“Tuyệt chiêu” dạy con của các ông bố nổi tiếng đôi khi khiến khán giả phải ngỡ ngàng vì mức độ hiệu quả.
Hành trình “Bố ơi” mùa 2 đã đi được một chặng đường khá dài. Bên cạnh việc mang lại tiếng cười giải trí cho khán giả, chương trình còn đem lại nhiều bài học kinh nghiệm hữu ích qua cách nuôi dạy, giáo dục con của 4 ông bố. Đôi khi khán giả phải ngỡ ngàng trước những cách thuyết phục con cực hiệu quả của các ông bố nổi tiếng này. Hãy cùng điểm lại những “chiêu” mà các bố đã đưa ra để xử lí những giây phút bướng bỉnh của các nhóc tì:
Phương pháp đếm ngược
Cách này nghe có vẻ rất đơn giản, khi chuẩn bị “xử” trẻ, hãy đếm. Ví dụ: “Bố đếm đến 10 mà con không... thì bố sẽ...” Việc đếm ngược này hiệu quả đến nỗi nếu khán giả để ý kĩ sẽ thấy cả bố Hoàng Bách (mùa 1) và bố Xuân Bắc (mùa 2) đều áp dụng biện pháp này với con trai của mình.
Việc đếm ngược này hiệu quả đến nỗi nếu khán giả để ý kĩ sẽ thấy cả bố Hoàng Bách (mùa 1) và bố Xuân Bắc (mùa 2) đều áp dụng biện pháp này với con trai của mình. (Ảnh minh họa)
Bố mẹ đếm ngược tức là đang cho trẻ thêm cơ hội để giải quyết, vì thể mà khi đếm, bố mẹ sẽ thấy con thực hiện yêu cầu của mình nhanh chóng hơn hẳn. Khán giả từng chứng kiến nhiều giây phút rất hài hước và ngộ nghĩnh khi bé Tê Giác hoặc Bi béo không muốn làm gì đó nhưng chỉ cần nghe bố đếm “3...2...1” là ngay lập tức các bé hối hả vâng theo lời bố. Chắc chắn đây là một “chiêu” dạy con nghe lời không cần đòn roi đáng để các ông bố bà mẹ học tập theo.
Phương pháp đánh vào thế mạnh của con
Nêu bật những điểm mạnh của con để khích lệ trẻ làm một điều gì đó là cách ông bố Đỗ Minh hay áp dụng đối với cậu con trai Totti của mình. (Ảnh minh họa)
Nêu bật những điểm mạnh của con để khích lệ trẻ làm một điều gì đó là cách ông bố Đỗ Minh hay áp dụng đối với cậu con trai Totti của mình. Ở thử thách trên đảo hoang, khi cậu bé nhất quyết không chịu vào trong rừng để thực hiện nhiệm vụ lấy nước, bố Đỗ Minh không giục giã con mà dùng cách khen con như một chiêu để “khích tướng”: “Ti là người dũng cảm nhất trong tất cả các bạn”, “Bố biết Ti không sợ.”, trước những lời động viên của bố, bé Totti đã đồng ý dẫn đầu 3 bé còn lại đi vào rừng sâu để lấy nước.
Không tranh luận khi con đang nóng giận
Khi trẻ đang mất bình tĩnh, việc tranh cãi, phê bình, rao giảng đạo đức với trẻ là điều vô nghĩa bởi cơn giận của trẻ đã bao trùm tất cả, bố mẹ có can thiệp vào cũng không khác nào “thêm dầu vào lửa”. Ông bố Đỗ Minh với phong thái điềm đạm, ung dung vốn có, cộng với việc hiểu rõ bản tính con trai mình (Totti là cậu bé có một chút hiếu thắng và dễ mất kiểm soát) nên những lúc Totti thể hiện sự giận dữ, ông bố này không vội vã khiển trách con mà kiên nhẫn chờ cho cơn giận của con lắng xuống rồi cùng nhau nói chuyện bình đẳng như hai người đàn ông.
Những lúc Totti thể hiện sự giận dữ, ông bố này không vội vã khiển trách con mà kiên nhẫn chờ cho cơn giận của con lắng xuống rồi cùng nhau nói chuyện bình đẳng như hai người đàn ông.
Trong thử thách bắt vịt, Totti biểu lộ rõ sự bất bình, khó chịu khi thấy bố Đỗ Minh không giành được giải nhất. Cậu bé đã tức giận đến mức gào thét tên bố rất to và gần như sắp khóc. Bố Đỗ Minh rất nhẹ nhàng hỏi lí do con khóc và kiên nhẫn chờ cơn giận của Totti lắng xuống “Bao giờ hết tức thì nói chuyện với bố.”
Khi cần thuyết phục con, cúi xuống ngang mức bé
Bé có cảm giác được quan tâm và tôn trọng hơn hẳn khi ở tư thế đối thoại ngang bằng với bố mẹ, vì thế mà việc thuyết phục bé cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. (Ảnh minh họa)
Cả 4 ông bố Mạnh Trường, Minh Khang, Đỗ Minh hay Xuân Bắc đều đã áp dụng cách này để thuyết phục con đồng ý. Một hành động rất nhỏ: bố mẹ ngồi xuống hay quỳ gối, để ở mức cao ngang bằng với bé, mắt của bố mẹ ngang bằng với mắt bé – tuy chỉ là tiểu tiết nhưng hành động này sẽ là dấu hiệu cho bé nhận biết “bố mẹ sắp có chuyện cần nói đây, mình cần lắng nghe”. Ngoài ra, bé cũng có cảm giác được quan tâm và tôn trọng hơn hẳn khi ở tư thế đối thoại ngang bằng với bố mẹ, vì thế mà việc thuyết phục bé cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Cương quyết và rõ ràng
Chỉ rõ cho con điều gì được làm và điều gì không được làm sẽ giúp bé không mắc lỗi ở những lần sau. Bố Mạnh Trường cũng đã từng “trị” cô con gái đỏng đảnh, nhõng nhẽo của mình theo cách này rất hiệu quả. Thấy con gái liên tục sợ chó, sợ bẩn, sợ xấu,... không dám xông pha trải nghiệm, bố Mạnh Trường đã thẳng thắn “quán triệt tinh thần” với con: “Con điệu thì bố cho phép nhưng bố không cho phép con đỏng đảnh như thế”.
Bố Mạnh Trường đã thẳng thắn “quán triệt tinh thần” với con: “Con điệu thì bố cho phép nhưng bố không cho phép con đỏng đảnh như thế”.
Như vậy, trong lời nói của bố, mặc dù vẫn chứa yêu cầu bé Chip không được làm, nhưng vẫn đưa ra những việc khác mà bé Chip có thể làm. Cách nói này vừa cương quyết, rõ ràng mà lại không tạo ra sự nặng nề, cấm đoán tuyệt đối với trẻ. Đó chính là nguyên nhân vì sao, ở những thử thách sau đó, cô bé Chip điệu đà ngày nào càng ngày càng bạo dạn, dũng cảm và bản lĩnh hơn hẳn khiến người xem vô cùng bất ngờ.