Nhiều bà mẹ nghĩ rằng răng trẻ sẽ mọc từ giữa vào trong và từ hàm dưới lên hàm trên nhưng thực tế không hoàn toàn như vậy.
Bước qua 6 tháng tuổi đầu đời, bố mẹ sẽ rất vui mừng khi đón nhận những mốc phát triển quan trọng khác ở trẻ đó là mọc răng và ăn dặm. Tuy nhiên chúng ta đều biết rằng quá trình mọc răng ở trẻ có thể là giai đoạn khó khăn cho cả bé và bố mẹ.
Hầu như trẻ bắt đầu mọc răng từ khoảng tháng tuổi thứ 6.
Những dấu hiệu sớm nhất của quá trình mọc răng ở trẻ có thể xuất hiện từ trước khi chiếc răng đầu tiên bắt đầu nhú lên khoảng 3 tháng. Thông thường các chuyên gia cho rằng ở khoảng 6 tháng tuổi, răng sẽ bắt đầu xuất hiện. Đây là khoảng thời gian chung chứ không phải bắt buộc bởi dấu mốc mọc răng ở mỗi trẻ có thể khác nhau.
Và ở tháng tuổi thứ 30, hầu hết trẻ đã mọc đủ răng sữa. Bố mẹ có thể đang thắc mắc răng ở trẻ sẽ mọc theo thứ tự nào? Câu trả lời có thể là từ bên trái, bên phải hoặc ở giữa trước nhưng hầu hết sẽ theo thứ tự sau:
1. Răng cửa giữa hàm dưới
Vị trí răng đầu tiên xuất hiện thường là 2 răng cửa hàm dưới (2 chiếc răng có cạnh hẹp, ở phía trước, có chức năng cắn thức ăn). Chúng thường xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào từ khi trẻ được khoảng 5-10 tháng tuổi. Các chuyên gia cho rằng việc mọc răng sớm hay muộn có thể ảnh hưởng từ yếu tố di truyền. Nếu bố mẹ trẻ đã từng mọc răng sớm thì trẻ cũng rất dễ như thế.
2. Răng cửa giữa hàm trên
Tiếp theo là sự xuất hiện của cặp răng cửa giữa ở hàm trên, thường nhú lên khi trẻ được 6-12 tháng tuổi.
3. Răng cửa cạnh hàm trên
Cặp răng tiếp theo có thể xuất hiện trên hàm răng của trẻ đó là 2 răng cửa cạnh hàm trên (1 răng bên trái, một răng bên phải của 2 răng cửa giữa). Bố mẹ chắc hẳn sẽ rất vui khi nhìn thấy răng của trẻ xuất hiện nhiều hơn và xếp thành hàng lối.
4. Răng cửa cạnh hàm dưới
Cũng giống như cặp răng cạnh hàm trên, cặp răng cạnh hàm dưới cũng xuất hiện bất cứ độ tuổi nào của trẻ từ 10-16 tháng. Từ lúc này, mỗi khi trẻ cười sẽ rất kháu khỉnh khi đã có tới 8 chiếc răng.
Từ lúc này, trẻ đã có thể cắn được khá nhiều thực phẩm khô, rắn hơn.
5. Những chiếc răng hàm đầu tiên
Mẹ nghĩ rằng thứ tự tiếp theo sẽ là răng nanh nhưng không đúng đâu. Tiếp theo sẽ là cặp răng hàm ở hàm trên có tac dụng dùng để nghiền và nhai. Răng hàm đầu tiên sẽ xuất hiện khi trẻ được khoảng 12-18 tháng tuổi.
6. Cặp răng hàm dưới
Tiếp đó là cặp răng hàm bên dưới. Cũng như cặp răng hàm trên, chúng sẽ xuất hiện gần như cùng lúc ở 2 bên.
7. Răng nanh hàm trên
Cặp răng tiếp theo xuất hiện ở hàm răng trẻ sơ sinh là các răng nanh. Hai chiếc răng nanh hàm trên được mọc vào khoảng 16-22 tháng tuổi sẽ lấp đầy vị trí bị bỏ trống. Có một thực tế thú vị là ngoài cái tên răng nanh, ở một số nơi, họ gọi hai chiếc răng này là răng chó.
8. Răng nanh hàm dưới
Hai răng nanh hàm dưới xuất hiện khi bé ở khoảng 17-23 tháng tuổi. Bây giờ, bé nhà bạn đã có một nụ cười toàn răng. Nó thực sự rất đẹp vì răng sữa bao giờ cũng trắng hơn răng vĩnh viễn.
9. Răng hàm phía dưới
Hai răng hàm phía dưới tiếp theo được mọc khi bé được khoảng 23-31 tháng tuổi. Ở giai đoạn này, nhiều bé thường không cảm thấy khó chịu khi mọc răng vì bé đang bận rộn khám phá nhiều thứ xung quanh.
10. Răng hàm phía trên
Hai chiếc răng hàm trên cuối cùng sẽ mọc khi em bé ở khoảng 25-33 tháng tuổi. Vậy là cho đến khi 3 tuổi, bé sẽ có một nụ cười vô cùng rực rỡ với đầy đủ 20 chiếc răng sữa.