Một nhúm nho khô chứa lượng đường tương đương 8 thìa cà phê - vượt quá hàm lượng cần thiết cho trẻ.
Trẻ em khá kén ăn và có một số loại thực phẩm thu hút trẻ hơn bình thường. Tuy nhiên, hầu hết những thực phẩm hợp khẩu vị của bé có chứa lượng chất béo và đường cao, một trong số đó là thức ăn nhanh. Chúng thường được gắn mác "không lành mạnh" và bị các bà mẹ hạn chế tối đa cho trẻ ăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thực phẩm "rác", nhiều bà mẹ không hề biết ngay cả những thực phẩm "lành mạnh" lại cũng hoàn toàn không tốt như tưởng tượng. Trang Mirror đã trò chuyện với Saara Sabir, một nha sĩ và bà mẹ của một cậu con trai, và được biết thủ phạm gây ra ảnh hưởng cực xấu đến sức khỏe răng miệng của trẻ - hiện tại và nghiêm trọng trong cả cuộc sống sau này lại là nho khô - và các trái cây khô nói chung.
Nho khô trông ngọt ngào và tưởng như vô hại nhưng tốt nhất nên tránh ngoài bữa ăn
Saara giải thích: "Nho khô và trái cây sấy khô là một vấn đề lớn. Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng chúng là một lựa chọn tốt bởi vì chúng chứa nhiều vitamin."
Nhưng hàm lượng đường cao có trong trái cây sấy khô rất có hại cho răng của trẻ. "Một gói nhỏ nho khô tương đương khoảng 8 cục cà phê đường trắng." Theo NHS, lượng đường khuyến cáo hàng ngày cho trẻ em từ 4-6 tuổi là không quá năm cục đường. Đối với trẻ em 7-10 tuổi thì không quá sáu.
Lý do trái cây sấy khô càng nguy hiểm vì nó dai dai, dính dính. Saara chia sẻ: "Nho khô khá dính, và vì vậy rất dễ mắc kẹt trong răng. Do đó các vi khuẩn được cung cấp đường ngọt trong thời gian dài. Vì vậy, nó sẽ dần dần ăn mòn và làm sâu răng trẻ". Trong một cuộc khảo sát ở trẻ 3 tuổi vào năm ngoái tại Anh đã tiết lộ một kết quả đáng buồn khi cứ 8 trẻ lại có 1 bé bị sâu răng.
Tuy nhiên, do giá trị dinh dưỡng cao, nên phụ huynh không cần phải cấm hoàn toàn với trẻ.
"Tốt hơn bạn nên cho con ăn nho khô để tráng miệng hoặc thêm vào các món ăn chính, chứ không nên cho con ăn vặt. Ăn vặt thường xuyên trong suốt cả ngày khiến răng miệng của trẻ luôn ở trạng thái có tính axit cao. Đó là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển". Vì vây, nho khô và trái cây khô khác cũng tốt nhưng nên ăn đúng thời điểm.
Ngoài ra, theo Saara, nước ép trái cây đóng hộp có hàm lượng đường cao hơn cola. Mỗi ngày trẻ chỉ nên uống một ly nước ép trái cây đóng hộp vào bữa ăn - và điều này cũng áp dụng cho người lớn.
"Trẻ em bắt đầu rụng dần răng sữa từ lúc khoảng sáu tuổi, nhưng quá trình này sẽ kéo dài đến khoảng 10 hoặc 12 tuổi. Vì vậy, khi trẻ mới dưới 3 tuổi bị sâu răng, nếu không được điều trị, chúng có thể sống chung với đau đớn và nhiễm trùng trong một thời gian rất dài. Nó còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của răng vĩnh viễn."
Vậy có loại thực phẩm nào mà nha sĩ khuyến cáo để cho trẻ no mà vẫn khỏe mạnh?
Đó chính là pho-mát. Nó làm trung hòa axit trong miệng và ngăn ngừa sâu răng. Các món ăn mặn nhẹ như bánh mì que cũng khá tốt.