Trẻ 3 tháng tuổi sẽ cười nhiều hơn và có thể bắt chước những gì bé nghe hoặc nhìn thấy.
1. Sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi
Theo số liệu của tổ chức WHO thì thông thường trẻ 3 tháng tuổi có chiều cao (chiều dài) và cân nặng đạt được ở mức như sau:
- Cân nặng: Bé trai từ 5,8 - 6,8 kg, bé gái khoảng 5,3 - 6,3 kg.
- Chiều cao: Bé trai 60 - 63 cm, bé gái: 58 - 61 cm.
2. Chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi sao cho phù hợp?
Thời gian ăn và ngủ
Khi được 3 tháng bé sẽ ăn nhiều hơn và biết cách ra hiệu với mẹ khi đói bằng cách khóc. Trung bình con nên được cho ăn khoảng 7 lần mỗi ngày và mỗi lần ăn cách nhau từ 3 - 4 giờ. Tuy nhiên mỗi trẻ sẽ có một chút khác biệt.
Dấu hiệu để biết con được ăn đủ là tăng cân đều. Bên cạnh đó, các mẹ cũng nên kiểm tra tã của bé để biết có ăn đủ không. Mỗi ngày trẻ "làm ướt" khoảng 4 hay 5 tã chứng tỏ bé được ăn đủ sữa.
Trẻ 3 tháng tuổi ngủ khoảng 15 giờ mỗi ngày trong đó có khoảng 10 giờ bé ngủ vào ban đêm. Trong gian đoạn này bé có thể ngủ liền mạch 5 - 6 giờ.
Thời gian lý tưởng cho con ngủ vào ban đêm trong khoảng 19h đến 21h.
Quần áo dành cho bé
Trẻ 3 tháng tuổi có da rất nhạy cảm nên các bậc cha mẹ nên chọn cho con những bộ đồ mềm mại, nhẹ nhàng và chất liệu hữu cơ sẽ tốt nhất. Các mẹ cũng nên chú ý đến mác quần áo có thể làm bé khó chịu. Khi thấy da bị đỏ, ngứa hay bé cảm thấy không thoải mái thì các mẹ nên chọn mua bộ đồ khác.
Trẻ 3 tháng tuổi cười nhiều hơn và thích "giao lưu" với thế giới xung quanh. (Ảnh minh họa)
Cách giao tiếp với trẻ
Lúc này bé phát triển rất nhiều về thị giác, bắt đầu nhận biết được các màu sắc khác nhau và nhìn theo chuyển động của đồ vật. Bên cạnh đó cũng biết giao tiếp với mẹ bằng mắt và có khả năng nhận ra gương mặt của người mẹ.
Hãy chơi cùng con nhiều hơn, cho bé nhìn thấy những đồ vật có màu sắc tươi sáng. Mẹ có thể lựa chọn những đồ chơi nhỏ, nhẹ và màu sắc rực rỡ để bé nắm lấy.
Các mẹ nên đọc, kể truyện cho bé nghe nhiều hơn. Điều này không chỉ giúp gắn kết tình cảm mẹ con mà còn khiến bé nhận biết được âm thanh, ngôn ngữ tốt hơn.
3. Trẻ 3 tháng tuổi có thể ăn gì?
Giai đoạn bé vẫn chỉ có thể ăn sữa mẹ hoặc sữa bột công thức vì lúc này hệ tiêu hóa con non nớt, chưa hoàn chỉnh nên việc ăn thực phẩm khác ngoài sữa là không được. Bé vẫn sẽ nhận đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết để phát triển qua sữa mẹ và sữa công thức nên mẹ có thể yên tâm.
4. Những việc trẻ 3 tháng tuổi có thể làm
- Bé có thể bắt chước một số âm thanh, cử động và biểu cảm đơn giản. Bé bắt đầu "nói chuyện" nhiều hơn.
- Trẻ 3 tháng có thể lẫy vì xương cổ, lưng và tay của cứng cáp hơn.
- Bé có thể mở và nắm tay
- Khi được giữ đứng thẳng, con có thể sẽ rất thích thú và dẫm nhẹ chân xuống sàn nhà hoặc đùi của mẹ.
- Trẻ có thể với những đồ vật được để trước mặt hoặc cầm và lắc một số loại đồ chơi nhỏ, mềm.
- Khả năng nhận thức của bé cũng tương đối phát triển, có thể nhận ra gương mặt, giọng nói của mẹ mình.
Khi được 3 tháng tuổi, các bé bắt đầu lẫy và hiếu động hơn trước. (Ảnh minh họa)
5. Đồ chơi giúp trẻ 3 tháng tuổi phát triển nhanh hơn
Trong giai đoạn này, những đồ chơi giúp kích thích thính giác, thị giác phát triển là phù hợp nhất. Mẹ có thể lựa chọn những món đồ nhiều màu sắc và phát ra tiếng động như lục lạc, kèn... để tạo tiếng động làm bé chú ý. Bên cạnh đó mẹ có thể chọn những con vật bông nhỏ, dây lụa với màu sắc tươi sáng di chuyển nó trước mặt bé.
Một điều các mẹ cần đặc biệt chú ý là về chất liệu đồ chơi cho trẻ 3 tháng tuổi nên là những vật liệu lành tính, gần gũi với tự nhiên như gỗ để tránh bé bị dị ứng.
6. Một vài kiến thức khác về trẻ 3 tháng tuổi
Lúc này con thích lẫy vì việc này giúp bé được giãn cơ lưng, cổ và chân tay. Các mẹ hãy tranh thủ thời gian để "mát-xa" nhẹ chân tay để giúp bé thư giãn và cơ khỏe mạnh hơn.
Chú ý đến các dấu diệu của việc bé sẵn sàng cho việc ăn dặm vì một số trẻ bắt đầu ăn dặm sớm hơn, khoảng 4 tháng tuổi.
Sự phát triển của mỗi trẻ khác nhau nên các mẹ đừng quá vội vàng hoặc lo lắng nếu con của bạn muộn hơn một chút nhé. Tuy nhiên nếu các dấu hiệu hành vi, nhận thức của trẻ 3 tháng tuổi đến lâu hơn dự tính quá nhiều thì bạn nên đưa bé đến bác sĩ nhi để kiểm tra.
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia. |