Cậu bé sẽ phải trả 500.000 - 600.000VNĐ. Cô giáo cảm thấy như vậy có hơi quá lãng phí.
Mức sống ngày một nâng cao, cha mẹ có xu hướng yêu chiều con cái hơn. Điều này đồng nghĩa với việc trẻ em ngày càng có nhiều tiền hơn để tiêu dùng. Câu chuyện dưới đây kể về một cậu bé “vung tay” hơi quá trán. Dưới nhiều góc độ, nhiều người cho rằng hành động này hơi lãng phí, trong khi nhiều người cho rằng việc tiêu tiền này là hợp lý. Đó là câu chuyện của cậu bé Hạo Hạo người Trung Quốc
Hạo Hạo - một học sinh vừa mới tốt nghiệp tiểu học, hiện đang học lớp 6. Những ngày cuối của cấp tiểu học, cậu bé đã cùng những người bạn người bạn thân của mình tụ tập và nói chuyện, vui đùa. Do điều kiện sống của gia đình khá tốt, Hạo Hạo tiêu tiền có phần nhiều hơn và có quan niệm tiêu dùng tiên tiến hơn các bạn của mình. Vì vậy, cậu bé đã mời những người bạn này đi ăn đồ ăn nhanh.
Cậu bé dùng tiền ba mẹ cho để trả tiền cho bạn cùng lớp.
Tình cờ, giáo viên chủ nhiệm của cậu bé đi ngang qua và nhìn thấy. Cô giáo này cảm thấy rằng ở lứa tuổi này, cách tiêu tiền của cậu bé hơi "sang trọng". Vì vậy, ngày hôm sau, cô giáo chủ nhiệm đã gọi điện cho mẹ của Hạo Hạo và kể lại toàn bộ sự việc. Cứ tưởng rằng người mẹ sẽ quay sang mắng té tát cậu bé vì tiêu dùng quá hoang phí, nào ngờ mẹ cậu bé lại hoàn toàn ủng hộ cách làm của con trai mình.
Người mẹ không những không la mắng con mà còn thấy hành động đó là hợp lý.
Mẹ của Hạo Hạo đã trực tiếp trả lời giáo viên: "Tôi không nghĩ rằng có vấn đề gì với cách tiêu xài của con tôi. Đối với chúng tôi, đồ ăn nhanh chỉ là một loại nhà hàng bình thường, mặc dù nó có thể là một thứ xa xỉ trong mắt của cô giáo. Đây chỉ là một sự sự khác nhau về quan niệm tiêu dùng mà thôi cô ạ!”. Cô giáo nghe vậy rất ngượng ngùng, không biết nói gì.
Nhiều cư dân mạng khi xem câu chuyện này cũng bày tỏ suy nghĩ của mình: Thực ra, đứng trên lập trường của người mẹ trong câu chuyện, những gì cô ấy nói đều rất hợp lý. Suy cho cùng thì điều kiện kinh tế của mỗi gia đình là khác nhau, không cần thiết phải ép buộc con cái theo một tiêu chuẩn nhất định, chỉ cần tiêu dùng hợp lý là được. Hành động của cô giáo là tốt, nhưng mỗi gia đình có một quan niệm tiêu dùng khác nhau.
Điều kiện tài chính của mỗi gia đình là khác nhau, nên cũng không thể quy chụp như vậy.
Tuy nhiên, dù gia đình có điều kiện đến đâu, cha mẹ vẫn nên dạy con tiêu tiền hợp lý, để con có thể hiểu được giá trị của đồng tiền và dần dần xây dựng khao khát làm giàu. Cha mẹ có thể dùng những điều gần gũi trong cuộc sống hàng ngày dưới đây để dạy con.
Nuôi heo đất
Cha mẹ và con có thể cùng nhau lập kế hoạch heo đất để tiết kiệm tiền. Ví dụ, nếu bé thích một bộ đồ chơi mới. Mỗi ngày mẹ cho heo đất 5.000 đồng và con bỏ vào 2.000 đồng thì bao lâu sẽ đủ tiền mua món đồ đó chẳng hạn. Và nếu bé muốn có 2.000 đồng, bé phải cắt giảm chi tiêu như thế nào? Phải “hy sinh” nhu cầu gì cho những nhu cầu lớn hơn? Hoạt động này sẽ giúp bé nhận ra nhu cầu, sở thích thực sự của mình, hình thành thói quen tiết kiệm tiền cho những kế hoạch dài hạn.
Trải nghiệm cảm giác lao động
Nếu trẻ muốn có tiền tiêu xài, tại sao bạn không nhân cơ hội này dạy cho trẻ bài học về giá trị của sức lao động bỏ ra để đổi lấy thành quả. Hãy “thuê” hoặc nhờ người quen “thuê” bé làm những việc nhỏ, vừa sức của mình như: gấp quần áo cho cả nhà, xếp khăn giấy, chơi cùng và chăm nom bé nhỏ hơn nhà hàng xóm, giúp nhổ cỏ trong vườn, đặt hàng bé vẽ tranh theo một chủ đề nào đó…
Việc này vừa có thể giúp bé hiểu hơn về giá trị lao động cũng như biết quý trọng tiền hơn do bé phải bỏ công sức làm ra. Tuy nhiên, không nên áp dụng phương pháp này quá thường xuyên vì bé có thể sẽ hiểu rằng việc gì cũng phải được trả công và thiếu tinh thần giúp đỡ người khác. Chỉ nên thực hiện trong ngày chủ nhật hoặc dịp gì đặc biệt và đó nên là những công việc bé ít khi làm.
Tránh cho con tự tiện lục ví cha mẹ
Tránh tối đa việc cha mẹ để tiền trong hộc tủ, túi xách hay những nơi bé có thể lấy dễ dàng để mua quà vặt. Cha mẹ khi cho tiền con chỉ nên đưa trực tiếp cho trẻ, tránh câu cửa miệng: “Con vào trong túi xách của cha/mẹ mà lấy”. Việc này nếu lặp đi lặp lại nhiều lần trẻ sẽ không còn xin phép nữa vì trong suy nghĩ non nớt, trẻ đã xem việc đó là hiển nhiên khi có nhu cầu cần xài tiền.
Tránh thể hiện thái độ xem nhẹ đồng tiền trước mặt trẻ. Chẳng hạn như những câu nói giữa người lớn với nhau: “Chỉ có vài trăm/ vài triệu lẻ thôi mà, có đáng gì đâu” không nên thể hiện trước mặt trẻ. Nếu cha mẹ không xem trọng thành quả lao động là tiền bạc thì con cái cũng sẽ tiêu tiền bừa bãi.