Theo TS, Bác sĩ Phan Bích Nga (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), trẻ 16 tháng tuổi mà chưa đi được là cần đi khám ngay.
Một độc giả lo lắng: "Con trai em hiện nay được 16 tháng tuổi. Cân nặng gần 11 kg còn chiều cao được hơn 82cm. Bé biết lật người qua một bên khi được 3 tháng 27 ngày tuổi và biết bò lúc 7,5 tháng. So với một vài đứa trẻ cùng trang lứa, em thấy, con trai em biết lật và bò khá sớm. Nhưng không hiểu sao đến tận bây giờ bé vẫn chưa biết đi?
Các món cháo của bé, em có nêm nếm đầy đủ dầu ăn và mắm muối (loại chuyên dùng cho bé ăn dặm) nhưng rất rất ít và nhạt. Bởi thế, mẹ chồng em trách vì nuôi khoa học quá nên con mới chậm biết đi. Bà 'lý sự' rằng, nêm mắm muối vào đồ ăn quá nhạt thì sẽ yếu xương, ảnh hưởng đến sự phát triển vận động của bé".
Trao đổi với chúng tôi, TS, Bác sĩ Phan Bích Nga (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), với trẻ 16 tháng tuổi có cân nặng hơn 10,2kg, chiều dài 80,2cm, như vậy là phát triển nhân trắc tốt đạt trung bình chuẩn. Tuy nhiên, trẻ 16 tháng tuổi bình thường đã phải đi được tương đối thành thạo. Trong trường hợp này, phụ huynh nên đưa con đi khám, vì trẻ có dấu hiệu bất thường trong vận động. Nguyên nhân của sự bất thường này có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do còi xương.
“Nguyên nhân còi xương thường do trẻ thiếu vitamin D chứ không liên quan gì đến viêc ăn nhạt. Tất nhiên, việc ăn mặn quá cũng không tốt cho sức khỏe vì thành phần chính của muối là natri, khi ăn mặn làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, dẫn đến tăng huyết áp và nguy cơ bệnh lý về tim mạch. Đồng thời ăn mặn cũng gây tăng gánh cho thận để tái hấp thu ion natri góp phần gây tăng huyết áp.
Sau mỗi ngày vận động, cơ thể mất khoảng 0,5gr muối qua mồ hôi, nên có nhu cầu nạp lại. Với chế độ ăn quá nhạt cũng không tốt vì làm mất khẩu vị, các món ăn khó có thể cảm thấy ngon. Đồng thời để cơ thể thiếu muối sẽ bị mệt mỏi, mất cân bằng điện giải, gây nên nhiều khó khăn cho sự hoạt động của cơ thể. Những trường hợp thiếu muối nặng (hay gặp ở đồng bào miền núi) có thể dẫn tới chuột rút, hoa mắt, chóng mặt. Cho nên muối cũng rất cần thiết cho cơ thể nếu ở mức vừa phải”, TS Bích Nga nhấn mạnh.
Theo TS Nga, muối được đưa vào cơ thể dưới dạng nước mắm có chứa đạm cá cũng là nguồn dinh dưỡng tốt cho bữa ăn của trẻ. Với người trưởng thành, khuyến nghị của bác sĩ là ăn từ 6-8g muối/ngày. Tuy nhiên, với những trường hợp bệnh về tim mạch cần theo dõi chặt chẽ lượng muối, chỉ ăn dưới 6g muối/ngày (3-4gr/ngày).
Với trẻ em dưới 1 tuổi chỉ ăn bằng 1/3 hoặc ½ mức khuyến nghị có nghĩa là 3-4g muối/ngày. Như vậy khi mới bắt đầu ăn dặm không cần thiết cho nước mắm vì một chế độ ăn không cho thêm muối cũng đã cung cấp 1,6 g natri, tương đương với 4,1 g muối ăn. Trẻ trên 1 tuổi có thể tập ăn dần nhưng nên tập cho trẻ thói quen ăn ít muối sẽ có lợi cho sức khỏe. Nếu tra nước mắm vào cháo hoặc bột thì có thể áp dụng từ tháng thứ 7 với lượng khoảng nửa thìa cà phê nhỏ (1,25ml/bữa) như vậy mỗi ngày chỉ cung cấp thêm khoảng 1gr muối (trong 1l nước mắm chuẩn có khoảng 270gr muối).
Để đảm bảo sự phát triển vận động của trẻ, TS Nga khuyên, khi trẻ có dấu hiệu bất thường như chậm vận động, rụng tóc, chậm mọc răng nên đưa trẻ đến Viện Dinh dưỡng để khám và được điều trị kịp thời. Nguyên nhân hiếm gặp khác khiến trẻ chậm vận động có thể do chậm phát triển trí tuệ, tổn thương ở trung khu thần kinh …
TS Nga khuyến cáo: “Gia đình nên phòng còi xương cho trẻ bằng cách cho trẻ tắm nắng khi thời tiết ấm áp, thuận lợi còn nếu thời tiết có gió, mưa không nên cho trẻ tắm nắng vì dễ cảm lạnh. Nếu điều kiện không cho phép có thể uống vitamin D liều phòng theo chỉ dẫn của bác sĩ, chứ không nên tự tiện. Mặt khác, phụ huynh cần đảm bảo tra đủ dầu ăn và mỡ động vật trong bữa ăn dặm để đảm bảo chuyển hóa tốt vitamin D của trẻ, mỗi bữa có thể 2,5ml dầu ăn/mỡ cho vào bột/cháo khi mới tập ăn dặm, sau đó tăng dần lên 5ml; 7,5ml/bữa”.