Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, tôi sẽ dẫn bạn đi dạo một vòng qua một vài minh chứng thực tiễn rất gần gũi với chúng ta. Và sau đó, bạn sẽ là người đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia là một cuộc thi kiến thức dành cho lứa tuổi học sinh Trung Học Phổ Thông được nhiều học sinh trên cả nước mong đợi nhất. Là một chương trình truyền hình có rất nhiều người xem và đã sống được qua 14 năm, một kỷ lục hiếm có tại Việt Nam. Có lẽ do người Việt chúng ta vốn hiếu học, thêm vào đó phần thưởng và học bổng của chương trình là rất lớn so với những gì một học sinh mong đợi.
Tuy nhiên xét trên một vài khía cạnh nào đó thì phần thất bại của cuộc thi này là không thể chối cãi được.
Ngay từ ý tưởng cuộc thi là "leo lên đỉnh núi tri thức" cũng đã khiến người nghe cảm thấy ngớ ngẩn. Vì chẳng có ngọn núi nào tên là Olympia cả, mà chỉ có ngọn Olympus và Olympia chỉ là một địa danh tại Hy Lạp, nơi có các công trình văn hoá cổ đại.
Còn nói về công tác tổ chức cuộc thi thì với một cuộc thi chuyên về kiến thức quy mô như vậy nhưng có lẽ gần như năm nào trong phần thi quan trọng cũng có vấn đề gây tranh cãi. Năm thì câu hỏi đưa ra không có đáp án, năm thì câu trả lời của thí sinh đưa ra (tiếng Anh) phát âm sai vẫn được cho là đúng với lời bào chữa rất hồn nhiên của người dẫn chương trình là "Hầu hết người châu Á đều mắc lỗi như vậy", năm thì bị nghi ngờ là lộ đề, năm thì kiến thức trong sách giáo khoa và kiến thức của Ban cố vấn "lệch pha"... Và mới đây nhất là Olympia năm 14 cũng gây rất nhiều tranh cãi với câu trả lời của thí sinh Nguyễn Hoàng Bách ở phần thi Về đích.
Cuối cùng, mục đích quan trọng nhất của cuộc thi là tìm kiếm ra những mầm non tài năng để bồi dưỡng, hun đúc trở thành những nhân tài thực sự phục vụ, cống hiến cho nước nhà thì hoàn toàn thất bại. Bởi lẽ cho đến nay, trong tất cả những nhà vô địch (những người đã thành tài), chỉ có duy nhất một người đang sống và làm việc tại Việt Nam. Những người còn lại sau khi học tập, nghiên cứu tại nước ngoài xong, cũng như hầu hết các du học sinh Việt Nam đã không chọn trở về nữa (chỉ trừ những du học sinh là con các đại gia hoặc con các quan chức, họ cần phải trở về phụ giúp bố mẹ tiêu bớt tiền).
Vậy nguyên nhân tại sao những nhà tri thức trẻ của chúng ta lại lựa chọn cho mình con đường mà đại đa số người Việt cảm thấy tiếc nuối như vậy?
Chẳng lẽ họ không có máu đỏ da vàng? Hay họ chẳng phải là con Hồng cháu Lạc?
Niềm vui của người chiến thắng và dự định đi du học Úc của nhà vô địch năm 2014
Để tìm câu trả lời cho vấn đề này, tôi sẽ dẫn bạn đi dạo một vòng qua một vài minh chứng thực tiễn rất gần gũi với chúng ta. Và sau đó, bạn sẽ là người đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
***
Quãng chừng năm 2009 tôi phụ trách một gói thầu thi công đường miền núi tại xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Một nơi đúng nghĩa "khỉ ho cò gáy". Đến sóng điện thoại di động cũng chưa hề có. Mỗi lần mưa lớn thì không có phương tiện qua sông, phải chờ nước rút thì mới có bè kéo dây đưa qua.
Chúng tôi đóng đại bản doanh ở gần Trường Tiểu Học Phước Kim (tên trường có thể không chính xác). Cơ sở vật chất của ngôi trường cũng không đến nỗi tệ. Cũng có nhà ngói, nhà mái bằng. Nhưng đời sống vật chất lẫn tinh thần của các giáo viên trẻ ở đây thì quả là đáng thương. Có những cô giáo tuổi chỉ ngoài đôi mươi, vừa mới tốt nghiệp, về công tác tại đây với mức lương từ 600.000 đến 800.000 đồng mỗi tháng, tức là bằng khoảng 1/3 lương của một người đi làm tại một quán bia (không phải bia ôm) hay quán cà phê tại thành phố Tam Kỳ với trình độ học vấn tốt nghiệp vỡ lòng. Số tiền ít đến mức để đảm bảo cuộc sống, họ chẳng dám mua cả băng vệ sinh cá nhân...
***
Đó là chuyện của những người chịu trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng những nụ mầm cho thế hệ tương lai. Còn một giai đoạn khác cũng rất quan trọng trong quá trình đào tạo là đại học.
Hiện nay tôi sống gần một trường đại học quan trọng và uy tín bậc nhất của cả nước là trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội, nơi sẽ đào tạo ra rất nhiều nhân tố nòng cốt cho sự phát triển của đất nước. Và tôi được biết rằng, một giáo viên mới đi dạy đại học sẽ có hệ số lương 2,9 cộng thêm các phụ cấp khác thì sẽ có mức lương gần bằng một bảo vệ trông xe ở chợ Hôm. Tức là vào khoảng dưới 4 triệu đồng chưa tính thuế. Còn một giờ dạy ngoài định mức qui định được tính tiền công là 45.000 đồng. Số tiền này chưa bằng tiền học phí mà bố mẹ một bậc tiểu học phải đóng cho một giờ học thêm của con mình với một giáo viên có trình độ ngớ ngẩn nào đó và cũng chỉ mới bằng mức tiền công của một gia sư tiểu học hạng bét.
Còn để hướng dẫn một đồ án tốt nghiệp đại học cho sinh viên (trong suốt ba tháng liền) với biết bao công sức cùng chất xám (với những giáo viên tâm huyết với nghề), giáo viên sẽ được hưởng tổng cộng số tiền bằng một nửa, thậm chí một phần tư số tiền một cô tiếp viên nhận được sau vài giờ ngồi rót bia cho một anh nông dân vừa nhận tiền đền bù ruộng. Đúng 500.000 đồng!
Và những giáo viên này, nếu cố gắng liên tục thì sau khoảng 30 năm cống hiến sẽ được về hưu với mức lương khoảng chừng 3,5 triệu đồng (theo cách tính lương và bảo hiểm bây giờ). Tức là nếu suốt 30 năm đó người này đừng đóng bảo hiểm mà lấy phần tiền bảo hiểm đó đi gửi ngân hàng thì kể cả lãi mẹ đẻ lãi con, chắc chắn mỗi tháng người này sẽ được hưởng ít nhất bằng ba, bốn lần như vậy, và khi người này từ bỏ cuộc sống tươi đẹp này mà đi thì số tiền đó vẫn không mất đi. Con cháu họ vẫn được hưởng.
***
Tôi lại được biết một tiến sỹ trẻ tuổi người người Việt, tốt nghiệp tại đại học Oxford về sống tại Việt Nam nhưng đã được một số trường đại học tại Nhật Bản mời giảng dạy. Anh được chu cấp đầy đủ chi phí đi lại, ăn ở và được hưởng mức lương không dưới 10.000 USD/tháng.
***
Và người cuối cùng tôi nhớ đến là một người bạn học chung từ thuở bé với tôi, người đã từng đưa vinh quang về cho tổ quốc qua những giải thưởng quốc tế. Người mà nếu ở một quốc gia tiên tiến khác, chắc chắn đã trở thành một người rất có ích cho xã hội, và đương nhiên sẽ được trọng vọng, được có một cuộc sống khá giả...
Nhưng bạn tôi, một công chức hạng xoàng, vẫn ngày hai bữa cặm cụi đi về, vẫn cần mẫn toát mồ hôi mỗi khi con gọi tiền học, vẫn miệt mài giật mình mỗi khi đến hạn đóng tiền nhà, vẫn cẩn thận cắm thùng thật kỹ càng để chiếc quần xịp rách cạp mới mặc chừng một giáp không bị lòi ra ngoài...
Và tôi, một người vô cùng yêu nước, mỗi khi gặp nó vẫn thường hỏi nó rằng:
Tại sao ngày đó mày không học ở nước ngoài rồi ở luôn bên đó cho sướng?
Bài viết cùng tác giả: Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 1) Thanh lọc cơ thể là phản khoa học? (Kỳ 2) |