Cậu bé bắt cô giáo phải đút ăn từng bữa, sẵn sàng tiểu tiện ngay tại bàn nếu cô giáo không đưa đi và đánh lại các bạn nếu không vừa ý.
Ngày nay, trong thời đại xã hội phát triển, mỗi gia đình đều có điều kiện kinh tế hơn nên trẻ em sẽ được chăm sóc và nâng niu nhiều hơn. Không chỉ có bố mẹ mà ông bà cũng nuông chiều những đứa trẻ vì chúng là những “báu vật” của gia đình. Tình yêu ấy không sai, nhưng cách yêu không đúng có thể khiến chính trẻ gặp họa. Câu chuyện của cậu bé Tiểu Hòa sau đây là một ví dụ.
Tiểu Hòa 4 tuổi, cậu bé sống cùng với bố mẹ và ông bà ở Thượng Hải, Trung Quốc. Tiểu Hòa là người có vóc dáng cao lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa thế nhưng đáng buồn thay, bé lại không thể nào hòa nhập được khi đi học do được bố mẹ quá nuông chiều.
Ở ngôi trường đầu tiên, sau khi Tiểu Hòa đi học được một kỳ, giáo viên đã thông báo tình hình với gia đình và quyết định từ chối dạy bé với lý do: “Tiểu Hòa đã 4 tuổi, cao lớn nhưng không thể làm nổi một việc gì. Giáo viên phải đút cơm cho bé từng bữa. Đặc biệt, con cũng không thể tự đi vệ sinh và sẵn sàng tiểu tiện ngay tại bàn nếu cô giáo không kịp thời đưa đi. Tiểu Hòa không chơi được với các bạn, con luôn thích đánh các bạn và sẵn sàng cắn lại mọi người nếu có điều gì đó không được như ý muốn”.
Vì bố mẹ quá nuông chiều khi ở nhà nên nhiều trẻ đã không thể thích nghi khi đi học (Ảnh minh họa)
Sau đó, mẹ của Tiểu Hòa quyết định chuyển trường cho con. Lần thứ hai này, cậu bé chỉ học được 1 tuần và rồi giáo viên lại cho nghỉ. Lần thứ ba, ngay trong khi còn đang thực hiện phỏng vấn để xin nhập học, những hành động của Tiểu Hòa làm đã khiến giáo viên tuyển dụng của trường từ chối dạy dỗ cậu bé ngay lập tức.
Tới lúc này, mẹ của Tiểu Hòa cảm thấy vô cùng bất an và quyết định đưa con đến bệnh viện để kiểm tra. Sau một số đánh giá, bác sĩ kết luận sự tăng trưởng và phát triển của Tiểu Hòa chậm hơn rất nhiều so với tuổi thực của cậu bé. Hiện tại, tư duy, suy nghĩ và hành động của Tiểu Hòa chỉ bằng một cậu bé 2 tuổi mà thôi.
Nguyên nhân của việc Tiểu Hòa chậm phát triển hơn chính là bởi gia đình đã quá nuông chiều cậu bé khiến cậu bé trở nên hư hỏng và không biết làm bất cứ điều gì. Nghe những lời này, mẹ của Tiểu Hòa cảm thấy vô cùng hối hận và đau khổ khi không ngờ tình yêu quá mức của mình lại là tác nhân gây hại cho cuộc sống của con.
Có một thực trạng rằng, hiện nay, ngày càng có nhiều bậc phụ huynh giống như cha mẹ của Tiểu Hòa. Họ yêu con vô điều kiện và vô tình khiến con mình phát triển một cách lệch chuẩn.
Lịch sinh hoạt bừa bãi, phó mặc cho việc “Tới trường thầy cô sẽ uốn nắn”
Cũng giống như mẹ của Tiểu Hòa, lời tâm sự đầy hối hận của bà mẹ sau đây cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ. Cô cho biết cô đã làm hư con mình khi cho con thoải mái làm tất cả những gì mình thích khi ở nhà và rồi đến khi đi học, con không thể nào thích nghi được.
Ở nhà, tới giờ đi ngủ thì cậu bé mê mải ngồi xem tivi. Con đi ngủ rất muộn và thức dậy vào lúc 10h sáng hôm sau. Họ bắt đầu bữa trưa vào lúc 2h chiều. Giờ ăn, ngủ, lịch sinh hoạt của cậu bé rất hỗn loạn. Người mẹ này cho rằng con mình còn nhỏ, việc muốn được vui chơi, nghỉ ngơi là chuyện bình thường. Sau này con đi học, các cô giáo sẽ tự khắc uốn cho con vào thói quen.
Giờ giấc sinh hoạt ổn đinh, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống cân bằng… Có như vậy mới tạo ra một cơ thể khỏe mạnh cho trẻ (Ảnh minh họa)
Nhưng thực tế hoàn toàn khác. Khi cậu bé bắt đầu nhập học mẫu giáo, cậu bé đã không thể thích nghi được. 8h sáng vào lớp thì cậu bé vẫn đang buồn ngủ, bé đi học khi các bạn đã học xong giờ thể dục. Ngồi học, em chỉ ngáp ngắn, ngáp dài. Tới buổi trưa, khi các bạn đi ngủ thì bé ngồi chơi. Tới buổi chiều, khi các bạn hăng say học tập, vui vẻ nô đùa thì con của cô lại ngồi ngủ gà ngủ gật trong lớp. Cô giáo cố gắng giúp thì cháu cáu gắt ầm lên vì buồn ngủ.
Một ngày nọ, giáo viên đã yêu cầu mẹ hãy cho con đến trường vào buổi chiều. Việc của mẹ cần làm buổi sáng là tự rèn con trong buổi sáng về giờ ăn, giờ ngủ để đến chiều đi học trong trạng thái tốt nhất. Người mẹ đã phải miễn cưỡng làm theo. Tới lúc này, chính cậu bé cũng đủ nhạy cảm để nhận ra mình khác biệt so với mọi người. Cậu bé hỏi mẹ: “Mẹ ơi, tại sao các bạn được đi học từ buổi sáng còn con thì không, có phải cô giáo không thích con không?”. Người mẹ đã thực sự rất bối rối và cảm thấy ân hận vì cách nuôi dạy con sai lầm của mình trong quá khứ.
Từ câu chuyện này, các bậc phụ huynh cần lưu ý phải giúp con phát triển thói quen thường xuyên. Giờ giấc sinh hoạt ổn đinh, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, chế độ ăn uống cân bằng… Có như vậy mới tạo ra một cơ thể khỏe mạnh. Quan trọng hơn cả là, lịch sinh hoạt ổn định sẽ giúp trẻ biết chính xác mình sẽ phải làm gì tiếp theo.
Cha mẹ cũng có thể tham khảo giờ giấc chung nhất của các trường mẫu giáo để tập dần thời gian biểu này cho con:
- 7h: Thức dậy
- 8h: Ăn sáng
- 10h: Ăn bữa nhẹ
- 11h30: Ăn bữa trưa
- 12h-14h: Ngủ trưa
- 15h30: Ăn bữa nhẹ buổi chiều
- 18h: Ăn bữa tối
- 21h: Đi ngủ
Ít nhất từ 3-6 tháng trước khi con bắt đầu đi học, hãy giúp con phát triển các thói quen này, nếu không việc đi học của con sẽ thực sự là một hành trình khổ cực với cả con và bố mẹ.
Cha mẹ nên rèn tính tự lập ch con từ trước để nhanh chóng thích nghi với môi trường mới khi đi học (Ảnh minh họa)
Trường học là nơi dạy trẻ cách chăm sóc bản thân chứ không phải là bảo mẫu chăm trẻ
Một số trường mẫu giáo tư thục ở Tây Ninh, Tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc đã đăng tải một thông điệp với nội dung như sau: “Trường mẫu giáo là nơi sinh sống tập thể, nuôi dưỡng những thói quen và hành vi giúp trẻ phát triển toàn diện hơn. Trẻ em cần phải được lớn lên trong môi trường tập thể, vì thế, phụ huynh không nên yêu cầu giáo viên phải chăm sóc riêng cho con mình. Chúng tôi là giáo viên, không phải là bảo mẫu. Xin cảm ơn”.
Thông điệp này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều giữa các vị phụ huynh. Dù có người đồng tình, người phải đối thì không thể phủ nhận rằng những đứa trẻ không thể tự chăm sóc bản thân sẽ dễ dàng rơi vào sự hoảng loạn và không hòa nhập như trường hợp 2 cậu bé ở trên.
Mã Nhã Thư – một diễn viên nổi tiếng Trung Quốc cũng đã phạm phải sai lầm này. Cô là người mẹ quá nuông chiều con. Nhã Thư làm mọi thứ cho con, không để cô bé động tay động chân vào bất cứ việc gì. Hơn 3 tuổi nhưng con của cô không thể tự đi vệ sinh, không thể bước vào nhà tắm, cũng không thể mặc quần cho mình.
Mã Nhã Thư làm mọi thứ cho con, không để cô bé động tay động chân vào bất cứ việc gì.
Chồng ngoại quốc của Nhã Thư cũng tỏ ra không hài lòng về cách nuôi dạy con này: “Con gái chúng tôi không chịu làm tất cả mọi việc mà những bạn bằng tuổi bé vẫn làm. Nguyên nhân là vì Nhã Thư đã làm hết mọi việc rồi. Cô ấy luôn nghĩ con không thể làm và cần chăm sóc nhiều hơn nữa. Con gái chúng tôi đã không có cơ hội để tự lập vì cách mà mẹ đã làm”.
Theo các chuyên gia, trẻ em từ 3 - 4 tuổi đã có thể sử dụng thìa hoặc đũa để tự ăn. Chúng có thể tự đi vệ sinh, mặc quần áo hoặc đi giày, tất… với sự giúp đỡ của bố mẹ. Từ 4 đến 5 tuổi, trẻ có thể tự mặc quần áo, giày và vớ một mình. Trẻ em từ 5 đến 6 tuổi có thể tự lựa chọn quần áo theo thời tiết sao cho phù hợp. Tất nhiên, những khả năng này không thể có được trong ngày 1 ngày 2. Các bậc cha mẹ nên sớm tạo thời gian và cơ hội để ch con tập làm chúng.
Cho con chơi với những người bạn khác thay vì chỉ quanh quẩn với ông bà, cha mẹ
Đến tuổi giao tiếp, trẻ em cần được ra ngoài, vui chơi và tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển tốt hơn về mặt cảm xúc, giao tiếp thay vì chỉ ở nhà quanh quẩn bên ông bà, cha mẹ và được nuông chiều quá mức. Nếu hạn chế giao tiếp, trẻ có thể sinh tính ích kỉ, co mình lại.
Cha mẹ cần hiểu rằng, càng yêu con, bạn càng cần phải buông tay để con tự mình khám phá thế giới bên ngoài. Nếu không, việc bảo vệ trẻ quá mức sẽ khiến trẻ cô đơn trong trường mẫu giáo, ảnh hưởng đến tính cách của cả cuộc đời.