Tôi đã từng nghĩ cho con phát triển tự nhiên nhất nhưng rồi thấy nhà nhà đi học, người người cho con đi học. Ấy thế là lại thay đổi suy nghĩ, cho con vào lò khi mới lên 8 tuổi.
Vào lò luyện từ năm học lớp 3
Tôi sinh ra ở một làng quê, lại chẳng phải kiểu người khéo léo nên dù cầm tấm bằng loại ưu ra trường nộp đơn khắp Thủ đô nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu kèm nụ cười lịch thiệp. Lý do họ đưa ra, tôi không có ngoại ngữ. Loay hoay mãi, tôi cũng tìm được việc làm, kiếm được tấm chồng rồi sinh con.
Không khá giả nhưng quyết không để con thiệt thòi giống bố mẹ, khi con chuẩn bị vào lớp 1, vận dụng mọi mối quan hệ, tôi xin cho con vào trường điểm của quận Ba Đình, Hà Nội. Vào được trường rồi, tôi lại tiếp tục vật nài cho con vào lớp cô mà theo thiên hạ đồn thổi là tốt nhất trường. Mọi nỗ lực của tôi cuối cùng cùng được đáp ứng.
Ngày đầu tiên đi họp phụ huynh, tôi choáng váng khi nhà trường thông báo những lớp chọn của trường sẽ học thêm môn tiếng Anh liên kết với một trung tâm ngoại ngữ bên ngoài. Tiền học phí được tính bằng USD, tính sơ sơ tại thời điểm đó, lương nhân viên quèn của tôi chỉ đủ đóng tiền học, tiền ăn ở trường cho con.
Một chút hoang mang len lỏi trong đầu tôi, ngặt nỗi nhà trường thông báo nếu phụ huynh không đồng ý, sẽ chuyển con sang lớp thường. Trong khi đó, kiểm tra đầu vào số điểm của cháu cao nhất khối. Tặc lưỡi, tôi đành chấp nhận cho con theo.
Thật may mắn khi cháu luôn ở top 5 bạn đứng đầu lớp, dẫu tôi không cho con đi học thêm nhà cô, cũng chẳng đủ điều kiện để “ chăm sóc” cô hàng tháng như những phụ huynh khác. Một số cô tỏ ra thông cảm, có cô còn chân thành mời cháu đi học thêm miễn phí. Tôi từ chối hết thảy.
Dù đã kiên quyết nhưng rồi tôi vẫn cho cháu vào lò từ khi lên 8 tuổi
Không phải tôi không muốn con giỏi mà đơn giản tôi muốn cháu có tuổi thơ đúng nghĩa. Cứ ngỡ mình kiên định với tư duy ấy, vậy mà đến khi con lên lớp 3, tư duy tôi đã thay đổi. Thấy nhà nhà cho con đi học, người người cho con đi học, cháu buồn ra mặt. Tối nào về, cháu cũng xin mẹ cho con được đi học. Thêm nữa, một chị bạn là giáo viên cũng chân thành nói với tôi “Con nhà em có tố chất, nên bồi dưỡng cho để thi vào trường chuyên. Cháu sẽ có cơ hội phát triển”.
Ấy thế là vào lò. Tuần 2 buổi tôi đưa cháu đến một trung tâm bồi dưỡng kiến thức có tiếng của Hà Nội. Tôi bắt đầu thích cách học ở đây khi cháu được test đầu vào, xếp lớp đúng trình độ. Bài giảng của các cháu được viết khá bài bản, khoa học theo từng chuyên đề cụ thể. Sau mỗi tháng học cháu sẽ làm kiểm tra chất lượng và tiếp tục được phân loại theo số điểm đạt được.
Sau một thời gian học, cháu tiến bộ lên trông thấy. Từ lớp có điểm số đầu vào thấp nhất khóa, cháu vươn dần lên lớp đầu tiên. Cháu tỏ ra hào hứng với việc học. Vậy là đông qua, hè tới, mưa dầm gió bấc hay nắng nóng đến nung người hai mẹ con vẫn kẽo kẹt tuần 2 buổi tối đến trung tâm. Đằng đẵng 3 năm trời, tôi cho con theo học ở trung tâm đó.
Tôi đã đánh mất sự hồn nhiên nơi con
Vào năm học lớp 5, cô giáo chủ nhiệm một lần nữa gọi điện mời tôi đến gặp cô. Sau một hồi rào trước đón sau, cô bảo: “Cháu thực sự có tố chất, để cháu học trường thường phí lắm. Nên cho cháu thi vào trường chuyên, thế nên, em đừng cười chị, khi muốn bồi dưỡng con em. Nếu không học thêm, cháu không đỗ được đâu. Chị sẽ không lấy tiền học của cháu”.
Một lần nữa, tôi bị ảo tưởng con mình như… thiên tài. Và công cuộc đúc thiên tài bắt đầu. Tôi cho con học thêm nhà cô chủ nhiệm tuần 2 buổi toán văn, vẫn cho con theo học ở trung tâm mà cháu học từ hồi lớp 3 (4 buổi/tuần) ngoài ra thêm 2 buổi tiếng Anh rồi điên cuồng tìm các đề thi từ năm trước về cho con giải.
Một ngày của cháu bắt đầu từ 6h30 sáng và kết thúc lúc 22h30 đêm. Sợ mất thời gian, tôi phải sắm tới 3 cái cặp cho con. Một ba lô đựng sách học ở trường, một học thêm nhà cô và một ở trung tâm. Mỗi chiều về, cháu buông cặp này rồi khoác lên vai cặp khác, ăn vội một miếng bánh hay hộp sữa rồi lại hành trình vào lò luyện.
Càng cuối năm, thời gian học thêm của cháu dày và dài hơn. Tôi phải tạm dừng việc học tiếng Anh để cháu tập trung ôn Toán, Văn. Ngày nào cũng như ngày nào 9h30 tan học, về đến nhà cũng 22h đêm. Ăn xong cháu cắm đầu vào làm bài tập chuẩn bị cho hôm sau.
Mọi cuộc ăn uống của đại gia đình hai bên nội ngoại cháu đều vắng mặt vì lý do … bận đi học. Mọi thú vui của cháu được gác lại một bên. Cháu phờ phạc, đôi mắt vô hồn. Tôi thấy mình của những năm thi đại học. Nhưng khi ấy tôi 18, còn giờ cháu mới 11 tuổi. Xót xa.
Có những đêm tôi đã bắt cháu đi ngủ sớm, bắt cháu thôi không học nữa nhưng chẳng biết từ khi nào cháu luôn suy nghĩ phải đỗ vào trường chuyên. Câu cửa miệng mỗi khi tôi nhắc “ngủ thôi con” sẽ là “con chưa xong bài, con không mệt”.
Rồi có những hôm trên đường đi học về cháu bần thần hỏi mẹ “nếu con không đỗ vào Ams hay Cầu Giấy mẹ có buồn, thất vọng về con không?”. Dẫu trong lòng tôi không tin điều đó là sự thật nhưng vẫn mạnh miệng nói với con “không sao, con còn nhiều cơ hội”. Ấy thế nhưng, những điều tôi nói không thay đổi nhiều suy nghĩ nơi cháu.
Đến ngày thi. Tôi cho cháu tự đi làm thủ tục. Cháu cũng không muốn tôi đưa cháu vào tận phòng thi, càng không muốn mẹ chờ cháu ngoài cổng trường. Tôi ngậm ngùi đứng từ xa nhìn con lũn cũn đi tìm phòng, căng thẳng chờ đọc số báo danh mà không khỏi ứa nước mắt. Cậu con trai của tôi lúc nào cũng cười toe toét khi lên 5- 6 tuổi biến đâu mất rồi. Giờ chỉ còn khuôn mặt búng ra sữa nhưng lúc nào cũng đăm chiêu, căng thẳng như cụ khốt 70.
Sau hơn một tháng chờ đợi, cháu căng thẳng, bồn chồn. Bố mẹ cho cháu đi về quê, đi thăm họ hàng, đi nghỉ mát cháu cũng vui lên là mấy. Đến ngày báo điểm, lần lượt cả hai trường cháu chỉ ngấp nghé điểm tuyển. Cháu bỏ ăn, nằm bẹp cả ngày trên giường và yêu cầu mẹ làm đơn phúc khảo.
Tôi không thể chịu đựng được hơn, đành nói dối con sẽ làm đơn nhưng trong thâm tâm nhất quyết không tìm mọi cách để có thể con đỗ vớt. Bởi tôi đã phạm sai lầm một lần khi vô tình tạo cho con áp lực, tôi tự huyễn hoặc con mình sẽ thành… thiên tài mà đánh mất đi cả tuổi thơ của cháu. Và tôi thực sự lo cháu không thể gượng dậy khi gặp sự thất bại đầu đời.
Đến giờ, cháu về học lớp chọn ở trường đúng tuyến gần nhà. Hàng ngày cháu tự đi bộ đến trường. Vẫn đứng đầu lớp, nhưng sự hồn nhiên đã dần trở lại trong cháu. Cháu có nhiều bạn cùng xóm hơn, và cũng biết vui vẻ chấp nhận thất bại như lẽ tất yếu của cuộc sống. Chỉ còn lại tôi, vẫn luôn ân hận khi nghĩ lại những năm tháng đó.