Bệnh tay chân miệng ở trẻ có thể được gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau nên có những biểu hiện khác nhau.
Sốt là một trong những dấu hiệu thường thấy ở bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên cũng có nhiều trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt. Mẹ hãy cùng tìm hiểu nguyên do, dấu hiệu và cách điều trị trong trường hợp này.
1. Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm gây ra bởi các loại virus khác nhau. Thông thường virus gây bệnh chủ yếu là virus coxsackievirus A16 với biến chứng ít và nhanh khỏi. Tuy nhiên, mẹ cũng không nên chủ quan vì nếu bé mắc chân tay miệng do nhiễm nhóm virus Enterovirus, bao gồm vi rút enterovirus 71 (EV71) thì bệnh sẽ có nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong.
Tay chân miệng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi. (Ảnh minh họa)
Bệnh phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi vì hệ thống miễn dịch của các bé còn non yếu. Tuy nhiên, trẻ lớn hơn cũng có thể bị mắc tay chân miệng.
Bệnh thường diễn ra vào thời kì mùa xuân, hè và thu.
2. Dấu hiệu trẻ bị chân tay miệng
Bệnh tay chân miệng thường bắt đầu với dấu hiệu sốt, biếng ăn, đau họng và mệt mỏi. Cụ thể, các triệu chứng bé mắc bệnh chân tay miệng thường bao gồm:
- Sốt
- Giảm cảm giác thèm ăn
- Viêm họng
- Mệt mỏi
- Miệng xuất hiện các vết loét có hình đốm đỏ
- Phát ban trên lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc đầu gối, khủy tay, mông và vùng sinh dục.
Nhũng triệu chứng này có thể xuất hiện trong các giai đoạn khác nhau của bệnh, không nhất thiết phải xuất hiện cùng một lúc. Ngoài ra một số bé có thể không có dấu hiệu gì cả, nhưng vẫn có thể lây bệnh sang cho người khác.
3. Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt vì sao?
Khi mắc bệnh tay chân miệng bé có thể có các biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào loại virus. Với tay chân miệng thể tối cấp thì các dấu hiệu xuất hiện rõ ràng và nhanh chóng. Các biến chứng nặng như suy hô hấp, tuần hoàn, hôn mê có tỉ lệ xuất hiện cao.
Nếu bé chỉ mắc tay chân miệng thể không điển hình thì các dấu hiệu có thể không rõ ràng như không sốt, không phát ban, chỉ có các vết loét miệng hoặc chỉ có các triệu chứng về thần kinh, hô hấp tim mạch mà không có loét miệng hoặc phát ban.
Trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt là bình thường.(Ảnh minh họa)
Nhiều cha mẹ có thể nhầm lẫn các triệu chứng bệnh tay chân miệng với viêm họng hoặc nhiệt miệng. Vì vậy không cần đợi bé sốt mà mẹ cần kiểm tra xem miệng, lòng bàn chân, lòng bàn tay, đầu gối, mông bé xem có vết loét, phát ban không ngay khi bé quấy khóc, đau miệng và bỏ ăn.
Như vậy, trẻ bị tay chân miệng nhưng không sốt là chuyện bình thường, cha mẹ cần quan sát con thật kĩ qua các dấu hiệu khác được kể ở trên.
4. Biện pháp điều trị chân tay miệng
Khi bé bị tay, chân miệng nên cách ly bé ở nhà để điều trị cho đến khi khỏi hoàn toàn. Bên cạnh việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ mẹ có thể làm các điều sau để giúp bé nhanh hồi phục.
- Cho bé uống nhiều chất lỏng để tránh mất nước.
- Đồ ăn cho bé ăn cần mềm như sữa chua, súp, khoai tây nghiền để tránh đau miệng. Không cho bé ăn đồ cay nóng, có nhiều axit.
- Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm rửa hàng ngày, rửa sạch tay, súc miệng bằng nước muối ấm thường xuyên.
- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để bé có thể ăn nhiều hơn. Đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng để giúp tăng cường sức đề kháng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thục Anh cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương có đưa ra hướng dẫn xử trí bệnh TCM từ năm 2011 như sau: - Nếu trẻ mới có các dấu hiệu như sốt hoặc bệnh sử có sốt, ban sẩn mụn nước ở tay chân, có thể loét miệng hoặc không. Đây là giai đoạn không có biến chứng có thể điều trị tại nhà các triệu chứng này: dùng paracetamol hạ sốt giảm đau. Uống bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol. Dùng dung dịch sát khuẩn da như xanhmethylen, milian... và niêm mạc như zytee, kamistad... cho các vết loét. Và cha mẹ cần nhận biết các dấu hiệu nguy cơ như sốt cao, li bì, nôn... để đưa trẻ đến cơ sở y tế. Theo dõi các dấu hiệu lâm sàng chưa có nguy cơ từ 1 - 2 ngày hoặc tới 1 tuần lúc đó bé sẽ hồi phục. - Nếu trẻ có các dấu hiệu nặng lên cần đưa trẻ tới viện ngay. Lưu ý: Bệnh TCM là bệnh nhiễm khuẩn do virut đường ruột, nên kháng sinh thông thường không có tác dụng. Các bà mẹ thấy con bị bệnh TCM là dùng ngay kháng sinh mà không biết rằng bệnh TCM do virut nên việc dùng kháng sinh không những không có tác dụng gì đối với bệnh mà chỉ gây hại sức khỏe, làm bệnh nặng lên và tạo nên tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng rất khó khăn cho việc điều trị bệnh nói chung và bệnh TCM nói riêng. |