Những thói quen thường gặp như ngủ ngáy, nghiến răng, giật mình... có thể cho biết tình trạng sức khỏe của bé mẹ cần lưu ý.
Giấc ngủ ngon là vô cùng quan trọng với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh để bé phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Nếu để ý mẹ sẽ thấy trong lúc ngủ, bé thường xuyên có những biểu hiện như khóc, giật mình, ngáy… Tất cả những biểu hiện trên đều hết sức bình thường, không đáng lo ngại.
Tuy nhiên, có một số biểu hiện khi ngủ của trẻ cho thấy trẻ rất có thể đang gặp vấn đề về sức khỏe. Cha mẹ nên quan sát con cẩn thận để nhận biết sớm tình trạng sức khỏe của trẻ.
1. Nghiến răng
Nghiến răng thường xảy ra ở trẻ sơ sinh khi bắt đầu mọc răng sữa hoặc trẻ trong giai đoạn mọc răng vĩnh viễn. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do cảm giác khó chịu, trẻ bị đau hoặc gặp vấn đề về tiêu hóa.
Thói quen này tuy không làm tổn hại tới men răng của trẻ nhưng sẽ gây khó chịu, cảm giác rùng mình. Để cẩn thận hơn, cha mẹ nên đưa bé đi gặp nha sĩ để kiểm tra.
2. Đạp chân tay khi ngủ
Trẻ hay đạp chân tay khi ngủ có thể bị sợ hãi hoặc kích thích quá mạnh. (Ảnh minh họa)
Trong lúc ngủ trẻ thường đạp chân tay chứng tỏ ban ngày tinh thần bị kích thích quá mạnh hình thành nỗi sợ hãi trong tâm trí của trẻ, khiến bé mệt mỏi ngay cả khi đi vào giấc ngủ.
Thói quen đập chân tay dễ khiến bé có giấc ngủ không sâu, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển về thể trạng và trí não.
3. Giật mình, bật khóc khi ngủ
Trẻ giật mình và bật khóc trong lúc ngủ dễ gặp phải hội chứng sợ hãi về đêm khiến giấc ngủ không sâu. Một số bệnh lý như viêm họng, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh về da (rôm sảy, mụn nhọt…) hoặc những bất thường về chức năng não.
Mẹ nên chú ý tới biểu hiện này của trẻ, ngay khi phát hiện hãy cho bé đi khám để phát hiện và có biện pháp chữa trị kịp thời.
4. Vặn mình, gồng mình khi ngủ
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ trằn trọc hay vặn mình trong lúc ngủ mẹ nên lưu ý. Với trẻ sơ sinh, việc mẹ quấn khăn quá chặt khiến bé khó chịu và phản ứng như vặn mình, gồng mình.
Mẹ nên chú ý nếu thấy trẻ hay vặn mình, gồng mình khi ngủ. (Ảnh minh họa)
Khi bé đói cũng sẽ có những hành động tương tự để gây sự chú ý với mẹ giống như đòi ăn. Ngoài ra, môi trường ồn ào hay ánh sáng quá chói, thời tiết quá nóng hay quá lạnh cũng có thể làm bé khó chịu.
Nếu trẻ vặn mình, gồng mình kèm các dấu hiệu như bỏ bú, nôn ói hoặc đổ mồ hôi trộm… rất có thể bé bị thiếu canxi và vitamin D hoặc một số bệnh lý về da gây ngứa ngáy.
5. Lắc đầu khi ngủ
Hội chứng rối loạn vận động nhịp nhàng là nguyên nhân khiến trẻ lắc đầu khi ngủ. Nếu thấy bé thường xuyên lắc đầu kèm theo các biểu hiện viêm hô hấp trên, mắt có ghèn... thì rất có thể trẻ bị viêm tai giữa.
Khi trẻ ngủ dịch trong tai sẽ chảy ra gây ngứa ngáy khó chịu, bé phản xạ bằng cách lắc đầu liên tục nhằm giảm tình trạng khó chịu.
Ngoài ra, trẻ có nguy cơ thiếu canxi dẫn tới còi xương, chậm phát triển, chậm lật, chậm đi…Lúc này, cha mẹ nên đưa trẻ gặp bác sĩ sớm, để được thăm khám và điều trị kịp thời.
6. Ngáy ngủ
Phần lớn trẻ nhỏ ngáy ngủ khi bị nghẹt mũi do bị cảm lạnh. Tuy nhiên, nếu bé ngáy theo từng hồi (có gián đoạn) kèm theo tiếng thở hổn hển, rất có thể đường không khí của bé bị tắc nghẽn.
Đây rất có thể là hiện tượng “ngưng thở khi ngủ” – một căn bệnh mãn tính, mẹ nên đưa bé tới cơ sở y tế để khám và nghe tư vấn từ bác sĩ.