Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh giai đoạn từ 0 - 6 tháng tuổi sẽ nhiều hơn giai đoạn từ 7 - 12 tháng tuổi. Thời gian ngủ của bé trung bình từ 14 - 16h mỗi ngày và mỗi giấc ngủ kéo dài 2 - 4h.
Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vô cùng quan trọng, đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển thể chất và trí tuệ của trẻ. Trẻ ngủ đủ và ngủ đúng giờ sẽ có mau lớn hơn và phát triển khỏe mạnh hơn. Giấc ngủ REM chiếm đến khoảng một nửa thời gian ngủ của trẻ trong ngày nên mặc dù ngủ tới 16 giờ một ngày nhưng bé chỉ ngủ sâu trong khoảng 8 giờ.
Vai trò của giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh và trẻ em ngủ đủ giấc, đủ thời gian sẽ có tác dụng phát triển trí não, thể chất. Bé lớn lên trong giấc ngủ, phát triển hệ thần kinh trung ương, tăng cường hệ miễn dịch.
Đặc biệt, trẻ ngủ đủ sẽ có tinh thần thoải mái, ít quấy khóc, đau ốm, thích chơi đùa và hiếu động hơn.
Giấc ngủ của trẻ vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của bé (Ảnh minh họa)
Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh từ 0 - 12 tháng tuổi
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh thường ngắn và tổng thời gian ngủ nhiều. Thời gian ngủ của bé sơ sinh sẽ tùy thuộc vào từng giai đoạn. Cụ thể:
- Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh từ 1 - 4 tuần tuổi
Bé cần ngủ từ 15 - 18 tiếng/ ngày. Thời gian ngủ của bé không cố định, bé gần như ngủ cả ngày và chỉ thức dậy vài giờ để ăn. Đồng hồ sinh học của bé 1 tháng tuổi chưa được thiết lập vì vậy bé sẽ không phân biệt được ngày và đêm. Nhiều bé sẽ ngủ ngày và thức đêm. Mẹ cần đánh thức bé 2 - 3 tiếng 1 lần để cho bé bú.
- Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi đến 3 tháng tuổi
Bé cần ngủ trung bình 15,5h - 17h/ ngày. Trong đó ngủ 8,5h vào ban đêm và 6 - 7h vào ban ngày, mỗi giấc ngủ kéo dài 3 - 4 tiếng và mỗi ngày ngủ 3 - 4 giấc.
- Thời gian ngủ của bé từ 3 - 6 tháng tuổi
Giai đoạn từ 3 - 6 tháng tuổi bé cần ngủ 15 -16h/ ngày, thời gian trung bình các giấc ngủ của bé từ 2 - 3 tiếng. Ban đêm ngủ khoảng 9 - 10h và ban ngày ngủ 4 - 5h. Giai đoạn này bé đã bắt đầu phân biệt được ngày và đêm nên mẹ có thể tập thói quen ngủ theo giờ cho bé.
Thời gian ngủ của bé sơ sinh 6 tháng đầu nhiều hơn giai đoạn 6 tháng sau (Ảnh minh họa)
- Thời gian ngủ của bé từ 6 - 9 tháng tuổi
Bé cần ngủ từ 14h - 15h/ ngày. Bé ngủ 2 giấc vào ban ngày thường chia sáng và chiều, khoảng cách giữa các giấc ngủ khoảng 4 tiếng, giấc ngủ ngày của bé không kéo dài quá 2 tiếng và nên kết thúc ngủ ngày vào 4h chiều để không ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm.
- Thời gian ngủ của bé từ 9 - 12 tháng tuổi
Thời gian ngủ cho bé 9 tháng đến 12 tháng còn khoảng 14h/ ngày với 1- 2 giấc. Bé hoàn toàn có thể chơi đùa tỉnh táo trong 5,5 - 6h. Bố mẹ chú ý giấc ngủ chiều của bé nên kết thúc trước 3h chiều để không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ đêm.
Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh từ 0 - 8 tuổi
Bố mẹ có thể tham khảo bảng thời gian ngủ cho trẻ sơ sinh từ 0 - 8 tuổi bao gồm giấc ngủ ngày và đêm như sau:
Tuổi của trẻ | Ban đêm | Ban ngày | Tổng thời gian |
0-4 tháng | 8-12 giờ | 7-9 giờ | 15-21 giờ |
4-12 tháng | 9-10 giờ | 4-5 giờ | 13-15 giờ |
1 tuổi | 11 giờ | 2-3 giờ | 14 giờ |
2 tuổi | 10-12 giờ | 1-3 giờ | 13 giờ |
3 tuổi | 9-12 giờ | 1-3 giờ | 12-13 giờ |
4 tuổi | 9-12 giờ | 0-2,5 giờ | 11-12 giờ |
5 tuổi | 8-11 giờ | 0-2,5 giờ | 10-11 giờ |
6 tuổi | 10-11 giờ | Không cần | 10-11 giờ |
7 tuổi | 10-11 giờ | Không cần | 10-11 giờ |
8 tuổi | 10-11 giờ | Không cần | 10-11 giờ |
Lưu ý: Với những bé có giấc ngủ ban ngày lâu hơn thì thời gian ngủ ban đêm sẽ ít hơn và ngược lại.
Cách tập thói quen ngủ cho trẻ sơ sinh ngủ đúng và đủ giấc
Việc tập cho trẻ sơ sinh ngủ theo giấc, theo cữ, đặc biệt là ngủ đêm và ngày hài hòa là điều cần thiết. Mẹ có thể thực hiện:
- Tìm hiểu những dấu hiệu nhận biết bé mệt, buồn ngủ
Trong 2 tháng đầu bé gần như không thể thức lâu quá 2 tiếng mỗi khi tỉnh giấc, ngược lại nếu bé thức lâu hơn 2 tiếng là bị mệt và khó khăn khi đi vào giấc ngủ. Mẹ nên kiểm tra những dấu hiệu nhận biết bé mệt, buồn ngủ như dụi mắt, bứt tai hoặc tỏ vẻ bứt rứt hơn bình thường. Nếu thấy bé có những dấu hiệu này thì hãy đặt bé nằm xuống hoặc ru cho bé ngủ.
Nhận biết những dấu hiệu trẻ sơ sinh buồn ngủ để cho bé ngủ đủ (Ảnh minh họa)
- Dạy cho bé sự khác biệt giữa ngày và đêm
Trong 2 tuần đầu tiên gần như không thể khắc phục được tình trạng bé ngủ ngày, thức đêm. Từ sau tuần thứ 2 trở đi mẹ mới có thể tập cho bé nhận thức được ngày và đêm.
Vào ban ngày khi bé thức mẹ nên nói chuyện thường xuyên hơn với bé, hát cho bé nghe trong những cữ bú, đảm bảo ánh sáng đủ trong phòng, không cần đưa phòng về trạng thái tĩnh lặng, cứ để tiếng tivi, tiếng người nói nhỏ như bình thường, nếu thấy bé thiu thiu ngủ thì có thể đánh thức bé.
Vào ban đêm thì cần giữ yên tĩnh hoàn toàn, vào cữ bú đêm cũng nên giữ im lặng để bé bú xong và ngủ. Phòng ban đêm cần điều chỉnh ánh sáng tối hơn.
- Dạy trẻ tự ngủ
Trong 6 - 8 tuần đầu mẹ có thể dạy cho bé tự ngủ. Khi bé đã buồn ngủ, đặt bé xuống giường hay nôi (lúc này bé chỉ buồn ngủ chứ chưa ngủ). Có thể hát ru, vỗ nhẹ mông, gãi đầu… để cho bé thư giãn và dần chìm vào giấc ngủ. Mẹ không nên bế bé trên tay đến khi bé ngủ mới đặt xuống và điều đó sẽ tạo thói quen xấu cho trẻ.
Mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon vào ban đêm
Không chỉ ban đêm, bất cứ giấc ngủ nào của bé cũng đều cần ngủ sâu và ngủ ngon. Mẹ hãy chú ý:
- Cho bé ăn no trước khi ngủ: Bé không được ăn no, ăn chưa đủ sẽ thường xuyên ậm ọe, khó ngủ và ngủ không sâu.
- Tạo không khí bình yên cho bé khi ngủ, điều này rất quan trọng để bé nhanh ngủ và ngủ sâu hơn.
- Cho trẻ ngủ tối sớm: 8h tối là khoảng thời gian lý tưởng để mẹ cho bé đi ngủ, thói quen này được hình thành sẽ tốt cho quá trình phát triển của bé mãi về sau này.
- Tránh tạo những kích thích quá mức trước khi cho bé đi ngủ: Khi chuẩn bị cho bé ngủ hãy giảm ánh sáng, đưa không gian về yên tĩnh, loại bỏ những vật xanh đỏ gây chú ý đối với bé.
- Sắp xếp giường ngủ và chăn gối thật êm cho bé, tạo cảm giác an toàn như trong bụng mẹ, đồng thời hãy giữ ấm cho bé, loại bỏ những vật cản có thể tác động đến bé, điều đó sẽ giúp bé ngủ ngon hơn.
Tạo không gian ngủ ấm cúng cho bé cảm nhận được sự an toàn (Ảnh minh họa)
Một số câu hỏi của mẹ về thời gian ngủ của trẻ sơ sinh
- Trẻ sơ sinh ngủ nhiều có sao không?
Tổng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh từ 1 - 6 tháng tuổi sẽ từ 14h - 16h mỗi ngày. Và thời gian thức của trẻ sơ sinh mỗi ngày từ 8 - 10 tiếng. Các bé sơ sinh thường ngủ nhiều hơn thức. Trẻ ngủ nhiều rất tốt cho sức khỏe, trí não và sự tăng trưởng của bé. Vì vậy mẹ không nên lo lắng khi con ngủ nhiều.
- Trẻ sơ sinh ngủ ít có ảnh hưởng gì đến sức khỏe không?
Tổng thời gian ngủ của bé từ 1 - 6 tháng là 14 - 16h (giai đoạn 1 tháng đầu bé ngủ nhiều hơn 16h/ ngày). Nếu bé ngủ ít hơn số thời gian này là bé bị ít ngủ.
Trẻ sơ sinh ngủ ít sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của não bộ, chiều cao của bé. Bé ít ngủ, khó ngủ có thể là biểu hiện của bệnh lý mẹ cần đưa bé đi khám và bổ sung các dưỡng chất cần thiết giúp bé ngủ đủ giấc, ngủ ngon.
- Tại sao giờ ngủ của trẻ sơ sinh không dự đoán được?
Giấc ngủ trẻ sơ sinh thường ngắn hơn người lớn và bé nhanh đói hơn. Bé thức giấc để bú và có thể ngủ lại ngay sau đó vì thế trẻ sơ sinh ngủ giờ nào và giấc ngủ kéo dài bao lâu rất khó dự đoán.
Cùng với lượng sữa cho trẻ sơ sinh thì thời gian ngủ của trẻ sơ sinh vô cùng quan trọng giúp bé phát triển tốt cả về thể chất và trí tuệ. Những bé có giấc ngủ tốt thường nhanh lớn, lên cân, ít quấy khóc hơn những bé ngủ không đủ hoặc không ngon giấc.