“Trong clip này người cấp cứu quá luống cuống sẽ làm tăng nguy cơ trẻ nặng thêm, có thể gây ngạt”, Ths.BS Lương Văn Chương chia sẻ.
Mới đây, anh N.K.H (Hà Nội) có chia sẻ video ghi lại cảnh anh cứu con trai 4 tuổi khi cậu bé sốt cao dẫn đến hôn mê, ngừng thở trên trang cá nhân nhanh chóng nhận được sự chú ý cũng như nhiều lượt chia sẻ của cộng đồng mạng.
Theo như video ông bố Hà Nội chia sẻ, cậu con trai 4 tuổi rưỡi của vợ chồng anh bị sốt quá cao, chuyển sang co giật và hôn mê ngừng thở. Ngay sau đó, anh đã vội sơ cứu, giúp con tỉnh lại, rồi đưa đi viện.
Video ông bố Hà Nội chia sẻ toàn cảnh vụ sơ cứu cho con trai khi gặp nguy hiểm vì bé sốt cao, chuyển sang co giật, hôn mê ngừng thở.
Sau khi xem xong chia sẻ của ông bố này, nhiều người cho đây là một bài học cảnh giác cho những gia đình đang nuôi con nhỏ bị sốt và là kinh nghiệm các bố mẹ có thể áp dụng sơ cứu cho con trong những tình huống nguy kịch.
Thế nhưng, cách sơ cứu khi con sốt quá cao, chuyển sang co giật của anh N.K.H liệu có đúng và các bậc phụ huynh cần phải xử trí như thế nào khi trẻ không may bị co giật?
Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ths.BS Lương Văn Chương, Phó trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Theo BS Chương, khi trẻ bị co giật, các bậc phụ huynh nên làm theo các bước sau:
Bước 1: Gọi người giúp đỡ.
Bước 2: Nghiêng trẻ sang một bên giữ cho trẻ ở tư thế an toàn (chân duỗi chân co) tránh trẻ lật ngửa trở lại, không giữ quá chặt tay chân trẻ vì có thể gãy tay chân trẻ.
Bước 3: Không nhét bất cứ vật gì vào mồm trẻ vì không có tác dụng và còn có nguy cơ tổn thương thêm như gãy răng, rách môi, lưỡi và lợi.
Bước 4: Tránh cho trẻ gặp nguy hiểm khi co giật như lửa, nước sôi, điện giật hay những dụng cụ có thể làm tổn thương trẻ như dao kéo.
Bước 5: Gọi xe cấp cứu.
Khi trẻ co giật thường có những cơn gồng cứng làm cho trẻ không thở được. (Ảnh minh họa)
Như vậy, dựa vào các bước xử trí khi trẻ bị co giật cũng như phân tích về cách xử trí của ông bố trong video, bác sĩ Chương chỉ ra 3 điều chưa đúng trong cách sơ cứu của ông bố này.
“Trong tất cả các bước xử trí khi trẻ bị co giật, bước 2 cho trẻ nằm nghiêng là quan trọng nhất để tránh cho trẻ bị sặc do hít phải đờm dãi, chất nôn từ dạ dày vào đường thở. Vì vậy, khi trẻ bị co giật nên đặt ngay trẻ xuống. Trong clip này người cấp cứu quá luống cuống sẽ làm tăng nguy cơ trẻ nặng thêm, có thể gây ngạt.
Khi trẻ co giật thường có những cơn gồng cứng làm cho trẻ không thở được. Sau đó, trẻ sẽ co giật. Thông thường ít khi co giật dẫn đến ngừng thở nên sẽ khó phân biệt giữa ngừng thở và cơn gồng cứng. Tuy nhiên, khi gồng cứng, tay chân thường cứng nên trong clip, việc ông bố chia sẻ bé hôn mê ngừng thở là chưa chắc chắn. Để xác định trẻ ngừng thở, mọi người cần nhìn xem lồng ngực có di động không?
Khi bé thực sự ngừng thở cần thổi ngạt, bóp mũi trẻ và thổi ngạt làm sao cho lồng ngực trẻ dâng lên là được.
Lưu ý, khi thổi ngạt phải bịt mũi trẻ thì không khí mới vào phổi. Trong clip ông bố thổi ngạt không bóp mũi sẽ hiệu quả rất ít vì không khí sẽ từ miệng lên mũi chứ không thể tới phổi.
Khi sơ cứu có thể kết hợp giữa thổi ngạt và ép tim nếu có dấu hiệu ngừng tim. Tuy nhiên, để xác định như vậy cần các lớp nâng cao kỹ năng cấp cứu nhi khoa”, bác sĩ Chương cho biết.
Trong tất cả các bước xử trí khi trẻ bị co giật, cho trẻ nằm nghiêng là quan trọng nhất. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, bác sĩ Chương cũng nhấn mạnh, việc bịt mũi, thổi ngạt và để trẻ nằm nghiêng, giữ nguyên tư thế đó là thao tác quan trọng nhất khi bé ngừng thở, co giật.
“Nếu trẻ co giật, việc cho trẻ nằm nghiêng và giữ nguyên tư thế đó là quan trọng nhất vì co giật thường ngắn và thường tự hết. Nếu chúng ta cứ mải đi lấy thuốc, hay dụng cụ để đè lưỡi trẻ thì rất nguy hiểm bởi khi quay lại, trẻ có thể đã ngạt thở vì tắc nghẽn đường thở.
Khi trẻ sốt, nhất là trẻ đã từng sốt cao, co giật, mọi người nên dùng thuốc hạ sốt sớm hơn, có thể khoảng 38 độ và nên dùng đường hậu môn để tránh tình trạng thuốc bị nôn ra gây sặc.
Để hạ sốt cho trẻ, mọi người nên chườm bằng nước ấm, lau toàn thân. Chú ý lau nách và bẹn vì nơi đó có các mạch máu lớn sẽ hạ sốt nhanh hơn.
Trẻ bị co giật, sau khi cấp cứu có thể trở về bình thường nhưng chúng ta vẫn nên cho trẻ đi bệnh viện để tìm thêm các nguyên nhân co giật”, bác sĩ Chương cho hay.
>> XEM TIẾP: Clip ông bố hà hơi, ép ngực, cứu con sốt cao ngừng thở gây bão mạng
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. |