Mẹ tát con bôm bốp giữa sân trường

Ngày 25/05/2014 15:31 PM (GMT+7)

Ngay trước sự có mặt của nhiều phụ huynh học sinh, một bà mẹ thẳng tay đánh con liên tiếp chỉ vì trót cho bạn mượn truyện.

Như mọi ngày, tôi tới trường đón con ở trường tiểu học, bỗng một học sinh đang học  lớp 1 vừa đi vừa khóc lóc, mồm miệng tía lia về một chuyện gì đó. Tôi lắng nghe thì được biết, nó khóc vì chị gái (học lớp 3) mang cuốn truyện tranh cho bạn mượn mà không được sự đồng ý của nó. Vừa nói, thằng bé vừa ném cái cặp của chị ra khỏi xe và quát mẹ bằng giọng nói vừa ra lệnh, vừa trống không: “Đi về, không cho chị về nữa”. Nói xong, thằng bé đấm liên hồi vào đầu, vào trán chị. Điều lạ là con bé không hề phản ứng gì và vẫn đứng yên cho đứa em “trút giận”, như thể chuyện này với cô bé đã quá quen rồi. 

Tôi ngạc nhiên khi thấy bà mẹ vẫn không phản ứng gì trước hành động khá bạo lực của thằng bé. Thấy vậy, tôi đành phải can thiệp thay mẹ nó: “Tại sao lại đánh chị như thế?”. Bà mẹ lúc này mới lên tiếng bằng hành động đánh liên tiếp vào vào mặt, vào người thằng bé, bất chấp đang đứng giữa sân trường và trước sự chứng kiến của nhiều phụ huynh, học sinh. Sau đó thì hướng sang đứa con gái và hành động tương tự: “Đi lấy quyển truyện về cho nó ngay. Cả hai đứa chúng mày về nhà thì chết với tao. Bọn này không cho ăn đòn là không nghe lời đâu”. Nếu không can thiệp, chắc chắn chuyện “dạy dỗ” bằng những cái tát của người mẹ này chưa dừng lại. Nhưng đáng lo nhất là ở giữa chốn đông người mà chuyện bạo hành với con vẫn diễn ra thì ở nhà, những đứa trẻ này sẽ bị đối xử tệ hại tới đâu?

Có một thực tế là ở trường, nếu đứa trẻ bị cô giáo phạt bằng cách đánh vào tay, vào mông... thì cha mẹ sẽ phản ứng gay gắt, thậm chí kiện cô giáo nhưng về nhà thì đánh con không rát tay. Họ luôn thường trực suy nghĩ rằng, một đứa trẻ hư thì phải bị đánh đòn để “rút kinh nghiệm”, để “nên người”... Đó là sự nhầm lẫn tai hại giữa việc dạy trẻ với bạo hành trẻ.

Các nhà nghiên cứu, nhà tâm lý đã chỉ ra rằng, cha mẹ đánh đập con cái sẽ gây ức chế tâm lý, sống khép mình, sợ hãi... nặng hơn thì trở nên lỳ đòn, thậm chí là càng ngày chúng càng bướng bỉnh và ngỗ ngược hơn.  Theo một nghiên cứu của trường Đại học Columbia ở New York đã chỉ ra, trẻ bị đánh lúc 5 tuổi thường trở nên hung hăng với những người xung quanh. Nghiên cứu này khá đúng với hành xử của cậu bé tôi gặp ở trường. Khi thấy chị cho mượn truyện của mình, nó vừa quát vừa đấm thùm thụp vào đầu chị trước mặt mẹ. Đây là “kết quả” của việc bị ảnh hưởng lối hành xử ở nhà, vì bản thân thằng bé cũng bị mẹ đánh đòn thay cho cách được bố mẹ hướng dẫn, chỉ cho nó thấy mình vi phạm điều gì để sửa chữa.

Mẹ tát con bôm bốp giữa sân trường - 1
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ bị cha mẹ đánh sẽ trở nên hung hăng hơn trong cách hành xử (ảnh minh hoạ)

Những tác hại từ việc dùng đòn doi với trẻ đã được nói đến nhiều, nhưng cha mẹ, những người sống với con cái nhiều hơn, có ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng với trẻ thì lại ít biết, ít quan tâm đến hậu quả này. Ở trường, trẻ được học, được dạy tính kỷ luật, dạy theo phương pháp mà các giáo viên được học hành bài bản nhiều năm, nhưng về nhà thì điều này lại hoàn toàn khác. Cách dạy con thiếu phương pháp, áp đặt suy nghĩ của mình lên con cái, khi trẻ không nghe lời thì lấy quyền làm cha mẹ để trừng phạt, đánh đòn trẻ khiến cho những kỷ luật mà trẻ học được ở trường trở nên thiếu tác dụng. Cho nên, việc cha mẹ dùng đòn roi, bạo lực để “dạy trẻ” chứng minh một điều, bản thân họ rất thiếu kiên nhẫn, thiếu kiến thức và khả năng dạy con.

Nhiều cha mẹ cho rằng, không có một quy chuẩn, một phương pháp chuẩn trong việc giáo dục con cái. Mỗi đứa trẻ là một cách khác nhau, cần dựa vào tâm tính của trẻ chứ không thể “soi chiếu” cách dạy đứa trẻ này lên đứa trẻ khác. Điều này đúng nhưng chưa đủ. Dù khác nhau thế nào thì cách dạy dỗ cũng phải dựa trên một nguyên tắc chung là cần lắng nghe chia sẻ của trẻ, không thể lạm dụng quyền làm cha mẹ để trừng phạt trẻ vì không làm đúng theo ý của người lớn chứ chưa hẳn hành vi đó của trẻ đã là sai, hoặc trong suy nghĩ của bản thân trẻ, chúng không nhận thức được rằng mình đang làm sai.

Sự lắng nghe trẻ giãi bày còn có một tác dụng nữa là giúp cha mẹ có thời gian để bình tĩnh lại, không bị cơn “giận quá mất khôn”. Hơn nữa, trước khi phạt trẻ thì cần phải chỉ cho chúng thấy chúng sai ở đâu, cách thức để tránh lặp lại sai lầm thì những hành vi đó mới được khắc phục. Còn nếu chỉ đánh đòn như trường hợp của người mẹ này với con, chắc chắn lần sau cậu bé này sẽ còn tái diễn những hành vi tương tự. Nguy hại hơn, chúng sẽ mang chính hành vi nhận được từ mẹ để đối xử với những người xung quanh, cũng lại không quan tâm đến suy nghĩ của người khác, gặp vấn đề là giải quyết bằng “nắm đấm”. 

T.H
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy con