“Vu Lan, con buồn và nhớ mẹ quá mẹ ơi!”

Ngày 27/08/2017 20:24 PM (GMT+7)

Vu Lan – dịp báo hiếu mẹ, mọi năm tôi chẳng để ý, chẳng buồn gọi điện về hỏi thăm mẹ. Nhưng năm nay, tôi gọi điện cho mẹ từ chiều, ban sáng còn đến chùa thắp nén hương cầu mong mẹ được sức khỏe sống đời với tôi.

Cứ vào dịp Vu Lan là lúc tôi đã ở trên thành phố sau ba tháng hè và bắt đầu một niên học mới. Tôi là một chàng sinh viên xa quê, bơ vơ đất Sài Gòn với nhiều hoài bão. Những tháng ngày đầu đặt chân lên thành phố, trải nghiệm giảng đường là những tháng ngày của tự do. Tôi mặc sức tung hoành, những cuộc vui thâu đêm, những bộ quần áo hợp “mốt”, những người bạn năng động, những buổi chiều thất tình đi về thất thểu, cả những lần cúp học mà chẳng sợ mẹ phát hiện la mắng.

Mẹ tôi sống và bươn trải dưới quê một mình. Ba tôi bỏ gia đình đi từ lúc tôi lớp Chín. Ngày ba đi, ba nói với vào trong cốt để tôi nghe, ba không thể sống với một người nói nhiều như mẹ. Mẹ tôi có tính nói nhiều, cốt chỉ là nhắc nhở, quan tâm. Nhưng tôi cũng cảm thấy khó chịu vì cái tính ấy của mẹ. Thời chưa lên thành phố học, tôi chỉ ước sớm thoát khỏi mẹ.

“Vu Lan, con buồn và nhớ mẹ quá mẹ ơi!” - 1

Mẹ bươn trải dưới quê một mình nuôi tôi. (Ảnh minh họa)

Hai năm đầu đại học, tôi buông thả với bao cuộc vui. Mẹ gọi điện, hỏi thăm tình hình học tập, cuộc sống của tôi trên này thế nào, khiến tôi lắm phen bực dọc. Có lần ngồi với bạn, tôi ngại chẳng buồn nghe điện thoại vì thấy thật phiền.

Tôi mải miết chạy theo những cuộc vui, đến độ hết tiền, nhưng cũng không dám gọi điện cho mẹ xin hoài, tôi đành phải lăn vào đời và kiếm tiền. Có được đồng tiền không dễ chút nào, tôi chật vật. Gần như đêm nào về phòng trọ muộn, tôi cũng muốn khóc. Nhưng mỏi mệt rã rời, chỉ muốn ngủ, khóc nào có nổi!

“Vu Lan, con buồn và nhớ mẹ quá mẹ ơi!” - 2

Từng có lúc tôi muốn thoát khỏi sự kìm kẹp của mẹ. (Ảnh minh họa)

Ngày lướt qua, người lướt qua. Chẳng mấy chốc tôi đã là sinh viên năm Ba đại học. Tôi bắt đầu sốt sắng với những môn học lại, tranh thủ kiếm tiền để đóng tiền học. Một phần vì cảm thấy tội lỗi với mẹ, một phần vì cảm thấy bản thân chưa có một thành tích nào đáng kể trong học tập. Lần ấy, tôi quyết kiếm tiền và dành dụm để đóng tiền học, và tự hứa sẽ học thật chăm chỉ, không ham chơi. Tôi còn phải nuôi mẹ già mai này nữa!

Nhưng lần ấy cũng là lần tôi bị tai nạn trong lúc làm việc. Tôi giao thức ăn nhanh cho khách hàng và bị tai nạn xe cộ. Tôi mơ màng, lúc mê, lúc tỉnh. Trong lúc sống chết giao tranh ấy, tôi khao khát có mẹ bên cạnh, nói những lời dỗ dành như lúc còn nhỏ, tôi bị đứt tay hay bong gân khóc òa.

“Vu Lan, con buồn và nhớ mẹ quá mẹ ơi!” - 3

Nhưng rồi, tôi khao khát có mẹ bên cạnh, nói những lời dỗ dành như lúc còn nhỏ. (Ảnh minh họa)

Lúc tôi tỉnh dậy, thấy mẹ đang gục bên giường bệnh, thiếp đi. Mình mẩy tôi ê ẩm, cái chân trái bị bó bột đau ê không thể cử động. Khi ấy, tôi bỗng trào nước mắt. Tôi khát nước, nhưng chưa vội kêu mẹ. Chờ đến lúc nước mắt lem nhem đã khô, tôi mới dám gọi mẹ “cho con xin cốc nước”.

Tôi nằm viện hơn hai tuần lễ. Mẹ ra vào chăm nom tôi mỗi ngày, chỉ có mẹ! Ba tôi đâu? Những người bạn của tôi đâu? Chỉ có mẹ! Khi ấy tôi mới thấu hiểu, mẹ mới là nguồn sống, là giá trị đích thực của cuộc sống, là quá khứ, là tương lai, là tất cả của một đứa trẻ. Đứa trẻ nào cũng phải lớn lên, trưởng thành nhưng vẫn chỉ là đứa con bé nhỏ của mẹ, khao khát được sà vào lòng mẹ những lúc ốm đau, mệt mỏi.

“Vu Lan, con buồn và nhớ mẹ quá mẹ ơi!” - 4

Tôi trưởng thành nhưng vẫn chỉ là đứa con bé nhỏ của mẹ, tôi khao khát được sà vào lòng mẹ những lúc ốm đau, mệt mỏi. (Ảnh minh họa)

Kết thúc năm Ba đại học, tôi về nhà ngay và không nấn ná lại thành phố dự thêm những cuộc vui. Tôi giúp đỡ mẹ làm việc nhà, giúp mẹ gánh hàng ra chợ bán trong ba tháng hè. Vừa rồi, phải trở lại thành phố để tiếp tục việc học, tàu lửa vừa chạy được dăm phút, tôi đã rơi nước mắt vì phải xa mẹ.

Tôi phải xa mẹ - Tôi từng mong muốn xa mẹ để tự do, để tung hoành với bao hoài bão. Nhưng sao bây giờ tôi chỉ ao ước được trở về thời thơ bé, được nằm cạnh mẹ mỗi đêm nghe mẹ kể chuyện đời.

“Vu Lan, con buồn và nhớ mẹ quá mẹ ơi!” - 5

Tôi chỉ ao ước được trở về thời thơ bé, được nằm cạnh mẹ mỗi đêm. (Ảnh minh họa)

Vu Lan – dịp báo hiếu mẹ, mọi năm tôi chẳng để ý, chẳng buồn gọi điện về hỏi thăm mẹ. Nhưng năm nay, tôi gọi điện cho mẹ từ chiều, ban sáng còn đến chùa thắp nén hương cầu mong mẹ được sức khỏe sống đời với tôi. Đêm xuống, tôi vẫn chưa ngủ được, tôi nhớ mẹ. Sau tất cả, tôi chỉ còn mẹ ở bên cạnh mà thôi.

Nếu bạn là một sinh viên xa quê, thì chớ buông lơi việc học, quên đi những vất vả của mẹ dưới quê mà thả mình vào những cuộc vui, đánh mất chính mình. Hãy giữ lại cho mình hoài bão, mơ ước sự nghiệp, từ đó phấn đấu học hành nghiêm túc. Và điều quan trọng nhất, hãy luôn nhớ mẹ. Dù thất bại hay thành công, con vẫn còn mẹ!

Nguyễn Phú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Gia đình và Xã Hội