Trẻ sinh non yêu cầu cần được chăm sóc đặc biệt trong suốt 2 năm đầu đời.
Trẻ sinh non, thiếu tháng có sức khỏe yếu và cơ địa nhạy cảm nên có nguy cơ biến chứng rất cao, đặc biệt là các bé sinh non dưới 32 tuần tuổi. Cha mẹ sẽ có rất nhiều lo lắng và bỡ ngỡ khi chăm sóc trẻ sinh non tại nhà.
1. Các vấn đề sức khỏe thường gặp ở trẻ sơ sinh
Trẻ sinh non không được hưởng trọn vẹn 40 tuần thai kỳ trong bụng mẹ vì vậy rất dễ gặp tổn thương bởi các biến chứng. Nhiều trẻ may mắn được sinh ra khỏe mạnh dù thiếu tháng, nhưng cũng có rất nhiều trẻ sinh non phải đối diện với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh tim, chảy máu não, suy thận, vàng da và thiếu máu. Ngoài ra, vì hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện, nên trẻ sinh thiếu tháng rất dễ bị nhiễm trùng.
Trẻ sinh non có nguy cơ biến chứng cao. Ảnh minh họa.
Trẻ càng chào đời sớm, thì càng phát triển thiếu toàn diện và có nguy cơ biến chứng càng cao. Trẻ sinh trước 32 tuần phải đối mặt với nguy cơ tử vong và tàn tật lâu dài như chậm phát triển, bại não, các vấn đề về phổi và tiêu hóa, thị lực và thính giác. Tuy nhiên, bạn không cần quá lo lắng hơn 98% trẻ sinh ra từ 32 đến 35 tuổi có khả nẳng sống sót cao.
2. Giữ ấm cho trẻ đúng cách
Khả năng điều khiển thân nhiệt của trẻ sinh non rất kém vì chức năng của vùng dưới đồi của não bộ, trung khu điều hòa nhiệt cho cơ thể chưa phát triển đầy đủ. Trẻ sinh thiếu tháng có nguy cơ bị nhiễm lạnh và hạ thân nhiệt ngay cả trong những ngày nhiệt độ bình thường. Bởi vậy, cha mẹ cần phải đảm bảo giữ ấm cho trẻ tuyệt đối.
Phòng của mẹ và trẻ phải được giữ ấm tuyệt đối. Không được bật quạt thông hơi hay mở cửa sổ. Phòng phải đủ rộng để đủ lượng oxy cho trẻ hô hấp. Đặc biệt, cha mẹ không được bế trẻ ra ngoài trời. Phòng của trẻ cần được bật điều hòa sưởi ấm, nhiệt độ phòng thích hợp là 28-30 độc C, độ ẩm ở mức 60-70%.
Cha mẹ chú ý luôn mang tất chân tay, đội mũ để giữ ấm cho trẻ. Nếu bạn không rõ phải mặc bao nhiêu lớp quần áo cho trẻ sinh non có thể tham khảo ý kiến của bác si nhi khoa. Hãy chú ý không để quá nhiều chăn trong cũi của trẻ vì có thể khiến trẻ bị ngạt thở, gây tử vong.
3. Phòng chống nhiễm trùng cho trẻ sinh non
Trẻ sinh thiếu tháng rất dễ bị nhiễm trùng, đặc biệt trong mùa đông, khi thời tiết lạnh. Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng ở trẻ, cha mẹ cần chú ý các vấn đề sau:
- Giữ cho trẻ tránh xa những người bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng.
Hạn chế người lạ chạm vào trẻ sinh non. Ảnh minh họa.
- Rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa lây truyền bệnh. Hạn chế mọi người chạm vào trẻ.
- Thường xuyên làm sạch đồ chơi và giữ nhà cửa sạch sẽ.
- Tránh những nơi đông đúc, có nhiều trẻ nhỏ.
4. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ sinh non
Lúc đầu, hầu hết trẻ sinh non cần bú mẹ 8 đến 10 lần mỗi ngày. Mẹ không nên để trẻ đói quá 4 giờ vì sẽ khiến trẻ bị mất nước. Trẻ sinh non thường hay bị trớ sữa khi bú, điều này hoàn toàn bình thường nếu như bé vẫn tăng cân đầy đủ. Nếu trẻ ngừng hoặc giảm tăng cân bạn cần nói chuyện với bác sĩ.
Các bác sĩ khuyên nên cho trẻ thiếu tháng ăn dặm sau 6 tháng tính từ ngày sinh đủ tháng của bé (không phải ngày sinh thực tế). Trẻ sinh non không phát triển đầy đủ như trẻ bình thường nên cần nhiều thời gian hơn để trẻ phát triển khả năng nuốt. Nếu trẻ có vấn đề sức khỏe đặc biệt, bác sĩ có thể yêu cầu chế độ ăn kiêng đặc biệt.
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. |