Không chỉ gây ấn tượng với khán giả qua những chương trình truyền hình, những vai diễn ấn tượng, Đan Lê còn khiến nhiều bà mẹ bỉm sữa khâm phục vì cách dạy con khéo léo, khoa học.
Sau khi kết hôn với đạo diễn Khải Anh và sinh 2 cậu con trai kháu khỉnh, Đan Lê ít xuất hiện hơn với vai trò MC trên truyền hình. Cô lui về hậu trường, tập trung chăm sóc gia đình nhỏ, bắt tay vào dự án kinh doanh của riêng mình.
Đối với những ai thường xuyên theo dõi trang cá nhân của Đan Lê, có thể nhận thấy người đẹp rất hay chia sẻ mẩu chuyện về cách nuôi dạy con. Những bí kíp dạy 2 cậu quý tử mà không cần roi vọt được rất nhiều bà mẹ thích thú.
Gia đình hạnh phúc của MC Đan Lê.
Dưới đây là một vài kinh nghiệm để “con vui, mẹ nhàn” của bà mẹ 2 con xinh đẹp:
- Chào chị Đan Lê, mới đây, chị có chia sẻ trên trang cá nhân câu chuyện về việc dạy con cách lựa chọn. Vì sao chị đề cao sự lựa chọn của các con, khi các bé vẫn còn khá nhỏ?
Như rất nhiều bà mẹ khác, Đan Lê thường hay chia sẻ những mẩu chuyện nhỏ về con. Và dạy cho con cách lựa chọn chính là cách mà mình đang áp dụng đối với 2 cậu con trai.
Bản thân mình là người luôn coi trọng sự tự nguyện trong một mối quan hệ. Mình muốn người khác tự nguyện, thì họ phải có quyền được lựa chọn. Mình nghĩ trong việc nuôi dạy con cũng thế. Trước mỗi một vấn đề mình luôn hỏi các con muốn lựa chọn điều gì. Mình sẽ phân tích cho các con hiểu nếu lựa chọn cái này thì sẽ như thế nào, lựa chọn cái kia thì ra sao? Tức là phân tích về cái được, cái mất để các bé tự phán đoán tình hình và quyết định.
Nếu các bé quá bối rối trong việc lựa chọn, các bé hỏi ý kiến bố mẹ, mình sẽ tư vấn, theo mẹ con nên làm thế này, bởi điều này sẽ mang lại ích lợi gì cho con. Chính vì sự tôn trọng của mình với các con, các con rất tin tưởng vào bố mẹ.
- Tuy nhiên không phải bất cứ quyết định nào của các bé cũng đúng, đôi khi các bé lựa chọn điều không tốt với mình thì chị làm thế nào?
Đã là bố mẹ thì ai cũng đều mong muốn cho con những gì tốt đẹp nhất. Bản thân mình cũng vậy, nhưng không vì thế mà mình áp đặt các con. Mình định hướng sự lựa chọn cho các con nhưng thay đổi cách tiếp cận vấn đề chứ không có bí quyết gì to tát cả.
Mình nghĩ rằng khi bố mẹ định hướng, phân tích cho các con hiểu, các con cũng sẽ lựa chọn điều tốt nhất cho mình mà thôi. Còn ngược lại, bố mẹ buộc con cái phải làm điều này, điều kia mà không giải thích rõ ràng thì vô tình lại đẩy con tới việc thích chọn thứ mà mình không có được.
Nữ MC thường đưa con tham gia các hoạt động cộng đồng.
- Nhiều gia đình chia sẻ họ không cho con tiếp xúc với công nghệ và các thiết bị thông minh sớm. Đối với con chị thì như thế nào?
2 bé nhà mình cũng như vậy, các bé không thường xuyên được sử dụng các thiết bị thông minh như điện thoại, ipad hay xem hoạt hình quá nhiều. Mình tiết chế ở mức độ vừa phải, mỗi ngày các bé có chừng 30 phút xem hoạt hình và chia ra làm 2 lần, mỗi lần 15 phút.
- Nếu bố mẹ vắng nhà, có khi nào các bé mè nheo ông bà, người thân cho xem thêm một chút không?
Điều này thì không, bởi khi mình đã tạo dựng được thói quen và nguyên tắc sống cho các bé thì các bé sẽ nghe theo. Điều đó cũng phải nhận được sự hợp tác của các thành viên trong gia đình.
- Chị đã làm thế nào để tạo lập được thói quen, tính tự giác cho bé?
Mình đã phân tích cho con hiểu việc chơi, xem các thiết bị thông minh sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của các con như thế nào? Tức là phân tích về tác hại nếu con chơi các thiết bị thông minh quá nhiều.
Mình tin trẻ con khi bố mẹ chịu trao đổi, chịu nói chuyện với các con nhiều thì các bé sẽ hiểu. Chỉ khi nào bố mẹ dùng quyền phủ quyết, nói con không được xem ti vi, không được chơi ipad mà không nói với các con lý do tại sao, thì các bé mới phản ứng.
Bản thân mình đã phân tích cho các con hiểu xem ti vi sẽ ảnh hưởng thế nào tới mắt của các con, trí não của các con, nếu con dành thời gian xem các thiết bị điện tử con sẽ không có thời gian đi chơi nữa, không được cùng mẹ đọc truyện, không được chơi cầu trượt...
Lúc đó, bố mẹ phải tạo cho các con thấy cho nhiều hoạt động vui chơi khác thú vị hơn là xem ti vi, xem điện thoại thì các con sẽ tự khắc nghe lời.
Mình nghĩ rằng khi một người bố, người mẹ đủ thú vị và kiên nhẫn đối với con thì con sẽ có sự lựa chọn của mình. Bởi con sẽ hiểu con không thể tương tác với 1 cái ti vi nhưng với bố mẹ thì khác, bố mẹ chịu kiên nhẫn, chịu dành thời gian cho con, bố mẹ thú vị hơn 1 cái ti vi thì chắc chắn con sẽ luôn yêu thích bố mẹ. Không một em bé nào lại không yêu bố mẹ mình cả, chỉ có điều bố mẹ có dành thời gian cho con không mà thôi.
Nếu bây giờ bố mẹ bảo cho con đi chơi, thay vì chơi cùng con, bố mẹ chỉ đưa con đến chỗ chơi và để con tự chơi, bố mẹ cũng dùng điện thoại, bỏ mặc con mình thì đương nhiên trò chơi ấy không thể vui được rồi. Trẻ con cũng sẽ nhìn vào đấy làm gương, các bé nghĩ rằng bố mẹ lúc nào cũng chăm chú vào cái điện thoại thì chắc chắn điện thoại phải có gì đó hấp dẫn lắm, và các con cũng thích điện thoại thôi. Do đó nếu bố mẹ cần dùng tới điện thoại có thể sử dụng vào lúc khác không vào thời gian của con.
- Nhiều ông bố, bà mẹ muốn “cách ly” con khỏi công nghệ. Vậy nhưng, công việc của họ lại rất cần tới việc sử dụng điện thoại, máy tính, thì việc áp dụng cách dạy con này có vẻ khó khăn?
Bản thân công việc của mình khá bận rộn nên thường xuyên phải sử dụng điện thoại để giải quyết, có lúc các bạn muốn mẹ chơi cùng hoặc thấy mẹ đang dùng điện thoại liền hỏi, mình thường trả lời: Bây giờ mẹ đang phải làm việc, con cho mẹ bao nhiêu phút được không? Và mình có kế hoạch cho việc đó. Các bạn ấy đồng ý.
Mình có nói chuyện với các con, giải thích cho các con và các bạn hiểu bố mẹ làm việc mang lại cho các bạn lợi ích gì. Bố mẹ phải đi làm mới có tiền cho các bạn đi học, đi chơi. Đại khái có những lúc phải dùng tới kiến thức của “vũ trụ” để giải thích 1 vấn đề chỉ bằng cái kẹo cho con nhưng vẫn phải kiên nhẫn.
- Gia đình chị có gặp những mâu thuẫn trong nuôi dạy con cái?
Việc dạy con trong gia đình sẽ có những lúc cảm thấy không khớp với nhau, lúc ấy tốt nhất bố mẹ, người lớn trong nhà không nên tranh cãi ngay trước mặt trẻ nhỏ, tạm thời nên gác lại mọi việc và sau đó hãy trao đổi lại với nhau.
Trẻ con rất nhạy cảm, chúng sẽ nhận biết được mọi thứ, kể cả đứa trẻ chưa biết nói cũng sẽ nhận ra được thái độ người lớn đối xử với nhau và việc hướng dẫn con về sau này sẽ gặp nhiều khó khăn. Nên mình nghĩ sự đồng thuận trong phương pháp dạy con là quan trọng.
- Có lúc nào chị không giữ được sự bình tĩnh với các con chưa?
Rất hiếm khi, bởi mình luôn cố gắng kiềm chế sự tức giận. Mình luôn nói với các con, các con đang học làm người lớn, còn mẹ thì đang phải học làm mẹ. Không phải lúc nào mẹ cũng đúng, cũng có lúc mẹ không giữ được sự bình tĩnh, có lúc mẹ cũng lo sợ, mẹ cũng bắt ép con làm điều con không muốn. Nhưng tất cả chúng ta đều phải học, khi mình thấy sai thì mình thẳng thắn thừa nhận cái sai ấy, không sợ việc nhận sai thì khiến các con coi thường bố mẹ.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!
>> XEM TIẾP: Thấy con khóc lóc ăn vạ, Đan Lê đã xử lý cực khéo
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia uy tín. Những thắc mắc của quý độc giả về Sức khỏe trẻ em sẽ được các chuyên gia giải đáp vào 15h30 thứ 2 và thứ 5 hàng tuần trên chuyên mục Làm mẹ - Eva.vn. |