Bao quy đầu là một nếp da mỏng, dễ đàn hồi, trùm lên toàn bộ quy đầu của dương vật. Hẹp bao quy đầu là tình trạng vòng bao quy đầu bị hẹp ở các mức độ khác nhau...
Tổng quan
Bao quy đầu là một nếp da mỏng, dễ đàn hồi, trùm lên toàn bộ quy đầu của dương vật. Khi mới sinh, đa số trẻ có tình trạng hẹp bao quy đầu sinh lý, tức là bao quy đầu không kéo tuột xuống được do có tình trạng dính tự nhiên giữa bao quy đầu và quy đầu.
Khi trẻ được 3 tuổi, 90% bao quy đầu tuột xuống được. Chỉ có dưới 1% người lớn trên 16 tuổi là bao quy đầu bị hẹp thật sự. Đó là khi da quy đầu dương vật không kéo xuống được ngay cả khi cương cứng. Bệnh không gây vô sinh nhưng là mối đe dọa dẫn đến ung thư dương vật, khó tiểu, viêm nhiễm.
Hẹp bao quy đầu được chia làm 2 dạng chính: hẹp bao quy đầu sinh lý (thường gặp) và hẹp bao quy đầu bệnh lý (ít gặp).
Hẹp bao quy đầu sinh lý
Là tình trạng bao quy đầu dính với quy đầu một cách tự nhiên để bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh. Cùng với sự phát triển của cơ thể, dương vật cũng phát triển theo và bong ra các tế bào chết của thượng bì da bao quy đầu giúp bao quy đầu dần tự tách khỏi quy đầu.
Các tế bào thượng bì bong ra cùng với sự tích tụ của một số chất bài tiết khi đi tiểu tạo thành chất màu trắng (bợn tiểu) nằm dưới lớp da quy đầu. Chất màu trắng này ngày càng nhiều, nếu trẻ không bị hẹp bao quy đầu thì chất này sẽ được vệ sinh dễ dàng.
Trong trường hợp trẻ bị hẹp bao quy đầu thì chất màu trắng này sẽ ngày càng tích tụ lại, là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển dẫn đến viêm bao quy đầu. Đa số trẻ sơ sinh đều có hiện tượng hẹp bao quy đầu sinh lý nhưng khi lớn lên, thông thường bao quy đầu sẽ tự tuột và để lộ đầu dương vật ra.
Khi trẻ lên 4-5 tuổi mà bao quy đầu vẫn không thể tuột khỏi quy đầu được, đầu dương vật vẫn bị che kín thì đó là trẻ đã bị hẹp bao quy đầu. Như trên đã nói, khi bị hẹp quy đầu, do nước tiểu và tế bào thượng bì bị chết sẽ tạo thành cặn màu trắng dẫn đến viêm nhiễm. Khi bị viêm, trẻ có thể kèm theo biểu hiện tiểu khó (sợ đi tiểu, rặn khi tiểu) hay sưng đỏ vùng đầu dương vật.
Do vậy các bậc phụ huynh cần theo dõi quy đầu của con, nếu phát hiện trẻ bị hẹp quy đầu thì cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được xử lý, tránh cho trẻ bị viêm sưng, thậm chí là các biến chứng nguy hiểm hơn nữa.
Hẹp bao quy đầu bệnh lý
Còn gọi là hẹp bao quy đầu thứ phát, là hậu quả của viêm nhiễm dẫn tới sẹo xơ hóa ở những trường hợp bao quy đầu bình thường hoặc bao quy đầu dài. Hẹp bao quy đầu bệnh lý được chia ra 2 mức độ.
Bán hẹp bao quy đầu: là tình trạng có thể tuột bao quy đầu khi ở trạng thái bình thường nhưng khi dương vật cương cứng thì bao quy đầu không thể tuột xuống được và thắt nghẽn đầu dương vật
Hẹp bao quy đầu hoàn toàn: là tình trạng không thể tuột bao quy đầu bất kể dương vật ở trạng thái bình thường hay cương cứng.
Nguyên nhân
Nếu hẹp bao quy đầu từ nhỏ thì đây là hiện tượng bẩm sinh. Nếu hẹp bao quy đầu sau khi đã trưởng thành (hẹp quy đầu thứ phát) thì có thể do viêm nhiễm hình thành nên xác sẹo xơ.
Dấu hiệu
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị hẹp bao quy đầu
Cha mẹ có thể phát hiện con bị hẹp hay không bằng cách sau:
- Vạch da quy đầu của bé xem lỗ có hẹp không, bao quy đầu có lộn ra ngoài được không.
- Để ý quan sát, nếu thấy trẻ gặp khó khăn khi đi tiểu, bí tiểu: Trẻ thường phải rặn khi đi tiểu. Bao da quy đầu căng phồng như bong bóng. Tia nước tiểu yếu. Nhiều trẻ khóc thét và sợ hãi mỗi lần đi tiểu.
- Ngoài ra trẻ hay có biểu hiện ngứa ngáy bộ phận sinh dục, thường do không được vệ sinh đúng cách, các chất cặn bã tích tụ lại bên trong bao quy đầu gây viêm nhiễm.
Dấu hiệu hẹp BQĐ ở người lớn gồm:
Da thít chặt đầu DV: khi bị hẹp BQĐ, DV luôn trong tình trạng bị bó chặt do có lớp da quy đầu quá dày bao bọc bên ngoài, bạn phải dùng tay kéo lớp da đó xuống mỗi khi cương cứng thì đầu DV mới lộ ra, gây khó khăn mỗi khi đi tiểu và khi cương cứng cũng như trong trạng thái bình thường.
DV sưng: khi BQĐ bị chít hẹp, DV dễ bị sưng tấy, khiến việc tiểu tiện gặp khó khăn, nước tiểu đọng lại không thể thoát hết ra ngoài, dễ gây viêm nhiễm.
Tích tụ bựa sinh dục: đây là dấu hiệu điển hình ở người bị hẹp hoặc dài BQĐ do khó vệ sinh bên trong da quy đầu. Chính những bựa sinh dục tích tụ là nguyên nhân gây tình trạng viêm nhiễm.
Hẹp BQĐ vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường nhưng sẽ gặp một số khó khăn như:
DV đau khi cương cứng: Lớp bọc da ở bao quy đầu DV không tuột xuống được, khiến cho DV bị bí, bao da đầu DV bị căng cứng. Nhiều trường hợp DV không thể cương cứng được, hoặc rất đau đớn mỗi khi cương cứng, từ đó làm suy giảm ham muốn tình dục, yếu sinh lý.
Gây xuất tinh sớm: BQĐ DV là một bộ phận rất nhạy cảm. Nam giới bị hẹp BQĐ khiến quy đầu càng thêm nhạy cảm và dẫn đến hiện tượng xuất tinh sớm khi quan hệ tình dục.
Ảnh hưởng kích thước DV: Hẹp BQĐ khiến quy đầu DV bị kìm hãm, nhỏ hơn so với bình thường và DV sẽ ngắn hơn bình thường. Do đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến quan hệ tình dục và khoái cảm tình dục.
Viêm quy đầu và lây nhiễm cho bạn tình: Khi nam giới bị hẹp BQĐ, dưới lớp da quy đầu luôn tiết ra tế bào chết, kết hợp với các chất cặn bã trong quá trình đi tiểu không thoát được ra ngoài sẽ tạo ra môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển và gây viêm nhiễm, sưng đỏ, mọng nước ở DV. Khi BQĐ bị viêm nhiễm nhưng vẫn quan hệ tình dục sẽ khiến viêm nhiễm nặng hơn và có thể lây nhiễm cho bạn tình.
Biến chứng
Gây khó khăn trong việc tiểu tiện, hạn chế sự phát triển của dương vật, gây viêm nhiễm khu trú, ảnh hưởng đến chức năng sinh dục sau này.
Chủ động xử lý sớm hẹp bao quy đầu
Trước đây người ta thường cho rằng: đến khi trẻ lớn xem hiện tượng hẹp BQĐ có tự hết không, rồi mới xử lý. Nhưng hiện nay, các bác sĩ nhi khoa và nam khoa khuyến cáo nên chủ động lộn sớm cho trẻ để chăm sóc tốt bộ phận sinh dục cho bé.
Việc nước tiểu và chất cặn bã đọng lại ở khoang giữa quy đầu và da quy đầu, gây nên viêm đường tiết niệu, viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn. Hẹp BQĐ còn gây ra hiện tượng lún dương vật - tình trạng rất hay gặp ở nhiều trẻ.
Hẹp BQĐ sẽ khiến bé đi tiểu khó, thậm chí thấy đau, khóc, nước tiểu ra không hết cộng với chất cặn đọng lại bên trong lâu dần gây viêm nhiễm mạn tính.
Hẹp BQĐ mà không được điều trị, can thiệp, khi trưởng thành còn có những hậu quả xấu như liệt dương (dương vật không cương cứng lên được do đau); rối loạn xuất tinh.
Hẹp BQĐ còn là một trong những nguyên nhân gây ung thư dương vật.
Điều trị tại nhà và khi nào cần phẫu thuật
Tại nhà, bố mẹ cũng có thể nong dần bao quy đầu cho con bằng cách: Khi bé 5-6 tháng, mỗi lần tắm cho con, bố mẹ có thể dùng tay nhẹ nhàng kéo lộn phần da quy đầu xuống, dùng vòi nước sạch cho chảy nhẹ nhàng vào rãnh quy đầu rửa sạch các cặn bẩn. Mỗi lần một chút, ngày hôm sau tăng hơn ngày hôm trước, để BQĐ rộng dần và có thể trượt lên trượt xuống một cách dễ dàng. Trẻ lớn hơn, bạn có thể hướng dẫn con tự làm.
Việc vệ sinh thường xuyên rất quan trọng. Dùng nước rửa sạch các chất cặn bẩn và duy trì lộn hàng ngày để da dương vật giãn ra một cách tự nhiên có thể không phải phẫu thuật BQĐ. Để BQĐ tự bong tróc và bằng chứng là tới gần dậy thì là hầu hết các trẻ đều không còn hẹp BQĐ. Đây là một quá trình hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, nếu do miệng BQĐ quá hẹp hoặc xuất hiện các biến chứng của hẹp BQĐ như sưng và mọng đỏ thì phụ huynh nên đưa con đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được điều trị.
Điều trị biến chứng viêm nhiễm BQĐ bằng cách vệ sinh tại chỗ và bôi thuốc kháng viêm. Khi tình trạng viêm đỏ đã hết, chúng ta cần điều trị nguyên nhân gây ra viêm nhiễm BQĐ đó là hẹp BQĐ. Điều trị nong BQĐ và bôi thuốc. Cần chú ý việc giữ vệ sinh hàng ngày. Trong trường hợp vệ sinh tốt nhưng vẫn có những đợt viêm nhiễm tái phát thì cần điều trị triệt để bằng cắt BQĐ.
Phòng ngừa
Ở trẻ nhỏ thì có thể bôi thuốc steroid kết hợp với nong nhẹ nhàng bao quy đầu. Phương pháp này tránh được phẫu thuật nhưng tỷ lệ thành công thấp, mất thời gian.
Cắt bao quy đầu là một phương pháp tiểu phẫu nhanh gọn, đơn giản, ít tốn kém.