Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng ăn ngon không phải ép

Hạ Mây - Ngày 06/04/2018 19:31 PM (GMT+7)

Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng có thể bao gồm rau, trái cây, chất đạm, ngũ cốc và các chế phẩm từ sữa.

Sau giai đoạn tập ăn dặm, bé sẽ chuyển sang bước ăn dặm thực sự khi 7-8 tháng tuổi. Lúc này, mẹ cần thay đổi thực đơn đa dạng, phong phú để kích thích sự thèm ăn của bé.

Bé 7-8 tháng tuổi ăn được gì?

Mỗi em bé có sự phát triển khác nhau, nhưng từ 7-8 tháng tuổi, bé cần ăn 3 tô nhỏ các loại thực phẩm đã được nghiền nhỏ mỗi ngày. Từ tháng thứ 8, mẹ có thể cho bé ăn dặm 2 - 3 bữa/ngày thay vì ăn 1 bữa như trước.

Trong giai đoạn này bé cần ít nhất 95 gram carbohydrate; 30 gam chất béo, bao gồm 500 mg axit béo omega-3 và 11 gram protein trong chế độ ăn uống mỗi ngày. Đặc biệt, mẹ nên bắt đầu cho bé ăn thêm bột mặn để tăng cường thêm chất dinh dưỡng.

Từ tháng thứ 8 bé bắt đầu ăn được các loại thịt

Từ tháng thứ 8 bé bắt đầu ăn được các loại thịt

Trong giai đoạn này sữa mẹ vẫn chiếm một vai trò quan trọng trong chế độ ăn uống của bé. Mẹ cần cho bé uống khoảng 560 - 600ml/ ngày.

Sau đây là một số loại thực phẩm mà bé 7-8 tháng tuổi có thể ăn được:

- Ngũ cốc: Mẹ có thể nấu cháo lúa mì, lúa mạch kết hợp với chuối, táo, dâu tây cho bé ăn. Đây là một nguồn cung cấp chất sắt tốt cho bé.

- Rau, trái cây: Các loại rau, trái cây giúp cung cấp vitamin và chất xơ cho bé.

- Chất đạm: Khi bé được 8 tháng tuổi, mẹ có thể giới thiệu cho bé các loại thịt, cá khác nhau để bổ sung chất đạm cho bé.

- Sữa và các loại thực phẩm từ sữa: Bắt đầu từ 6 tháng bé đã có thể ăn sữa chua. Khi được 8 tháng mẹ có thể giới thiệu cho bé sữa chua nguyên chất và pho mát.

- Dầu ăn: Mẹ có thể cho bé ăn 2-2,5g dầu ăn mỗi ngày.

Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng tuổi theo Viện Dinh Dưỡng

Sau đây là một số món ăn dành cho bé 7-8 tháng tuổi ăn dặm dựa theo hướng dẫn của Viện Dinh Dưỡng để các mẹ có thể tham khảo:

1. Cháo thịt gà bí đỏ

Nguyên liệu:

- Gạo tẻ, thịt gà cắt miếng nhỏ, bí đỏ cắt miếng, phô mai.

Cách làm:

- Cho gạo tẻ và nước vào nồi nấu nhừ thành cháo.

- Thịt gà luộc, hay hấp chín mềm. Sau đó xắt nhỏ thành miếng vừa ăn rồi dùng chày nghiền nhuyễn.

- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, cắt miếng, luộc chín rồi nghiền nhuyễn.

- Cho thịt gà, bí đỏ, 1 viên phô mai vào nồi cháo đun cho nóng.

Cháo thịt gà bí đỏ cung cấp chất đạm cho sự phát triển của bé

Cháo thịt gà bí đỏ cung cấp chất đạm cho sự phát triển của bé

2. Cháo yến mạch rau củ

Nguyên liệu:

- 200ml nước lọc, 20 gr cà rốt luộc chín mềm, xắt hạt lựu, 20gr khoai lang luộc chín cắt nhỏ, 30g yến mạch.

Cách làm:

- Ngâm hạt yến mạch với nước từ 15-20 phút rồi hòa với 200ml nước.

- Cho hỗn hợp yến mạch và nước lên bếp đun khoảng 10 phút để cháo chín. Sau đó mẹ cho thêm cà rốt, khoai lang đã nghiền nhuyễn vào nồi cháo. Đun nhỏ lửa vài phút rồi tắt bếp.

Yến mạch giàu chất sắt giúp bé phát triển khỏe mạnh

Yến mạch giàu chất sắt giúp bé phát triển khỏe mạnh

3. Chuối trộn bắp cải

Nguyên liệu:

- 15gr chuối, 10gr bắp cải.

Cách làm:

- Mẹ luộc chín bắp cải và nghiền nhuyễn bằng máy xay.

- Nghiền nhỏ chuối.

- Trộn chung bắp cải và chuối rồi cho bé ăn.

Chuối trộn bắp cải giàu kali cho bé yêu cao lớn

Chuối trộn bắp cải giàu kali cho bé yêu cao lớn

4. Súp khoai tây, cà rốt và táo

Nguyên liệu:

- 1/2 chén táo (xắt nhỏ), 2 muỗng canh cà rốt (gọt vỏ, thái hạt lựu), 1/4 chén khoai tây (xắt nhỏ), 1 thìa dầu ăn, 1 muỗng canh hành (thái nhỏ), 1 ly nước.

Cách làm:

- Cho dầu vào nồi, thêm hào vào xào nửa phút.

- Thêm táo, cà rốt, khoai vào đảo sơ qua. Sau đó thêm nước vào nấu cho chín mềm.

- Sau đó nghiền nhuyễn hỗn hợp và cho bé ăn.

Súp khoai tây, cà rốt và táo cung cấp đầy đủ vitamin cho bé

Súp khoai tây, cà rốt và táo cung cấp đầy đủ vitamin cho bé

5. Súp miso khoai tây

Nguyên liệu:

- 30 gr khoai tây, 1 thìa cà phê tương miso, 60ml nước.

Cách làm:

- Cho khoai tây và nước vào nồi đun chín nhừ.

- Thêm tương miso vào nồi đun trong vòng 2 phút.

- Đem súp đi nghiền nhuyễn và cho bé ăn.

Súp miso bổ dưỡng cho bé yêu

Súp miso bổ dưỡng cho bé yêu

6. Bột đậu xanh bí đỏ

Nguyên liệu:

- Bột gạo tẻ 15g; bột đậu xanh 10g; bí đỏ 4 miếng nhỏ; 1 thìa cà phê dầu ăn; 1 bát con nước lọc.

Cách làm:

- Bí đỏ đem hấp chín, sau đó nghiền nhỏ thật mịn.

- Hòa bột gạo với bát con nước, sau đó đổ vào trong nồi, đun với lửa nhỏ khoảng 5-7 phút. Vừa đun vừa khuấy đều tay.

- Cho bột đậu xanh và bí đỏ vào nấu cùng, tiếp tục đun và khuấy đều tay cho đến khi cạn nước, bột chín và sánh mịn lại là được.

- Cho 1 thìa cà phê dầu ăn vào bột rồi trộn đều lên để giúp bé dễ ăn hơn.

Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng ăn ngon không phải ép - 7

7. Bột tôm

Nguyên liệu:

- Bột gạo tẻ 20g; tôm tươi 15g; rau xanh giã nhỏ; 1 thìa cà phê dầu ăn; 1 bát con nước.

Cách làm:

- Rau xanh rửa sạch rồi đem đi giã nhỏ hoặc xay nhuyễn.

- Tôm tươi rửa sạch, lọc bỏ chỉ đen và vỏ rồi đem đi băm nhuyễn

- Hòa bột gạo với bát con nước, sau đó đổ vào trong nồi, đun với lửa nhỏ khoảng 5 phút. Vừa đun vừa khuấy đều tay.

- Cho rau xanh đã xay nhuyễn và thịt tôm băm nhỏ vào để nấu cùng. Tiếp tục đảo đều cho đến khi hỗn hợp bột cạn nước và sánh mịn lại là được.

Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng ăn ngon không phải ép - 8

8. Bột trứng

Nguyên liệu:

- Bột gạo tẻ 20g; 1 lòng đỏ trứng gà; rau xanh giã nhỏ; 1 bát con nước.

Cách làm:

- Hòa bột gạo với bát con nước, sau đó đổ vào trong nồi, đun với lửa nhỏ khoảng 5 phút. Vừa đun vừa khuấy đều tay.

- Lòng đỏ trứng đánh thật tan ra bát, sau đó đổ từ từ vào trong hỗn hợp bột đang nấu.

- Thêm rau xanh giã nhỏ vào để nấu cùng, đảo đều tay đến khi hỗn hợp bột cạn nước và trở nên sánh mịn.

- Tắt bếp, múc ra cho bé thưởng thức.

Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng ăn ngon không phải ép - 9

9. Bột thịt

Nguyên liệu:

- Bột gạo tẻ 20g; thịt nạc 10g; dầu ăn; một bát con nước.

Cách làm:

- Thịt nạc rửa sạch rồi băm nhỏ, sau đó mang đi xào qua trên chảo với một chút dầu ăn và hành tím phi thơm.

- Hòa bột gạo với bát con nước, sau đó đổ vào trong nồi, đun với lửa nhỏ khoảng 5 phút. Vừa đun vừa khuấy đều tay.

- Cho thịt vào hỗn hợp bột và tiếp tục đảo đều tay cho đến khi cạn nước, hỗn hợp bột trở nên sánh mịn là có thể tắt bếp được rồi.

- Nêm thêm gia vị cho phù hợp khẩu vị của bé.

Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng ăn ngon không phải ép - 10

10. Bột cá

Nguyên liệu:

- Bột gạo tẻ 20g; cá quả gỡ sạch xương 10g; rau xanh giã nhỏ; dầu ăn; bát con nước.

Cách làm:

- Cá sau khi gỡ sạch xương đem đi băm nhỏ hoặc xay nhuyễn.

- Hòa bột gạo với bát con nước, sau đó đổ vào trong nồi, đun với lửa nhỏ khoảng 5 phút. Vừa đun vừa khuấy đều tay.

- Cho thịt cá quả băm nhuyễn và rau xanh giã nhỏ vào nấu cùng. Thêm gia vị cho phù hợp, đảo đều tay cho đến khi hỗn hợp bột chín hoàn toàn và sánh mịn là được.

- Cho bé thưởng thức khi hỗn hợp còn nóng ấm.

Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng ăn ngon không phải ép - 11

Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng kiểu Nhật giúp tăng cân đều đặn

Sau đây là thực đơn ăn dặm chi tiết theo từng ngày dành cho bé 7-8 tháng tuổi theo kiểu Nhật mà các mẹ có thể tham khảo nếu như không muốn dùng thực đơn do Viện Dinh Dưỡng gợi ý.

1. Thứ 2 và thứ 4

- 6 giờ: Cho bé bú từ 150-200ml sữa mẹ hoặc ăn sữa công thức.

- 9 giờ: Cho bé ăn bột thịt lợn (bao gồm 10g thịt thăn, 20g bột gạo, 5g dầu ăn, 2 thìa cà phê rau xanh).

- 10 giờ: Cho bé ăn 1/2 quả chuối chín.

- 11 giờ: Cho bé bú mẹ theo nhu cầu của bé.

- 14 giờ: Cho bé ăn bột trứng (bao gồm: 1 lòng đỏ trứng gà, 20g bột gạo, 5g dầu ăn hoặc mỡ, 2 thìa cà phê rau củ).

- 16 giờ: Cho bé uống tiếp từ 100- 150ml nước cam.

- 18 giờ: Cho bé ăn bột cua (bao gồm: 1 bát con nước lọc cua trong 50g cua, 20g bột gạo, 5g dầu ăn, 2 thìa cà phê rau củ).

2. Thứ 3 và thứ 5

- 6 giờ: Cho bé bú 150-200ml sữa mẹ hoặc ăn sữa công thức.

- 9 giờ: Cho bé ăn bột thịt bò (bao gồm 10g thịt bò, 20g bột gạo, 5g dầu ăn, 2 thìa cà phê rau xanh).

- 10 giờ: Cho bé ăn tiếp 50g đu đủ chín.

- 11 giờ: Cho bé bú mẹ theo nhu cầu.

- 14 giờ: Cho bé ăn bột cua (bao gồm: 1 bát con nước lọc cua trong 50g cua, 20g bột gạo, 5g dầu ăn, 2 thìa cà phê rau xanh).

- 16 giờ: Cho bé uống từ 100- 150ml nước cam.

- 18 giờ: Cho bé ăn bột đậu xanh bí đỏ (bao gồm: 10g bột đậu xanh, 20g bột gạo, 5g dầu ăn, 2 thìa cà phê rau xanh).

3. Thứ 6 và Chủ nhật

- 6 giờ: Cho bé bú 150-200ml sữa mẹ hoặc ăn sữa công thức.

- 9 giờ: Cho bé ăn bột thịt bò (bao gồm 10g thịt bò, 20g bột gạo, 5g dầu ăn, 2 thìa cà phê rau xanh).

- 10 giờ: Cho bé ăn nhẹ 1/2 quả hồng xiêm chín.

- 11 giờ: Cho bé bú mẹ theo nhu cầu.

- 14 giờ: Cho bé ăn bột tôm (bao gồm: 10g thịt tôm, 20g bột gạo, 5g dầu ăn, 2 thìa cà phê rau xanh).

- 16 giờ: Cho bé uống từ 100- 150ml nước cam.

- 18 giờ: Cho bé ăn bột thịt gà (bao gồm 10g thịt gà, 20g bột gạo, 5g dầu ăn, 2 thìa cà phê rau xanh).

Gợi ý thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng khác

Sau đây là một gợi ý khác về thực đơn ăn dặm dành cho bé 7-8 tháng tuổi giúp tăng cân và khỏe mạnh mà vẫn đảm bảo dưỡng chất cần thiết cho con:

- Bữa ăn sáng: Cho bé bú mẹ hoặc uống sữa bột, sau khoảng 1 giờ sẽ cho bé uống thêm một chút nước hoa quả. Tiếp đến khoảng 10h sẽ cho bé ăn rau củ nghiền hoặc ăn cháo pha sữa.

- Bữa ăn trưa: Cho bé ăn bột được chế biến bằng các thành phần như bột gạo, nước, thịt lợn băm, rau xanh và dầu ăn. Bữa ăn xế chiều của bé có thể thêm vào một hộp sữa chua hoặc cho bé ăn một chiếc bánh quy bơ, sau đó uống sữa tiếp.

- Bữa ăn tối: Nếu bé đã bú sữa mẹ từ bữa xế chiều thì các mẹ có thể cho bé ăn thêm bữa ăn dặm nhẹ, không muộn quá. Đồng thời lựa chọn thực đơn dễ tiêu hóa cho bé, không gây đầy bụng, khó tiêu.

Thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng ăn ngon không phải ép - 12

Cách chế biến thực phẩm trong thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng tuổi

Tùy thuộc vào từng loại thực phẩm mà các mẹ cần có sự chế biến hợp lý khi định làm các món ăn dặm cho bé yêu trong độ tuổi 7-8 tháng.

1. Với các loại rau củ

- Với các loại rau củ, cần được gọt sạch vỏ, lấy lá xanh, hấp chín rồi nghiền hoặc xay nhuyễn trước khi chế biến món ăn dặm cho bé.

2. Với các loại thịt

- Thịt lợn hay thịt bò cần chọn phần thịt nạc, mềm và dễ ăn cho bé.

- Thịt gà nên bỏ da, chọn phần thịt ức là tốt nhất.

- Thịt cá nên được lọc sạch xương, tránh khiến cho bé bị hóc trong khi ăn.

- Nếu chưa sử dụng ngay, hãy bảo quản thịt trong ngăn đá để tránh thịt bị hỏng và biến chất.

3. Với các loại ngũ cốc, tinh bột

- Đối với gạo cần vo sạch và ngâm trước khi nấu cháo hoặc làm bột cho trẻ.

- Đối với các loại khoai, gọt vỏ rồi rửa sạch, sau đó hấp chín rồi mới nghiền nhỏ cho trẻ ăn.

- Một số ngũ cốc như yến mạch thì nên để nguyên cám khi chế biến cho trẻ ăn dặm nhằm đảm bảo dưỡng chất.

Lưu ý khi cho bé 7-8 tuổi ăn dặm

Sự phát triển của từng đứa trẻ là khác nhau, tùy thuộc vào sức khỏe cũng như thể trạng của bé mà các mẹ cần chuẩn bị một thực đơn ăn dặm cho bé 7-8 tháng sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, các mẹ cũng cần phải lưu ý:

- Cho trẻ ăn tùy theo nhu cầu của trẻ. Tuyệt đối không ép trẻ ăn quá nhiều hoặc ăn theo bất kỳ khung giờ nào mà trẻ chưa muốn.

- Các món ăn dặm cần được chế biến kỹ, đảm bảo chín và không bị sống.

- Thay đổi các món ăn thường xuyên theo tuần nhằm tránh sự nhàm chán của trẻ khi ăn dặm.

- Vẫn duy trì trẻ bú mẹ đều đặn ít nhất 12 tháng tuổi trở lên. Bởi sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất trong giai đoạn đầu đời của các bé.

- Bổ sung thêm các vi chất dinh dưỡng từ bên ngoài như các sản phẩm men vi sinh, cốm dinh dưỡng,... giúp kích thích tiêu hóa cho trẻ.

Kho thực đơn ăn dặm giàu dinh dưỡng cho con 8 tháng của mẹ Sài Gòn, chỉ nhìn đã mê
Chị Quế Anh luôn chuẩn bị sẵn những thực đơn ăn dặm giàu dinh dưỡng trước mỗi tháng tuổi của con để quá trình ăn dặm diễn ra suôn sẻ.

Hạ Mây
Nguồn: Khám phá

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Ăn dặm