Quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ luôn là vấn đề quan tâm của các bậc phụ huynh, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn chiều cao chung của thế giới đang tăng lên.
Tăng chiều cao cho con là vấn đề khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng, bởi theo một khảo sát gần đây tại Tp. HCM cho thấy, học sinh tiểu học ở Tp.HCM có chiều cao trung bình thấp hơn chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) 4-8 cm.
Cụ thể nam 10 tuổi và nữ 10 tuổi có chiều cao trung bình lần lượt là 133,9 cm và 132,2 cm, trong khi tiêu chuẩn của WHO lần lượt là 137,8 cm và 138,6 cm. Nam 11 tuổi và nữ 11 tuổi có chiều cao trung bình là 138,3 cm và 138,0 cm, trong khi tiêu chuẩn của WHO lần lượt là 143,1 cm và 145,0 cm.
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới quá trình tăng trưởng chiều cao của trẻ như di truyền, chế độ dinh dưỡng… Các chuyên gia đã nhận định, nguyên nhân khiến chiều cao học sinh tiểu học thấp hơn chuẩn của WHO là do tồn tại thực trạng suy dinh dưỡng thấp còi kéo dài và thiếu hụt một số vitamin, khoáng chất liên quan giúp phát triển chiều cao.
Bảng chiều cao, cân nặng chuẩn của bé trai và bé gái từ 0-7 tuổi năm 2021 (Theo Sohu).
Thực tế, cùng một độ tuổi nhưng ngay trong một lớp học cũng dễ dàng thấy được sự khác biệt về chiều cao giữa các học sinh. Tiêu chuẩn chiều cao này cũng có sự khác biệt giữa nam và nữ theo từng độ tuổi. Trong độ tuổi từ 10 đến 15, tiêu chuẩn của học sinh nam là 122,5cm trong khi của nữ là 124cm.
Có nghĩa là thời kỳ này là thời kỳ vàng phát triển của học sinh nữ, cha mẹ có thể điều chỉnh phù hợp, nắm bắt thời kỳ vàng của con. Trong khi đó các học sinh nam sẽ phát triển nhanh chóng chiều cao sau khi vào cấp 2 và cấp 3.
Tất nhiên, chuẩn chiều cao chỉ mang tính tham khảo và tốc độ phát triển ở mỗi trẻ là hoàn toàn khác nhau, phụ huynh cần quan sát tình hình riêng của từng trẻ. Cha mẹ nên chú trọng vào chế độ dinh dưỡng và vận động thể chất cho các con. Một chiều cao vượt trội không quan trọng bằng việc trẻ có một cơ thể khỏe mạnh để phục vụ cho việc học tập và rèn luyện.
Dưới đây là những cách tăng chiều cao hiệu quả đã được các chuyên gia liệt kê, cha mẹ có thể tham khảo nhằm giúp con phát triển toàn diện hơn.
Cân bằng chế độ dinh dưỡng, bổ sung các vitamin cần thiết
Để đảm bảo cho trẻ có một sức khỏe tốt, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng cân bằng là rất quan trọng, chú ý bổ sung kịp thời các loại vitamin cần thiết cho trẻ.
Bữa ăn hàng ngày của trẻ cần đảm bảo đầy đủ các nhóm chất sau: Đạm (chiếm 10 - 15% tổng năng lượng), tinh bột (chiếm 60 - 65% tổng năng lượng), chất béo (chiếm 10% tổng năng lượng) và các vitamin, khoáng chất thiết yếu khác.
Nếu bé không được cung cấp đầy đủ các khoáng chất như kẽm, vitamin A và vitamin nhóm B1, B2 và B3 sẽ khiến cơ thể và trí não chậm phát triển, dễ gặp các vấn đề về sức khỏe.
Đặc biệt nếu thiếu canxi, thành phần quan trọng cấu tạo nên xương, vitamin D và MK7 (có vai trò vận chuyển canxi vào xương) trẻ rất dễ bị còi xương và dẫn đến nguy cơ thấp lùn sau này. Tuy nhiên, cơ thể của trẻ chỉ tiếp thu một lượng canxi vừa đủ để xương hoàn thiện và phát triển tốt nhất nên cha mẹ cũng không nên cho trẻ dung nạp quá nhiều để tránh những biến chứng.
Theo khảo sát, chiều cao học sinh Tiểu học tại một số quốc gia thấp hơn tiêu chuẩn mà WHO đưa ra, trong đó có Việt Nam.
Cho trẻ tham gia các bài tập phù hợp, tập thể dục thường xuyên
Chiều cao của một người chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố: Dinh dưỡng (32%), chế độ sinh hoạt (25%), di truyền (23%) và luyện tập thể dục thể thao (20%). Như vậy, bên cạnh yếu tố di truyền không thể can thiệp, cha mẹ có thể tác động đến dinh dưỡng, luyện tập và thói quen sinh hoạt hàng ngày để cải thiện chiều cao cho con.
Các em học sinh khi còn nhỏ cần hình thành thói quen tập thể dục thường xuyên và có những bài tập thể dục phù hợp, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn. Trẻ quen lối sống thụ động, ngồi một chỗ, lười vận động sẽ ức chế sự phát triển của cơ, xương và ảnh hưởng đến tốc độ phát triển chiều cao.
Cha mẹ nên chú ý theo dõi chiều cao của con nhằm có phương pháp điều chỉnh phù hợp. (Ảnh minh họa)
Xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý
Thói quen dùng điện thoại, xem TV hay chơi điện tử quá lâu có thể gây ảnh hưởng tới tư thế của trẻ, ảnh hưởng tới chiều cao. Tư thế sinh hoạt hàng ngày cũng rất quan trọng đối với việc tăng chiều cao của trẻ. Tư thế đúng là đi đứng thẳng người, ngồi học đầu và cổ phải thẳng ngay ngắn, không cúi gập người hoặc gục trên bàn.
Bên cạnh đó, để chiều cao phát triển tốt nhất, bé cần được sống trong môi trường vui vẻ, hạnh phúc, không khí trong lành. Vì vậy, bố mẹ cần hạn chế hút thuốc lá, hạn chế dùng các chất kích thích, tránh căng thẳng, xung đột gia đình, thể hiện sự quan tâm bằng tình yêu thương.
Các hoạt động thể chất rất quan trọng đối với trẻ ở giai đoạn phát triển chiều cao. (Ảnh minh họa)
Chú trọng giấc ngủ của trẻ
Thời điểm xương phát triển mạnh nhất là lúc bé đang ngủ say, đặc biệt từ 23h đến 3h sáng. Việc ngủ đủ, sâu giấc sẽ khiến cơ thể tiết ra hormone tăng trưởng có lợi, tăng khả năng hấp thu canxi, kích thích xương phát triển tối đa. Vậy nên cha mẹ hãy chú ý cho con ngủ đủ trước 22h và ngủ đủ 8 tiếng mỗi tối.
Việc thức khuya ngủ muộn sẽ đem lại kết quả hoàn toàn ngược lại. Không những làm chậm khả năng tăng trưởng chiều cao mà còn có nhiều tác dụng tiêu cực khác đến sức khoẻ.
Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ cho trẻ
Việc kiểm tra và tầm soát toàn diện sức khoẻ, dinh dưỡng cho trẻ sẽ giúp bố mẹ nắm bắt chính xác và phát hiện các vấn đề mà con trẻ đang gặp phải và kịp thời can thiệp bằng giải pháp hữu ích.
Vì cân nặng, chiều cao của trẻ cũng là một chỉ số quan trọng nói lên tình trạng sức khỏe bên trong của trẻ. Định kỳ 6 tháng/1 lần bố mẹ nên cho trẻ đến thăm khám tại các địa chỉ chăm sóc sức khỏe uy tín.
Thói quen dùng điện thoại, xem TV hay chơi điện tử quá lâu có thể gây ảnh hưởng tới tư thế của trẻ, ảnh hưởng tới chiều cao. (Ảnh minh họa)