Có nàng dâu nào mà không phải nghe những lời dặn dò khi về một ngôi nhà mới: “phải coi bố mẹ chồng như bố mẹ mình”, “với chồng phải biết nhẫn nhịn”, “lấy chồng rồi thì phải toàn tâm toàn ý với nhà chồng”.
Chẳng biết từ bao giờ, trong xã hội người ta đã mặc định nghĩa vụ chăm sóc gia đình chồng là của nàng dâu. Câu nói mà có lẽ ai cũng biết, tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử với ý nghĩa khi còn ở nhà thì phải nghe theo bố, lấy chồng thì nghe theo chồng, chồng mất thì sống theo con.
Phụ nữ sinh ra vốn đã chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội tuy đã phát triển nhưng tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn khó có thể bị xóa bỏ. Đến khi lấy chồng, sinh con thì cái gánh nặng ấy lại càng đè trên vai. Có nàng dâu nào mà không phải nghe những lời dặn dò khi về một ngôi nhà mới: “phải coi bố mẹ chồng như bố mẹ mình”, “với chồng phải biết nhẫn nhịn”, “lấy chồng rồi thì phải toàn tâm toàn ý với nhà chồng”.
Ảnh minh họa.
Đồng ý kết hôn với một người đàn ông, hẳn là người phụ nữ nào cũng đã xác định sẵn cuộc đời chuẩn bị bước sang một trang khác. Sẽ chẳng còn những ngày được bố mẹ chuẩn bị cho đồ ăn sáng trước khi đi làm mà là mình phải dậy thật sớm để chuẩn bị đồ ăn cho nhà chồng. Sẽ chẳng còn những cuối tuần ngủ nướng đã đời cho một tuần vất vả mà thay vào đó là 1001 việc ở trong nhà đến tay.
Tất nhiên, phụ nữ lấy chồng, chuyện phụng dưỡng cha mẹ chồng là điều nên làm và ai cũng hiểu điều đó. Nhưng cớ sao lại có những người đàn ông tự cho họ cái quyền bắt vợ mình phải “đội” bố mẹ chồng lên đầu, bắt vợ hầu hạ nhà chồng, có ấm ức cũng phải nín nhịn. Thử hỏi các anh đã khi nào coi bố mẹ vợ như chính bố mẹ đẻ của mình chưa?
Tôi có một người bạn gần 40 tuổi rồi mới lấy vợ. Anh này cũng gọi là thành đạt khi sự nghiệp có chút thành công, gia đình lại có điều kiện. Lấy được vợ trẻ một thời gian, anh ấy mới tâm sự với tôi đầy tiếc nuối:
“Biết thế này anh lấy vợ từ lâu rồi cô ạ. Ngày xưa cứ tưởng chỉ có bố mẹ mình mới coi mình là nhất, bây giờ mới biết với bố mẹ vợ mình cũng là nhất luôn. Anh đến nhà vợ nhé, ngày hôm trước ông bà đã hỏi con gái xem con rể thích ăn gì để còn làm. Anh không ăn được rau muống nên chẳng bao giờ ông bà ăn rau đấy khi anh sang. Có hôm thèm ăn giả cầy ông bà hì hục làm xong đến vào bữa hết hứng ăn ông bà lại vào nấu cho món khác”.
Nhìn anh bạn tôi cười lớn mà ngẫm sao thấy xót xa quá. Vì đâu mà giữa bố mẹ chồng với con dâu và bố mẹ vợ với con rể lại có sự khác biệt đến vậy. Âu có lẽ cũng là vì bố mẹ chồng thì nghĩ rằng con trai cưới vợ là nhà được thêm người, con dâu về nhà mình thì phải theo phép tắc nhà chồng. Còn bố mẹ vợ thì vẫn luôn nghĩ rằng, con mình về nhà người ta làm dâu, đối xử với con rể tốt một chút chỉ với những mong con gái sẽ có được cuộc sống dễ thở hơn.
Mỗi đứa con sinh ra đều là báu vật của cha mẹ. Đàn ông muốn vợ phải có nghĩa vụ chăm sóc những bậc sinh thành của mình vậy ai sẽ là người chăm sóc bố mẹ vợ?
Thực ra phụ nữ họ đơn giản lắm. Họ sẽ nhìn vào cách chồng đối xử với bố mẹ vợ để soi chiếu cách mình phụng dưỡng cha mẹ chồng. Thay vì bắt vợ phải “đội” bố mẹ mình lên, đàn ông hãy quan tâm, đối xử với bố mẹ vợ như bố mẹ mình. Đừng bao giờ quát tháo, trách vợ không toàn tâm toàn ý với gia đình mình khi chưa đặt ra câu hỏi, vậy mình đã đối xử với gia đình vợ thế nào.