Không thể về Việt Nam đón Tết nguyên đán, dịp Tết Dương lịch vừa qua chị Nguyên đã chuẩn bị gạo nếp, đậu xanh gói bánh chưng để gia đình vơi đi nỗi nhớ quê nhà.
Với mỗi người con xa quê, bất kể những gì thuộc về quê hương đều khiến ai nấy nhớ nhung, nhất là vào những dịp năm hết Tết đến. Gia đình chị Nguyễn Thị Nguyên, anh Lê Anh Hào (bố mẹ của bé Nhật Linh) cũng vậy. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cả nhà chị chẳng thể về Việt Nam đoàn tụ cùng người thân.
Để các con nhớ về nguồn cội và hương vị quê hương, những ngày đầu năm mới chị Nguyên đã mua gạo nếp, đậu xanh gói bánh chưng, nấu những món truyền thống, người mẹ ấy cũng không quên kể cho các con nghe những câu chuyện về Tết cổ truyền Việt Nam.
Chị Nguyên cùng gia đình đang sống tại tỉnh Chiba của Nhật Bản.
Sau gần 4 năm xảy ra vụ án bé Lê Thị Nhật Linh, 9 tuổi, người Việt bị sát hại, tháng 3 tới đây vụ việc sẽ được đem ra phán quyết tuyên án. Dù hành trình đi tìm công lý cho con gái gặp rất nhiều khó khăn song chị Nguyên cùng chồng vẫn nỗ lực từng ngày bởi: "Dù có mất 5,10 hay 20 năm nữa, nếu còn có thể, bố mẹ cháu vẫn sẽ theo đến cùng", chị Nguyên chia sẻ.
Khi bi kịch xảy đến, là nỗi đau của toàn thể gia đình anh Hào, chị Nguyên. Trong suốt những năm qua mỗi khi nhìn di ảnh Nhật Linh ai cũng đều xót xa, những ngày cận Tết nỗi nhớ thương ấy lại càng dâng trào. "Linh đấy cô ạ!", bà mẹ trẻ lặng khoe lại bức ảnh những cái Tết xưa, khi chị và con gái cùng nhau vui vẻ gói nem ở Nhật Bản để đón Tết cổ truyền Việt.
Chị Nguyên vẫn nhớ và lưu lại những khoảnh khắc của những ngày Tết khi còn Nhật Linh.
Thế nhưng trong cuộc trò chuyện với chúng tôi nhân dịp đầu năm mới 2021, chị Nguyên chia sẻ những câu chuyện về cuộc sống hiện tại của cả nhà tại tỉnh Chiba (Nhật Bản).
Ba em bé Tú, Bình An và Anh Phúc.
Không dám để con tự đi, bố mẹ thay nhau đưa đón đến trường
Chào chị Nguyên, nhiều người biết đến và thường hay gọi chị với cái tên là mẹ của Nhật Linh, không biết chị có chạnh lòng không khi họ vẫn hay nhắc tới tên của cô con gái bé bỏng đã khuất?
Nói không chạnh lòng thì không phải nhưng dù sao mình vẫn thích tên gọi mẹ Nhật Linh bởi nó vừa thân quen lại gần gũi. Hơn nữa mỗi khi được gọi như vậy mình có cảm giác như con đang ở bên cạnh mẹ vậy.
Bốn năm sau ngày bi kịch xảy đến với gia đình, cuộc sống hiện tại ở Nhật của anh chị như thế nào?
Cuộc sống của gia đình mình giờ đây cũng ổn định hơn trước. Dịch bệnh nên cũng ít nhiều bị ảnh hưởng nhưng người dân vẫn sinh hoạt bình thường, họ có ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng cũng không nghiêm ngặt mà chỉ khuyến nghị kêu gọi người dân tự giác phòng chống dịch.
Bản thân mình ngoài việc chăm Bình An và bé Anh Phúc khi có có thời gian rảnh mẹ lại bán hàng online kiếm thêm thu nhập. Còn bố Hào sáng ra có nhiệm vụ đưa Tú đi học, 7 giờ tối sau khi làm xong việc bố sẽ quay lại trường đón con. Những hôm cả hai vợ chồng đều bận không thể đón sớm mình có đăng ký cho Tú học thêm lớp phụ, các cô sẽ dạy các kỹ năng hoặc dạy làm đồ thủ công mĩ nghệ cho các con kiểu vừa học vừa chơi.
Chị cho bé Tú học ở ngôi trường chị gái đã từng theo hay một môi trường giáo dục khác?
Tú vẫn học trường mà Nhật Linh đã từng học, tại đây các thầy cô cũng hay quan tâm và hỏi han Tú rất nhiều. Chỉ khác một điều là bây giờ bố mẹ sẽ trực tiếp đưa đón con đến trường và về nhà chứ không dám để con tự đi giống chị Linh như trước nữa.
Bé Tú mỗi ngày một lớn, con thể hiện sở thích máy tính và từng nói mẹ quay video đăng lên YouTube.
Bé Tú 7 tuổi đòi mẹ quay video để đăng YouTube
Bé Anh Phúc thì còn quá bé nhưng chắc hẳn Tú và Bình An các con đã hình thành tính cách riêng của bản thân?
Về Tú thì con là cậu bé ấm áp và tình cảm, Bình An trộm vía con có vẻ lanh lợi nhất nhà và có phần đanh đá, hay bắt nạt anh Tú. Bình An mới hơn 2 tuổi thôi nhưng trộm vía con nói tiếng Việt rất sõi, con đã biết hát nhiều bài. Các con mỗi ngày một lớn và khá hiểu chuyện, thấy em chơi ở ngoài Tú đã biết quát để em đi vào nhà vì sợ bắt cóc.
Khi ở trường các bé có gặp khó khăn gì trong giao tiếp không?
Là người Việt nhưng lại sinh ra ở Nhật nên các con cũng có đôi chút khó khăn trong việc giao tiếp, học tập cả 2 ngôn ngữ, lúc ở nhà cả gia đình thường giao tiếp bằng tiếng Việt. Tú bây giờ đã biết đọc và viết tiếng Việt nhưng vẫn trong giai đoạn đánh vẫn. Đợt dịch vừa rồi con có về Việt Nam học lớp 1 mấy tháng nhưng có phần chậm hơn các bạn bên Việt Nam. Trở lại Nhật học lớp 1 ở Nhật con đã bắt đầu thích nghi và rất thích tới trường.
Mới đây chị có chia sẻ câu chuyện bé Tú đòi mẹ quay video để đăng YouTube, phải chăng con cũng có đam mê máy móc, công nghệ thông tin như bố?
Tú từ nhỏ đã rất thích máy tính, con rất thích xem các chương trình trên YouTube. Hôm trước cậu còn bàn với mẹ là: “Hay mẹ con mình cũng làm các chương trình, quay các video để đưa lên YouTube đại loại như bà Tân vlog”. Nghe con nói như ông cụ non, hài hước, dí dỏm.
Bé Tú ngày còn nhỏ.
Mẹ Việt mưu sinh xa xứ, Tết đến nhớ quê hương, thương cha mẹ già
Vừa lo kinh phí trang trải cuộc sống sinh hoạt cho gia đình, vừa lo tiền cho mỗi lần ra toà giải quyết kiện tụng việc bé Linh, anh chị có gặp nhiều khó khăn về kinh tế?
Về cuộc sống của gia đình đông con đôi lúc cũng vất vả nhưng bố mẹ cháu vẫn cân bằng được. Nhìn các con khôn lớn từng ngày là có thêm động lực phấn đấu. Về kinh tế thì bố cháu làm về công nghệ thông tin, mẹ cháu buôn bán online, gia đình đã có nhà tại Nhật nên không mất thêm khoản thuê nhà. Tuy có vất vả nhưng cuộc sống cũng gọi là tạm ổn và lo được cho các con chứ cũng không đến mức khó khăn.
Đã bao lâu rồi chị chưa về Việt Nam?
Tháng 4/2020 cả nhà mình về Việt Nam làm giỗ 3 năm cho Nhật Linh, sau đó mình quay trở lại Nhật Bản sinh bé Anh Phúc, từ đó đến giờ bị kẹt COVID-19 với cả con nhỏ nên chưa thể về Việt Nam.
Để nhớ về hương vị quê nhà, chị Nguyên gói bánh chưng, nấu những món thân quen để cả nhà cùng đón Tết.
Những ngày cận Tết, người người xách hành lý về sum vầy bên người thân, ở xứ người chắc chị rất nhớ quê hương?
Năm hết tết đến rồi mình rất nhớ nhà. Vừa rồi dịp Tết dương mẹ cháu cũng gói bánh chưng cho có không khí Tết. Những lúc bận bịu với các con không suy nghĩ nhưng đêm về lại nhớ người thân ở Việt Nam da diết. Vì mưu sinh mà tha hương cầu thực xa xứ, không được ở bên chăm sóc cha mẹ lúc ốm đau, không được thường xuyên quây quần tụ họp mỗi khi gia đình có sự kiện đôi khi hai vợ chồng cũng chạnh lòng, nhưng rồi cũng phải học cách dần thích nghi.
Năm mới chị có mong muốn điều gì cho bản thân và cho gia đình?
Có lẽ điều được mọi người mong mỏi nhất ngay lúc này là hết dịch bệnh để trở lại cuộc sống bình thường. Mình cũng vậy, chẳng ước gì lớn lao, chỉ mong sức khoẻ, bình an cho tất cả.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện, chúc chị và gia đình năm mới bình an!