Trẻ bị sổ mũi kéo dài: Nguyên nhân do đâu?

Ngày 19/01/2018 11:06 AM (GMT+7)

Khi thời tiết thay đổi, bé thường bị cảm lạnh, cảm cúm dẫn tới ho, sổ mũi. Trong nhiều trường hợp bé bị sổ mũi kéo dài có thể dẫn tới viêm xoang nên mẹ cần chú ý kiểm tra, theo dõi.

Sổ mũi là một biểu hiện tự nhiên của cơ thể nhằm chống lại các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Tuy nhiên khi trẻ bị sổ mũi kéo dài có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm hô hấp, viêm phổi, viêm tai giữa…

Vì vậy mẹ cần nắm rõ cách xử lý khi trẻ bị sổ mũi kéo dài.

1. Nguyên nhân trẻ bị sổ mũi kéo dài

Sổ mũi là tình trạng thường xuyên gặp ở trẻ nhỏ khi thời tiết thay đổi. Thông thường bệnh sẽ khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên, khi bé bị sổ mũi kéo dài thì có thể do các nguyên nhân sau đây:

Trẻ bị sổ mũi kéo dài: Nguyên nhân do đâu? - 1

Cảm lạnh, cảm cúm là nguyên nhân phổ biến gây sổ mũi. (Ảnh minh họa)

- Cảm lạnh, cảm cúm

Khi bé bị cảm lạnh, cảm cúm sẽ có các triệu chứng như hắt hơi, ho, sổ mũi, sốt… Thông thường bệnh chỉ kéo dài 1 tuần. Trong trường hợp bé có hệ miễn dịch yếu thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng sổ mũi lâu ngày không khỏi.

- Dị ứng

Không khí ô nhiễm, bụi bẩn, phấn hoa, lông động vật cũng có khả năng khiến bé bị sổ mũi kéo dài.

- Viêm xoang

Sổ mũi kéo dài kèm theo dịch nhầy màu xanh lá hoặc vàng là biểu hiện của bệnh viêm xoang. Bệnh này có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, nhiễm trùng huyết, viêm tai giữa…

2. Cách xử lý trẻ bị sổ mũi kéo dài

Khi bé bị sổ mũi, mẹ nên áp dụng các phương pháp sau để chữa trị cho bé:

- Mỗi ngày mẹ nhỏ nước muối sinh lý cho bé khoảng 4 lần, mỗi bên khoảng 3 đến 4 giọt.

- Mẹ có thể dùng máy làm ẩm không khí để giúp bé hô hấp dễ dàng hơn.

- Nếu bé bị sổ mũi kéo dài do dị ứng thì cần loại bỏ các tác nhân dị ứng.

Trẻ bị sổ mũi kéo dài: Nguyên nhân do đâu? - 2

Làm sạch mũi thường xuyên giúp điều trị sổ mũi cho trẻ rất tốt. (Ảnh minh họa)

- Cho bé ăn đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Đặc biệt cho bé ăn nhiều rau, củ, quả giàu vitamin và khoáng chất. Mẹ nên chia bữa ăn của bé thành nhiều bữa nhỏ.

- Giữ ấm và vệ sinh cơ thể sạch sẽ sẽ giúp bé nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

3. Trường hợp nguy hiểm

Khi bé bị sổ mũi hơn 1 tuần hoặc bị đi bị lại không rõ nguyên nhân thì mẹ nên cho bé đi khám để tìm chính xác loại bệnh bé mắc phải. Ngoài ra khi nước mũi của bé chuyển màu xanh hoặc vàng thì cũng có thể là bé đang bị viêm xoang. Lúc này mẹ cũng cần cho bé đến bác sĩ để phòng tránh biến chứng nghiêm trọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết trên báo Gia đình & Xã hội, không nên rửa mũi cho trẻ bị sổ mũi quá nhiều lần vì mũi của trẻ và người lớn cũng như nhau, bình thường có cơ chế tự làm sạch, rửa mũi nhiều làm mất đi chất nhầy tự nhiên trong khoang mũi. Trong khi đó, chất nhầy này có tác dụng tạo độ ẩm, ngăn chặn bụi bẩn. Nếu mất đi chất nhầy này, trẻ càng dễ bị khô mũi, nhiễm khuẩn mũi, gây tổn thương niêm mạc mũi, dễ bị viêm hơn. Việc dùng quá thường xuyên cũng có thể làm teo niêm mạc mũi, ảnh hưởng đến chức năng thở, khứu giác.

Trước khi nhỏ nước muối vào mũi, nếu trời lạnh các mẹ nên ngâm lọ nước muối sinh lý vào nước nóng cho ấm lên rồi nhỏ cho trẻ mỗi bên mũi chừng 1/3 – 1 lọ tuỳ theo độ tuổi. Rửa khoảng 3 – 4 lần/ngày.

Lê Ánh (Dịch từ Babycenter)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Trẻ nhỏ và bệnh thường gặp