Muốn con phát triển chiều cao, phụ huynh đừng chỉ lo cho ăn uống mà quên điều rất quan trọng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 16/07/2021 14:33 PM (GMT+7)

Để con phát triển chiều cao không chỉ có tập trung chăm sóc dinh dưỡng mà cần phải kết hợp nhiều yếu tố, trong đó lối sống, vận động rất quan trọng.

Để con khỏe mạnh, phát triển chiều cao không chỉ tập trung vào ăn uống

TS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng, phát triển thể chất của trẻ, trong đó bổ sung đầy đủ, đa dạng 4 nhóm chất (bột đường, chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất) trong các bữa ăn hàng ngày là rất cần thiết.

Tuy nhiên, muốn con cao lớn, không ít phụ huynh chỉ quan tâm đến vai trò của dinh dưỡng mà bỏ qua các yếu tố khác như hoạt động thể chất, lối sống đặc biệt là chăm sóc giấc ngủ. Đây là một sai lầm.

Thực tế, rất nhiều gia đình cho con ăn uống rất tốt, nhưng lại để trẻ thức khuya (thức cùng bố mẹ), ngủ không đủ thời gian theo lứa tuổi và không biết việc này tác động xấu đến sự phát triển chiều cao của trẻ.

TS Trương Hồng Sơn chia sẻ với các bậc phụ huynh về kiến thức chăm sóc trẻ khoa học, đúng cách tại Phòng khám dinh dưỡng.

TS Trương Hồng Sơn chia sẻ với các bậc phụ huynh về kiến thức chăm sóc trẻ khoa học, đúng cách tại Phòng khám dinh dưỡng.

Thời gian ngủ lý tưởng mỗi ngày cho trẻ theo từng độ tuổi:

- Trẻ 1-4 tuần tuổi: Ngủ 15-18 tiếng. 

- Trẻ từ 1 tháng đến 1 tuổi: Ngủ 14-15 tiếng. 

- Trẻ 1-3 tuổi: Ngủ 12-14 tiếng.

- Trẻ 3 - 6 tuổi: Ngủ 10-12 tiếng.

- Trẻ 6-12 tuổi: ngủ 10-11 tiếng. 

- Trẻ 12 tuổi trở lên: Ngủ 8- 9 tiếng. 

Theo phân tích của TS Trương Hồng Sơn, sự phát triển chiều cao cũng như toàn bộ cơ thể của trẻ chịu tác động của hormone tăng trưởng GH. Hormone tăng trưởng GH được giải phóng cả ngày, nhưng ở trẻ em, được giải phóng nhiều nhất khi trẻ bắt đầu giấc ngủ sâu.

Đây chính là lý do khiến giấc ngủ trở thành yếu tố rất quan trọng đối với phát triển chiều cao của trẻ. Nếu trẻ ngủ không đủ, hàm lượng GH được tiết ra không đủ, gây cản trở quá trình phát triển chiều cao. Nếu ngủ quá muộn, trẻ sẽ trễ mất khoảng thời gian vàng để có thể giải phóng lượng GH lớn nhất.

“Các bằng chứng khoa học cũng chỉ ra rằng, chiều cao của trẻ phát triển mạnh vào ban đêm do sự tăng trưởng chiều dài xương diễn ra khi trẻ ngủ không chỉ bởi hormone GH mà còn vì áp lực lên xương và sụn.

Khi ngủ và trẻ nằm đúng tư thế, sẽ không có sức ép hoặc áp lực lên xương và sụn, điều này sẽ giúp xương và sụn không bị cản trở trong quá trình tăng trưởng. Nếu thời gian ngủ quá ít hoặc trẻ nằm sai tư thế, áp lực do trọng lượng lên xương hoặc xương bị xoắn vặn sẽ gây cản trở sự phát triển của xương, sự tăng trưởng chiều dài xương và tầm vóc trẻ”, TS Trương Hồng Sơn phân tích.

Theo TS Sơn, trẻ ngủ đủ và sâu giấc có vai trò rất lớn đến phát triển chiều cao.

Theo TS Sơn, trẻ ngủ đủ và sâu giấc có vai trò rất lớn đến phát triển chiều cao.

Ngoài vấn đề giấc ngủ, TS Sơn cũng khuyến cáo các gia đình nên cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất một cách khoa học và hợp lý. Việc này góp phần giúp trẻ khỏe mạnh và phát triển chiều cao.

“Vận động hợp lý giúp tăng cường sức khỏe chung, điều hòa hoạt động của hệ nội tiết, trong đó có tuyến yên, tuyến giáp. Nhờ đó, hệ nội tiết tiết các kích thích tố tăng trưởng GH giúp tận dụng hết tiềm năng di truyền, đồng thời kích thích sự phát triển của tế bào xương, tăng chiều dài của xương”, TS Sơn chia sẻ.

Từ những yếu tố trên, vị chuyên gia này khuyến cáo, để trẻ khỏe mạnh và phát triển được chiều cao một cách tốt nhất thì cần kết hợp nhiều yếu tố, đó là: Dinh dưỡng khoa học, hợp lý; ngủ đủ giấc; kết hợp vận động khoa học và tạo điều kiện sống tốt nhất cho trẻ…

Đừng bỏ qua "giai đoạn vàng" phát triển của trẻ

TS Trương Hồng Sơn cho rằng, để trẻ phát triển tốt nhất cần có quá trình chăm sóc liên tục, tuy nhiên có những “giai đoạn vàng” phụ huynh cần lưu ý. Cụ thể, trẻ có hai giai đoạn phát triển thể chất vượt trội: Giai đoạn 1000 ngày đầu đời (từ khi trẻ là thai nhi trong bụng mẹ đến 24 tháng tuổi) và giai đoạn tuổi dậy thì. Hai giai đoạn này nếu trẻ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và có môi trường sống lành mạnh thì sẽ đạt chiều cao tối ưu.

Giai đoạn 1000 ngày đầu đời được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh là giai đoạn vàng phát triển chiều cao và thể chất. Trẻ có thể tăng 25cm trong năm đầu tiên và 10cm mỗi năm trong 2 năm tiếp theo nếu được bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai.

Sau 2 tuổi, tốc độ tăng trưởng không quá nhanh, khoảng 6,2 cm mỗi năm, mật độ xương cũng tăng lên khoảng 1% một năm ở cả bé trai và bé gái. Tuy nhiên việc có chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho sự phát triển chắc khỏe của xương, là tiền đề cho sự phát triển chiều cao ở lứa tuổi dậy thì.

Trong giai đoạn dậy thì ngoài dinh dưỡng, giấc ngủ thì vận động hợp lý cũng rất tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ.

Trong giai đoạn dậy thì ngoài dinh dưỡng, giấc ngủ thì vận động hợp lý cũng rất tốt cho sự phát triển chiều cao của trẻ.

Ở giai đoạn dậy thì (khoảng 12-18 tuổi) đặc trưng bởi sự tăng trưởng vượt bậc về cả cơ bắp, khung xương cũng như các chức năng sinh dục. Tốc độ tăng trưởng nhanh cả về chiều cao, cân nặng và trẻ sẽ đạt đỉnh của tốc độ tăng chiều cao khi có thể tăng 10-15 cm/năm và mức tăng sẽ giảm dần sau đó.

Trong giai đoạn này, vai trò của khẩu phần ăn càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển cơ thể của trẻ. Các chất dinh dưỡng chính để tăng trưởng và phát triển gồm protein, sắt, canxi, vitamin A, vitamin D, iot và kẽm. Ngoài ra, còn có vai trò của hormone GH và các hormone sinh dục. Trong giai đoạn này, cơ thể có nhiều tiềm năng để khắc phục các tình trạng chậm phát triển do thiếu dinh dưỡng ở các giai đoạn trước.

Để phát triển được chiều cao một cách tốt nhất, TS Sơn nhắc lại ngoài vấn đề dinh dưỡng đầy đủ thì vấn đề thực hiện lối sống khoa học, vận động hợp lý cũng đóng vai trò rất lớn.

Thực tế, có nhiều nghiên cứu còn cho thấy, ở những năm tiếp theo sau tuổi dậy thì, khi cơ thể được ăn uống hợp lý, tích cực rèn luyện thể dục thể thao trong môi trường và lối sống lành mạnh, chiều cao con người vẫn tiếp tục tăng (tuy không nhiều bằng giai đoạn dậy thì) cho đến 25 tuổi ở nữ giới và 28 tuổi ở nam giới.

Bé trai Hà Nội thừa cân trầm trọng vì sai lầm của bố mẹ khi kích con tăng chiều cao
Muốn con phát triển chiều cao tốt nhất, không ít bố mẹ cố gắng cho ăn thật nhiều, uống sữa hay bổ sung canxi cật lực mà không biết rằng những cách đó...

Cách tăng chiều cao cho trẻ

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phát triển chiều cao cho trẻ