Trẻ bị tiêu chảy nên cho ăn ít hơn bình thường nhưng chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày với các món giàu dinh dưỡng.
Tiêu chảy là gì?
Tiêu chảy là tình trạng trẻ đi ngoài phân lỏng hoặc nước nhiều hơn 3 lần một ngày và nó thường xảy ra ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến khoảng 2 tuổi.
Đối với một số trẻ, tiêu chảy thường xảy ra đột ngột và kéo dài trong khoảng vài ngày (dưới 7 ngày). Tuy nhiên có nhiều trường hợp, thời gian có thể lên tới 2 tuần hoặc hơn, làm cho bé bị mất nước, muối và chất dinh dưỡng khiến cơ thể yếu ớt, mệt mỏi.
Các mẹ phải nhanh chóng thay đổi chế độ ăn cho con của mình nếu trẻ bị tiêu chảy vì thức ăn, chế độ ăn, dinh dưỡng đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp tình trạng này chấm dứt hoặc sẽ hết trong trường hợp bé bị tiêu chảy mãn tính.
Tiêu chảy làm trẻ yếu ớt, mệt mỏi vì mất nước và nhiều chất dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Chế độ ăn cho trẻ bị tiêu chảy
Trong nhiều trường hợp trẻ vẫn có thể duy trì việc ăn uống như bình thường nếu tình trạng nhẹ, không quá gây khó chịu. Nhưng đối với tất cả các bé không may bị tiêu chảy, các mẹ nên làm những điều sau cho "bé yêu" của mình:
- Cho bé ăn ít hơn và chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa chính như bình thường
- Bổ sung thức ăn mặn như súp gà, bò... vì bé bị mất muối khá nhiều trong khi bị tiêu chảy.
Bên cạnh đó một số loại thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy là: trứng, gạo (bột gạo), bánh mì trắng, khoai tây, thịt gà nạc, thịt lợn nạc, dầu ăn tự nhiên (dầu hướng dương, ô liu), cà rốt, hồng xiêm, chuối...
Nếu trẻ vẫn còn bú mẹ thì bạn vẫn tiếp tục cho bé bú bình thường, chia thành nhiều lần trong ngày. Ngoài ra, các mẹ cũng nên bổ sung những thực phẩm giàu chất như trứng, thịt gà... giúp trẻ tăng cường sức khỏe, hệ miễn dịch và bù đắp lượng dinh dưỡng bị mất đi.
Thức ăn cần nấu chín kỹ, mềm và loãng hơn bình thường. Không chỉ vậy, bạn cần đặc biệt lưu ý khâu chuẩn bị thực phẩm phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và cho trẻ ăn ngay sau khi nấu để tránh vi khuẩn xâm nhập, giảm nguy cơ bội nhiễm. Hạn chế cho trẻ ăn những thức ăn được nấu sẵn mua ở ngoài trong giai đoạn này.
Cho trẻ ăn thêm những loại hoa quả tươi như chuối, cam, xoài, đu đủ... để tăng lượng kali. Những bé khoảng 2 tuổi có thể được "ăn nhẹ" bằng một số loại bánh quy, bánh ngọt ít đường. Tuy nhiên, các mẹ đừng "chiều chuộng" trẻ bằng những loại đồ uống đóng hộp, có gas vì chúng có thể làm tăng tiêu chảy đấy.
Thực phẩm quá nhiều sơ và ít chất dinh dưỡng cần tránh như bông cải, ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, bánh mì đen...), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ..) vì khó tiêu hóa.
Thức ăn được nấu kỹ, mềm giúp trẻ tiêu hóa và hấp thụ chất nhanh nhất. (Ảnh minh họa)
Nước uống bổ sung
Việc bổ sung nước là điều rất quan trọng trong quá trình điều trị tiêu chảy. Các mẹ nên cho con uống nhiều nước hơn bình thường và có thể sử dụng nước đun sôi để nguội, một số loại nước bổ sung muối (có thể hỏi tư vấn của bác sĩ) hoặc các dung dịch được nấu từ gạo với nhiều chất dinh dưỡng.
Số lượng dung dịch bổ dung tùy theo độ tuổi, cân nặng của mỗi bé mà có sự khác biệt. Các mẹ nên đi hỏi bác sĩ để biết được chính xác con mình cần bổ sung bao nhiêu thì đủ.
Một số dung dịch chế từ thực phẩm mẹ có thể tự làm tại nhà cho bé như:
- Nước cháo muối: Cho một nắm gạo, một nhúm muối và 6 bát nhỏ nước sạch vào nồi, nấu từ từ đến khi gạo nhừ thì lọc lấy nước cho trẻ uống dần.
- Nước gạo rang muối: Rang vàng khoảng 50 gram gạo và nấu tới khi nhừ cùng 6 bát nước nhỏ. Cuối cùng cho thêm một chút muối và lọc lấy nước rồi cho trẻ uống dần.
- Nước chuối, nước hồng xiêm: Dùng năm quả chuối hoặc hồng xiêm xay nhuyễn cùng 1 lit nước và một chút muối ăn rồi cho trẻ uống dần.
Trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, các mẹ nên khuyến khích con của mình ăn càng nhiều càng tốt nhé. Sau khi tình trạng này kết thúc, bạn nên cho trẻ ăn thêm một bữa mỗi ngày trong khoảng 2 tuần để giúp bé phục hồi nhanh và tránh bị suy dinh dưỡng.