhằn
Nhiều bà vợ có thói quen quản lý hết lương bổng của chồng và lúc nào cũng mong chồng mang về nhiều tiền hơn nữa. Đây là một chuyện rất ngược đời và quá khó với các ông chồng vì họ cũng có nhu cầu giao lưu, gặp gỡ. Các khoản chi tiêu đó lại gần như không bao giờ được các bà vợ đồng ý chi.
Ảnh minh họa
Anh H. Quân (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Chờ được các bà ý rút ví ra đưa cho mấy đồng đi nhậu hay cà phê với bạn thì không nói sùi bọt mép cũng phải chịu cằn nhằn cả buổi. Thế nên tốt nhất là cứ phải tự dự trù một khoản riêng, không cho các bà ý biết rồi thỉnh thoảng thích ăn tiêu, gặp gỡ bạn bè là tự do chi tiêu”.
Cùng quan điểm với anh Quân, anh Q. Chính (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Mình sợ nhất là nghe vợ kêu ca chuyện tiền nong. Cứ mở miệng ra là thấy nói đến tiền nên mình cố gắng đến mức thấp nhất để không phải nghe thấy từ đó. Nhớ mãi lần vợ mình giận dữ kêu gào ầm ĩ, tưởng chuyện gì to tát thì hóa ra cô ấy thấy mất mấy trăm nghìn rồi lục ví mình thấy cái hóa đơn tiền hát karaoke. Thế mà đã kêu mình tiêu hoang và không biết nghĩ đến vợ con…Từ lần đấy trở đi, mình cứ phải xóa hết dấu vết về chuyện tiêu tiền trước khi về nhà. Tiền cũng phải có khoản riêng và tìm chỗ cất an toàn hơn để không bị phát hiện”.
Dùng cho việc lớn của gia đình
Không giống như nhiều nhà để tiền cho vợ quản lý, anh T. Phong (Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: “Trong nhà mình tiền vợ kiếm thì lo chuyện điện nước và ăn uống hàng ngày. Hàng tháng mình chịu trách nhiệm lo tiền cho con đi học và chuyện hiếu hỉ. Có lẽ vì hiểu tính và tin tưởng mình nên vợ không mấy khi hỏi chuyện tiền nong. Thế nên khoản tiền tiết kiệm mình cứ tích góp dần để mua sắm các đồ dùng đắt tiền trong gia đình như điều hòa, máy giặt… Hiện tại thì mình đang phấn đấu mua ô tô nhưng vợ cũng chỉ động viên chứ không tra hỏi xem mình đang có bao nhiêu tiền. Khoản tiền tiết kiệm đó cũng có thể coi là một quỹ riêng mình nắm để dùng cho mục đích tốt đẹp của cả nhà.”
Anh T. Lâm (Cầu Giấy, Hà Nội) và vợ đều từ quê ra thành phố công tác. Cuộc sống cũng còn rất nhiều vất vả vì anh chị phải tự lo mọi việc. Anh tâm sự: “Mấy năm trước thì chỉ lo ăn ở ổn định đã là may. Giờ cũng đỡ khó khăn hơn và cuộc sống đã đi vào quỹ đạo thì việc chi tiêu cũng thành nếp. Thế nên tháng nào vợ chồng cũng dự trù được các khoản cần chi tiêu và tính toán hợp lý. Tuy nhiên, ngoài khoản chi tiêu đưa vợ thì mình cũng phải giữ khoản riêng để còn phòng những việc lớn như ốm đau bệnh tật và tích góp dần để đầu tư làm ăn, mua đất, mua nhà. Riêng khoản này nếu không tích góp dần mà cứ kiếm đâu tiêu đó thì rất khó mới có đủ tiền”.
Đôi khi là để dành tặng vợ một bất ngờ
“Tiền nong trong gia đình vợ mình quản lý hết, mỗi lần cô ấy kiểm tra ví là chỉ để cho mình 100 nghìn tiền ăn trưa và uống trà đá, đổ xăng. Nói thật là cầm số tiền ấy trong người mình không thấy tự tin khi đi ra ngoài chứ chưa nói để tiêu cái gì. Ít tiền nên tiêu gì cũng phải tính toán và chỉ sợ thiếu. Thế nên cũng chẳng mấy khi có dư tiền để làm việc gì cả.
Đã thế vợ mình lại hay kêu ca là chồng không lãng mạn tặng quà, tặng hoa này nọ… Để vừa lòng nàng thì đành nhịn ăn nhịn tiêu và cày cuốc thêm để có một khoản dành cho việc “tạo bất ngờ”.
Để tạo ra quỹ riêng bí mật đó đã khó, giữ gìn nó còn khó hơn gấp bội. Thế nhưng đến lúc nhìn thấy quà vợ vui thì chưa thấy mà chỉ thấy ngồi kêu xót của với cả tra khảo xem “lấy tiền đâu ra?””. Anh H. Bách (Thanh Xuân, Hà Nội) buồn rầu tâm sự.
Còn anh T. Phương (Hà Đông, Hà Nội) thì cho biết: “Vợ mình có biệt tài là đưa bao nhiêu tiền vẫn thiếu và tặng cái gì cũng vui sướng mà không cần quan tâm xem nó có nhờ đâu? Thế nên mình cứ đưa tiền vừa phải còn thì giữ lại một khoản chi tiêu cho bản thân và mua quà, đồ dùng tặng vợ. Vừa hài hòa về nhu cầu tiêu pha của cả hai mà vợ thì lúc nào cũng vui”.