Đứa trẻ khóc tức tưởi gọi cho mẹ và "tố cáo tội" của ông bà.
Nghỉ hè trẻ con đâu đấy nô nức được gửi về quê cho ông bà chăm đỡ bởi trên này bố mẹ ngày ngày vẫn phải đi em. Gia đình tôi cũng cùng cảnh như thế, bố mẹ đi làm tối khuya mới về mà để con ở nhà một mình thì không yên tâm, tự bé chơi bời lêu lổng mà nghỉ được mấy tuần thì sau cháu cũng bắt đầu học thêm cho năm học mới rồi. Thế nên vợ chồng tôi bàn bạc cho con về quê chơi với ông bà nội tầm 1 tháng.
Bàn bạc tham khảo ý kiến con, cu cậu thích lắm vì dường như chưa bao giờ được về quê lâu như vậy. Thấy chúng bạn chúng bè khoe hè được về quê chơi với ông bà thích lắm, được đi chăn trâu, cắt cỏ, tắm sống... những món chơi mà trẻ thành phố chẳng bao giờ biết đến nên mới lạ trong mắt con trai. Chính vì thế cuối tuần trước khi vừa kết thúc năm học, nhận tấm giấy khen học sinh giỏi lúc sáng là buổi chiều cu cậu đã xếp quần áo vào balo và giục bố mẹ đưa về quê với ông bà.
Có đứa cháu nội về quê ở hẳn 1 tháng ông bà nhà em chẳng thích quá. Vợ chồng em tạm biệt ông bà và cậu con trai với hứa hẹn đúng 1 tháng sau mới quay lại đón nhé vì bố mẹ cũng bận mà để con cho ông bà chăm thì còn yên tâm nào bằng.
Ấy thế mà chỉ sau 1 tuần ở nhà với ông bà, tối qua con trai em đã gọi điện khóc thút thít với bố mẹ rằng đòi lên Hà Nội gấp và không muốn sống ở quê nữa. Thấy tình hình căng thẳng mà không biết sự tình ra sao nên sáng sớm hôm sau vợ chồng em cũng bắt chuyến xe sớm về quê để giải tỏa nỗi lòng cho con trai.
Vừa về tới đầu ngõ đã thấy thằng con trai chơi quanh sân, nhìn thấy bố mẹ là như bắt được vàng chạy ào ra đón. Tưởng chừng là do thằng bé nhớ bố nhớ mẹ nên đòi lên Hà Nội, nhưng không sự việc "nghiêm trọng" mà không biết khóc hay biết cười.
Theo lời con trai em, cậu bé cứ tưởng về nhà là được một cuộc sống khác ở thành phố như đi chơi đồng ruộng, mò cua bắt ốc, thả diều lội sông... thế nhưng sự thật lại không như mơ vì chẳng khác thành phố là mấy:
- Ông bà suốt ngày chỉ bắt con ở trong nhà thôi mà không cho con đi chơi. Ông nói sợ con đi chơi bị ngã, nguy hiểm rồi nắng nôi lại ốm. Vậy nên ông không cho con đi chơi, mà có đi đâu thì ông cũng kè kè bên cạnh rồi giục con nhanh nhanh về, chẳng vui tẹo nào.
Còn bà thì suốt ngày chỉ bắt con ăn, sáng ăn chiều ăn, nửa đêm bắt con dậy ăn. Mà mẹ có biết không bữa nào cũng ăn thịt gà, thịt vịt, thịt bò... bà bắt con ăn 3 bát cơm nhiều ơi là nhiều. Hôm nào mà không ăn là bà mắng con rồi vừa ăn xong đã bắt con ăn thêm, ăn giữa sáng, ăn giữa chiều. Tối qua con đang ngủ bà cũng dựng con dậy uống sữa vì bà bảo đêm sẽ đói. Con chẳng thích ở với ông bà nữa, mẹ cho con lên thành phố với bố mẹ đi.
Tôi bật cười vì hóa ra cu cậu ở quê không chịu nổi cảnh sống sướng quá thế này. Hỏi bố mẹ chồng tôi thì mẹ chồng tôi nói nhìn thằng bé gầy quá nên ông bà thương không cho đi đâu, không cho làm gì, sợ con mới về quê nên gặp nguy hiểm cũng không dám cho đi đâu.
Mẹ chồng còn mắng tôi không chịu "nhồi" con ăn khiến thằng bé trông gầy khẳng khiu, "gió thổi bay" nên bà cố gắng nhồi nhét cho cháu ăn trong vòng 1 tháng này để giải quyết tình trạng gầy trơ xương. Một lý do nữa theo ông bà nhìn cháu gầy ốm quá đi ra làng xóm sợ mọi người chê cười nên không dám cho cháu đi ra ngoài. Tôi thở dài thườn thượt vì như thế này thì có khác gì ở thành phố.
Bởi vậy vợ chồng tôi phải làm công tác tư tưởng lại cho cả ông bà và cháu vì chúng tôi kỳ vọng rằng mong muốn cho con 1 tháng hè nghỉ ở quê đúng nghĩa. Việc vận động là cách giúp con tốt lên và không phải cứ ăn uống quá nhiều như thế là tốt cho con. Cả hai bên đồng ý sẽ thay đổi cách sống, thỏa hiệp với nhau hơn nên thằng bé đồng ý tiếp tục ở lại quê với ông bà nhưng cu cậu kỳ hẹn trước:
- Nếu con không thoải mái mẹ phải về đón con ngay nhé!
Tâm sự từ độc giả trinhnguyen...@gmail.com