Mặc dù đã có nhiều tai nạn xảy ra trước đó và được các chuyên gia cảnh báo nhưng nhiều bà mẹ vẫn tin dùng khi điều trị bệnh cho con.
Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video có thể khiến nhiều bà mẹ đang nuôi con nhỏ phải kinh ngạc. Trong video này là hình ảnh một người thân của đứa trẻ, vừa đút cho đứa trẻ ăn con nòng nọc nhỏ còn đang tươi sống, vừa dỗ dành đứa trẻ nói rằng đây chỉ là một con cá nhỏ. Lý do của việc làm này chính là giúp cho đứa trẻ "hạ nhiệt", khỏe mạnh và nhanh lớn.
Video: Bà mẹ đút nòng nọc sống cho con ăn
Tuy nhiên, đây có thực sự là một phương pháp "hạ nhiệt" cho trẻ? Người lớn phải biết rằng, trong con nòng nọc có chứa loại ký sinh trùng là ấu trùng, nó sẽ theo hệ tuần hoàn máu đi vào các cơ quan trong cơ thể con người, thông qua sự chuyển đổi các chất dinh dưỡng trong cơ thể.
Nòng nọc sống rất nhiều ký sinh trùng.
Vào năm 2010, một người đàn ông ở Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, đã nhẹ dạ bỏ ra một khoản tiền để nghe theo một phương pháp cổ truyền, chính là nuốt 2 bát con nòng nọc sống để điều trị bệnh về da, không những không thu được kết quả tốt, ngược lại còn bị nhiễm kí sinh trùng, cuối cùng phải mất rất nhiều tiền để chữa bệnh nhiễm ấu trùng.
Hàng vạn con ấu trùng đi vào não, còn có thể gây nôn mửa, co giật, ngất xỉu, động kinh và các triệu chứng khác. Đặc biệt là đối với trẻ khi mà bộ não đang trong quá trình phát triển hoàn thiện, các triệu chứng này thường thường sẽ nghiêm trọng hơn thậm chí không thể khắc phục được.
Ngoài việc ăn nòng nọc, rất nhiều người còn sử dụng phương pháp điều trị bằng dân gian. Tuy nhiên, nếu tùy tiện sử dụng sẽ đem lại tác hại lớn cho trẻ, cha mẹ nhất định phải cảnh giác.
1. Uống nước nóng để điều trị co giật
Thời gian gần đây, có một đứa trẻ 2 tuổi bị co giật, người thân trong gia đình tin theo một phương pháp cổ truyền, chính là cho cô bé uống nửa cốc nước nóng hổi. Kết quả có thể mọi người đã biết, khoang miệng của đứa trẻ bị bỏng chín, còn dẫn đến khó thở, kèm theo suy hô hấp và tim đập yếu ớt.
Điều đáng lo ngại, khi đưa trẻ đến viện cấp cứu, do bị phù nề thanh đới nên đặt ống khí quản cho trẻ rất khó khăn, đặt ống khí quản sẽ làm tổn thương niêm mạc và gây ứa máu.
Phương pháp này không phải là cứu người, đó là mưu sát! Cha mẹ nhất định phải đề phòng, cho dù đang rất vội vàng, cũng không thể chữa trị bừa bãi để gây hậu quả khó lường.
2. Dùng vòng tay bạc nấu nước uống, lấy rượu cồn lau cơ thể hạ sốt
Ở Phúc Châu (Trung Quốc), có một đứa trẻ sơ sinh còn chưa đầy tháng bị sốt, mọi người trong gia đình cho rằng, trẻ sơ sinh tốt nhất không nên uống thuốc. Sau đó họ tìm và làm theo phương pháp truyền thụ ở trên mạng internet. Phương pháp đó là dùng vòng bạc đem nấu lấy nước uống và dùng rượu cồn lau người để hạ nhiệt.
Kết quả khỏi phải nói, trẻ còn sốt nghiêm trọng hơn và trên cơ thể còn xuất hiện rất nhiều nốt mẩn đỏ. Tuy nhiên, họ vẫn còn chờ cho đến khi đứa trẻ khóc không thành tiếng mới đưa đến bệnh viện.
Thật không may, khi đến bệnh viện đứa trẻ đã không kịp cứu chữa, bác sĩ cởi quần áo của đứa trẻ, phát hiện các vết ban đỏ xuất hiện khắp cơ thể... Mặc dù, đứa trẻ không làm khám nghiệm tử thi và không thể xác định nguyên nhân của cái chết, nhưng các phương pháp cổ truyền thực sự không thể tin được.
Cha mẹ nên nhớ rắng, nếu trẻ có sốt cao không thể hạ sốt, tinh thần mệt mỏi, ngủ li bì, ý thức không rõ ràng, không muốn ăn và các biểu hiện khác, nhất định phải đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
Đặc biệt, khi trẻ ở trong giai đoạn 3 tháng tuổi, nếu thấy trẻ sốt, cố gắng đưa trẻ đến bác sĩ, không được sử dụng thuốc tùy tiện, càng không được tin vài các phương pháp chữa trị dân gian.
3. Nặn đầu ti ở bé gái
Có rất nhiều người lớn tuổi đều cho rằng, sau khi đứa trẻ gái sinh ra phải nặn đầu ti, như vậy đầu ti mới có thể thẳng lên, sau này tốt cho việc phát triển tuyến sữa.
Phương pháp này căn bản không có chút khoa học nào. Nếu trong quá trình nặn chỉ một chút không cẩn thận, sẽ làm đầu ti của trẻ sưng lên, gây viêm, nhiệt, mủ, nghiêm trọng hơn là có thể dẫn đến bệnh nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong.
Đây cũng chính là "cái hầm chôn sống trẻ"! Nên nhớ, sau này bất kì là ai, nếu muốn nặn đầu ti của trẻ, nhất định cha mẹ phải từ chối tức khắc.
4. Các phương pháp dân gian điều trị bỏng
Cách đây một thời gian, ở Hàng Châu có một em bé 18 tháng tuổi vô tình bị bỏng. Ông bà đã nghe một phương pháp dân gian dùng con giun và đất sét trộn vào nhau, bôi lên trên vết bỏng ở trẻ để điều trị.
Kết quả là các loại vi khuẩn trong đất sét càng làm cho tình trạng của trẻ nghiêm trọng hơn, các chỗ bị sưng tấy bị lây nhiễm, còn may đứa trẻ được đưa đến bệnh viện kịp thời và thoát khỏi nguy hiểm.
Đối với vấn đề bỏng, còn rất nhiều các phương pháp dân gian như: bôi nước tương, bôi kem đánh răng, thoa dầu vừng, rắc tro hương,... những phương pháp này đều không nên tin. Một khi vết thương bị nhiễm trùng, chỉ có thể gây tổn hại gấp nhiều lần cho đứa trẻ.
Phương pháp chính xác là dùng nước lạnh xả vào chỗ bị bỏng, cởi quần áo bên ngoài vết bỏng, để không bị tiếp xúc vào vết thương. Nếu quần áo bị dính vào da không cởi ra được, có thể dùng kéo cắt ra và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời.
5. Dùng lá sung ngâm chân để chữa bỏng, tiêu chảy
Trên Weibo có đăng tải hình ảnh đứa trẻ bị bỏng vì ngâm nước lá sung. Ngoài ra nhiều người còn dùng phương pháp này để điều trị tiêu chảy. Không biết hiệu quả của việc chữa tiêu chảy ra sao, tuy nhiên phương pháp này gây hại rất lớn đối với trẻ.
Theo các bác sĩ, trong quả sung có một chất gọi là furanocoumarin, một chất mẫn cảm ánh sáng tự nhiên. Nó không gây hại cho cơ thể con người, nhưng khi nó tiếp xúc với tia cực tím chiếu rọi, sẽ dẫn đến phản ứng nhạy cảm ánh sáng khiến da bị bỏng.
Sử dụng phương pháp này để điều trị tiêu chảy, ngay cả khi được điều trị tốt, thì cũng là lợi bất cập hại.
Các phương pháp điều trị bệnh cho trẻ từ dân gian không có cơ sở khoa học đều rất nguy hiểm. Khi trẻ có những dấu hiệu bị bệnh, cha mẹ phải biết phân biệt rõ ràng, không được tự ý chữa trị. Tốt nhất hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị chính xác nhất.