Con nghịch ngợm, bố mẹ dỗ dành bằng điện thoại, bác sĩ nói: Phần cổ nghiêm trọng rồi!

Ngày 14/12/2018 17:57 PM (GMT+7)

Chỉ vì muốn con hết nghịch ngợm và ngồi ngoan 1 chỗ, bố mẹ cậu bé đã đưa con chiếc điện thoại di động nhưng không thể ngờ rằng nó lại dẫn đến hệ lụy vô cùng nghiêm trọng.

Mới đây các bác sĩ tại bệnh viện Nhân Dân tại tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã tiếp nhận một bệnh nhân mới 9 tuổi tên là Tiểu Tấn (tên ở nhà) nhưng đã gặp phải vấn đề nghiêm trọng về cổ.

Cậu bé dường như không thể ngẩng được cao đầu, đầu lúc nào cũng trong tình trạng nghiêng về một bên, mắt không thể nhìn trực tiếp vào người đối diện. Khi kiểm tra, bác sĩ thấy cổ của Tiểu Tấn rất cứng.

Khi được yêu cầu nằm xuống, cậu bé nhăn nhó mặt và biểu hiện rõ sự đau đớn. Tiểu Tấn phải dùng cả hai tay để ôm đầu rồi từ từ hạ thân mình xuống giường. Lúc ngồi dậy cũng là một cực hình đối với cậu bé. Nếu như người bình thường có thể dễ dàng vùng thân trên và đầu lên trước để ngồi dậy thì Tiểu Tấn lại khác.

Con nghịch ngợm, bố mẹ dỗ dành bằng điện thoại, bác sĩ nói: Phần cổ nghiêm trọng rồi! - 1

Bệnh nhân mới 9 tuổi tên là Tiểu Tấn nhưng đã gặp phải vấn đề nghiêm trọng về cổ.

Em phải dịch chuyển 2 chân của mình sang cùng một bên mép giường rồi nhẹ nhàng đặt 2 chân ra khỏi giường trước sau đó mới từ từ nâng cơ thể mình ngồi dậy. Và trong suốt quá trình, cậu bé lúc nào cũng phải dùng 2 tay để giữ lấy đầu. Tuy mới 9 tuổi nhưng mọi cử động của cậu bé giống như một người cao tuổi ốm yếu.

Sau khi có kết quả chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện khớp đội-trục của Tiểu Tấn có vấn đề và nó đã bị lệch phải vị trí chuẩn.

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng giống như bé Tiểu Tấn, các bác sĩ đã có cuộc trò chuyện với người thân của bé. Được biết, bố mẹ Tiểu Tấn thường xuyên phải ra ngoài làm việc nên không có nhiều thời gian để chăm lo để mắt đến con cái. Thêm vào nữa, Tiểu Tấn lại là một đứa trẻ tương đối nghịch ngợm vì thế mỗi lần muốn con im lặng ngồi im 1 chỗ, bố mẹ cậu bé sẽ đưa cho con một chiếc điện thoại.

Con nghịch ngợm, bố mẹ dỗ dành bằng điện thoại, bác sĩ nói: Phần cổ nghiêm trọng rồi! - 2

Sau khi có kết quả chụp X-quang, các bác sĩ phát hiện khớp đội-trục của Tiểu Tấn có vấn đề và nó đã bị lệch phải vị trí chuẩn.

Nhờ có chiếc điện thoại đó, Tiểu Tấn có thể ngồi ngoan cả ngày mà không làm phiền bố mẹ. Đặc biệt, mỗi khi dùng điện thoại, cậu bé đều ngồi và cúi thấp đầu xuống để nhìn. Và theo các bác sĩ đây chính là nguyên nhân khiến cậu bé mới 9 tuổi đã đau cổ bởi với thói quen dùng điện thoại ở trong tư thế cúi đầu, nếu kéo dài sẽ khiến xương cổ của cậu bé bị lệch.

Sau khi phát hiện ra mấu chốt của vấn đề, các bác sĩ bắt đầu tiến hành vật lý trị liệu cho Tiểu Tấn. Sau nửa tháng điều trị, cổ của cậu bé đã được chỉnh về đúng vị trí, đầu có thể di chuyển tự do mà không còn đau nữa. Cuối cùng, sau một thời gian, bệnh tình của bé trai đã được loại bỏ hoàn toàn.

Thông qua trường hợp của Tiểu Tấn, bác sĩ muốn cảnh báo các bậc phụ huynh về mức độ nguy hiểm của việc cho trẻ dùng điện thoại. Nó không chỉ ảnh hưởng đến thị lực, khả năng cầm nắm mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển xương của trẻ khiến đốt sống cổ và thắt lưng bị bệnh. 

Con nghịch ngợm, bố mẹ dỗ dành bằng điện thoại, bác sĩ nói: Phần cổ nghiêm trọng rồi! - 3

Tiểu Tấn thường xuyên chơi điện thoại di động

Vào tháng 10/2017, một bé gái 4 tuổi ở Đại Liên, Trung Quốc đã được chẩn đoán mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ. Được biết, cô bé bắt đầu tiếp xúc với điện thoại từ năm 2 tuổi. Mỗi ngày bé đều miệt mài chơi điện thoại trong vài tiếng liền. Chỉ đến khi cánh tay và cổ cô bé bị đau, bố mẹ em mới tá hỏa cho con đi khám nhưng lúc đó đã quá muộn, bệnh đã hình thành từ lâu nên rất khó chữa trị.

Các lưu ý bố mẹ cần biết khi cho con dùng điện thoại

Ngày nay, hình ảnh các em nhỏ tuy còn ít tuổi nhưng đã cầm trong tay chiếc điện thoại di động và thực hiện một các thao tác vô cùng dứt khoát không còn quá xa lạ với chúng ta. Vẫn biết rằng điện thoại với đủ các thứ trò chơi hấp dẫn cùng những hình ảnh bắt mắt có thể khiến các con giữ yên lặng nhưng nếu bố mẹ quá lạm dụng thiết bị này để chăm con thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Do đó, khi cho trẻ dùng điện thoại di động, bố mẹ nên:

- Giới hạn thời hạn sử dụng điện thoại mỗi ngày cho con: Trẻ càng nhỏ, thời gian dùng càng ngắn càng tốt.

- Sửa tư thế cho trẻ khi dùng điện thoại: Thứ nhất, khoảng cách giữa mắt và điện thoại phải phù hợp, không được quá gần. Thứ hai, không được cho con sử dụng điện thoại ở những nơi có ánh sáng kém. Thứ ba, nhắc nhở con không được cúi thấp đầu khi xem điện thoại, thay vào đó hãy nâng điện thoại lên sao cho ngang tầm với mắt của mình.

- Bố mẹ cần kiểm soát các chương trình trong hệ điều hành trên điện thoại di động, máy tính bảng… của mình. 

- Đưa điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng để làm trẻ dịu cơn giận không phải là một ý tưởng hay.

- Không cho trẻ dùng trước khi đi ngủ.

- Thay vì những trò chơi không có tính tương tác và khiến trẻ chỉ cắm mặt vào đó trong vô thức, cha mẹ thông minh nên chọn những trò chơi hoặc chương trình vừa có thể hấp dẫn con, lại vừa có thể hạn chế sự thụ động của con, giúp con vừa học vừa chơi.

- Nhắc nhở con sau khi cầm điện thoại, ipad phải rửa tay thật sạch.

Ông bà dỗ cháu bằng điện thoại, mẹ Bình Định hốt hoảng thấy con 5 tuổi chưa biết nói
Người lớn ít giao tiếp với trẻ nhỏ khi chúng đang ở độ tuổi tập nói, cho trẻ sử dụng điện thoại, ti vi quá nhiều chính là một trong những căn nguyên...
Thanh Loan (Dịch từ sohu)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Kinh nghiệm của mẹ