Vị vua dồn hết tâm sức bảo vệ vợ khỏi mẹ chồng mưu hại để rồi nhận cái kết đắng

Ngày 27/12/2017 15:01 PM (GMT+7)

Hiếm có gia đình hoàng gia nào mà mẹ chồng tìm mọi cách để giết con dâu, khiến ông chồng phải loay hoay hết cách mới giữ được mạng cho vợ như thế này.

Đó là câu chuyện trong gia đình vua Lý Huệ Tông, vị vua thứ 7 của triều Lý, ông vua có lẽ duy nhất được “tự do hôn nhân” trong triều đại này.

Sử cũ chép lại, khi Lý Huệ Tông còn là thái tử, bởi cuộc náo loạn kinh thành do Quách Bốc cầm đầu năm 1209 mà Thái tử Sảm và mẹ là Đàm Nguyên phi phải chạy đến Hải Ấp, Thái Bình và nương náu ở nhà Trần Lý.

Thấy con gái Trần Lý là Trần Thị Dung có nhan sắc, Thái tử Sảm đã lấy làm vợ, rồi phong Trần Lý chức Minh Tự, em vợ Trần Lý là Tô Trung Từ làm Điện tiền chỉ huy sứ. Gia đình họ Trần bắt đầu có quyền chức từ đây. Lúc đó, Thái tử mới 15 tuổi.

Tháng 3 năm 1210, vua Lý Cao Tông đã sai người đến Hải Ấp đón Thái tử Sảm về kinh, còn Trần Thị Dung thì bắt phải trở về với cha mẹ đẻ. Tháng 11 năm 1210, Lý Cao Tông mất, Thái tử Sảm lên nối ngôi, tức Lý Huệ Tông.

Vị vua dồn hết tâm sức bảo vệ vợ khỏi mẹ chồng mưu hại để rồi nhận cái kết đắng - 1

Vua Lý Huệ Tông

Việc đầu tiên của nhà vua trẻ tuổi này là cho người đi đón vợ lên kinh đô. Gia đình họ Trần lấy cớ giặc giã chưa yên nên chưa cho đón. Sau nhiều lần bị ngăn trở, cuối cùng, Trần Thị Dung cũng đến được với Lý Huệ Tông, được phong lên đến bậc Nguyên phi. Song, cũng kể từ đó, bà luôn bị Đàm thái hậu tìm cách bức hại.

Nguyên do là người anh của Trần Thị Dung là Trần Tự Khánh năm 1211 nhân thấy kinh thành bỏ trống đã đem quân chiếm luôn thành Thăng Long. Các tướng cát cứ ở Hồng châu là Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi nói vu Trần Tự Khánh với vua Huệ Tông rằng: "Trần Tự Khánh đem binh về kinh sư là muốn mưu đồ việc phế lập".

Huệ Tông tin là thật, nổi giận, bèn hạ chiếu cho các đạo binh đánh Trần Tự Khánh và giáng Nguyên phi Trần thị Dung xuống làm Ngự nữ.

Huệ Tông lại cùng với Đàm Thái hậu và một số cận thần ngầm mưu diệt họ Trần, nhưng thế lực của họ lúc này đã quá mạnh, không lực lượng nào đủ sức dẹp được.

Năm 1214, triều đình cử tướng của Đoàn Thượng là Đoàn Cấm và Vũ Hốt đi đánh Tự Khánh, nhưng bị bộ tướng của Tự Khánh là Nguyễn Nộn đánh bại. Huệ Tông bỏ chạy lên Lạng Sơn, khi đi vua mang theo Đàm Thái hậu và không bỏ sót Ngự nữ Trần Thị Dung, đủ thấy lòng quyến luyến của ông với người vợ gắn bó từ thuở thiếu niên.

Đến đầu năm 1216, Huệ Tông trở lại kinh thành, lại lập Trần Thị Dung lên làm Thuận Trinh phu nhân.

Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng: Thái hậu cho Trần Tự Khánh (anh Trần Thị Dung) là kẻ phản trắc, thường chỉ phu nhân mà nói là bè đảng của giặc, bảo vua bỏ và đuổi đi. Thái hậu lại sai người nói với phu nhân rằng phải tự sát. Vua biết bèn ngăn lại.

Dùng mệnh lệnh để loại trừ con dâu không được, Đàm Thái hậu trực tiếp xuống tay. Bà sai bỏ thuốc độc vào đồ ăn thức uống của Phu nhân, vua biết được, nên mỗi bữa ăn, vua chia cho phu nhân một nửa số đồ ăn thức uống của mình, và không lúc nào cho xa rời.

Thái hậu lại sai người cầm chén thuốc độc đến bắt phu nhân phải uống mà chết, vua lại ngăn không cho. Tức nước vỡ bờ, thấy rằng sống với mẹ thì mất vợ, vua Huệ Tông liền cùng với phu nhân trốn ra khỏi kinh thành, đến chỗ quân của Trần Tự Khánh.

Vị vua dồn hết tâm sức bảo vệ vợ khỏi mẹ chồng mưu hại để rồi nhận cái kết đắng - 2

Thái sư Trần Thủ Độ

Mùa hè năm Bính Tí (1216), Trần Thị Dung sinh hạ Thuận Thiên công chúa (sau là vợ An Sinh vương Trần Liễu) và cuối năm đó thì được sách phong làm hoàng hậu. Từ lúc đó, anh em, thân thuộc họ Trần chiếm hết các chức văn võ quan trọng trong triều. Trần Tự Khánh làm Phụ chính thái uý, Trần Thừa làm Nội thị phán thủ.

Nhưng đến năm sau, vua Huệ Tông phát điên, suốt ngày múa hát không nghỉ, chính sự giao phó cả cho Trần Tự Khánh. Năm 1223, Trần Tự Khánh chết, quyền lực lại rơi vào tay em họ Tự Khánh là Trần Thủ Độ, còn Trần Thừa được phong là Phụ quốc Thái uý.

Năm 1224, bệnh vua càng nặng hơn. Trần Thủ Độ được phong làm làm Điện tiền chỉ huy sứ. Đến tháng 10, dưới sức ép của Trần Thủ Độ, Lý Huệ Tông chính thức nhường ngôi lại cho con gái thứ hai là công chúa Chiêu Thánh mới lên 8 tuổi, tức là Lý Chiêu Hoàng.

Đến lúc này, Trần Thủ Độ mới cùng Hoàng hậu Trần Thị Dung âm mưu đưa con của Trần Thừa là Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng, rồi Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh tháng 10 năm 1225, khởi đầu triều đại nhà Trần.

Khi Lý Huệ Tông phải nhường ngôi cho con rồi đi tu ở chùa Bút Tháp, Đàm Thái hậu cũng vào chùa theo con. Lý Huệ Tông bị Trần Thủ Độ ép phải tự tử, thì sử sách không ghi lại số phận Đàm Thái hậu thế nào.

Bà Trần Thị Dung, thì sau khi Huệ Tông mất, lại tái hôn với chính Trần Thủ Độ, được phong làm Thiên Cực công chúa. Vì điều này mà nhiều người chê cười, trách bà phụ bạc tình nghĩa của Huệ Tông, người hết mực yêu thương và bảo vệ bà.

Cho nên, Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá; công của bà giúp nhà Trần trong việc nội trị thì nhiều, mà phần báo đáp nhà Lý thì không được bằng.

Lê Tiên Long
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Thâm cung bí sử