Bố mẹ biết cách kích thích và giao tiếp với con từ sơ sinh, trẻ sẽ sớm học được ngôn ngữ tốt hơn.
Trả lời tiếng khóc của con
Trước khi con có thể nói, con sẽ dùng tiếng khóc để giao tiếp với cha mẹ. Vì thế, khi con khóc, bạn đừng bao giờ làm ngơ. Hãy đáp lại bé, có thể bằng những lời nựng nịu, hỏi han hay sự vỗ về, âu yếm. Khi đó, bé biết mình được "lắng nghe".
Mẹ nên hãy học cách để "đọc" tiếng khóc của con, xem con khóc là vì bé đói, mệt, hay đang khó chịu vì nóng hay lạnh quá...
Nói chuyện “tán gẫu” với con
Bé bắt đầu biết “hóng chuyện” từ rất sớm. Đầu tiên, bé “o,e”, nhìn vào khuôn mặt mẹ và chờ đợi. Nếu bạn “ê, a” đáp lại, bé tiếp tục “o, e” thích thú. Với cách tiếp chuyện đơn giản như thế, cả mẹ và bé sẽ có cơ hội giao tiếp với nhau, đặc biệt, bé sẽ chăm chú để “nhại” theo âm thanh từ mẹ.
Vì trẻ sơ sinh hầu như chỉ nằm một chỗ nên mọi âm thanh phát ra xung quanh đều dễ dàng thu hút bé. Thậm chí mẹ có thể "chuyện" với con ngay từ khi bé có những tiếng ê a đầu tiên. Mẹ hãy đáp lại những âm thanh dễ thương của con bằng cách nhìn vào mắt bé, gật đầu, nói chuyện, đệm thêm những câu ê a theo con... Bé sẽ vô cùng thích thú, bắt đầu hiểu là cha mẹ đang quan tâm đến mình.
Coi bé như người bạn để tâm sự
Mẹ hãy dành thời gian giao tiếp với bé một cách tự nhiên và thoải mái. Nên gạt bỏ trong đầu suy nghĩ, bé còn nhỏ, không hiểu gì. Thay vào đó, mẹ có thể tâm tình với con như với một người bạn.
Các bé có khả năng tiếp nhận ngôn ngữ rất sớm trước khi hiểu ngôn ngữ và biết nói. Càng được sống trong môi trường giàu ngôn ngữ, bé càng nhanh biết nói một cách tự nhiên. Khi mẹ trò chuyện với bé, mẹ nên ngắt quãng hợp lý để xem xét phản ứng quan tâm từ bé.
Nói với con về hành động của mẹ
Có thể bé không hiểu mẹ nói gì nhưng bé sẽ có kinh nghiệm với một số cụm từ quen thuộc và biết cách phản ứng nhanh với yêu cầu từ mẹ. Trước khi bế bé, bạn nên giang hai tay và nói: “Để mẹ bế con nào”, hay mẹ chỉ vào một con vật đồ chơi và nói tên con vật đó, chỉ vào một màu sắc và nói tên màu sắc đó. Dần dần, bé sẽ quen với những món đồ xung quanh, nhanh bắt chước theo hành động của mẹ và theo mẹ nói.
Khi làm bất cứ việc gì cùng con như thay tã bỉm, tắm cho con, chơi cùng con,… mẹ cũng nên tranh thủ nói chuyện với bé để tạo thói quen giao tiếp cho con.
Kể chuyện cho con nghe trước giờ đi ngủ
Trẻ nhỏ có thể tỏ ra quan tâm đến sách sớm hơn các cha mẹ nghĩ. Mẹ hãy thử đọc cho bé nghe một một câu chuyện cổ tích hay những quyển truyện tranh mà bé hay chăm chú nhìn, thường bé sẽ thích những đồ bắt mắt đầy hình thù màu sắc. Đây cũng là một cách giúp bé xây dựng vốn từ cơ bản.
Hát cho con nghe và dạy con hát
Mẹ có thể hát cho bé nghe những bài hát thiếu nhi, vè, thậm chí là đọc ca dao, tục ngữ, thơ… chắc chắn, điều này sẽ khiến bé rất thích thú. Thậm chí, ngay cả khi không thuộc giai điệu, mẹ cũng có thể đọc những câu có vần cho con nghe. Quá trình nhắc lại những từ ngữ du dương sẽ là bước đầu tiên để bé nhớ và bập bẹ nói theo.
Có thể bé chưa biết nói, những bé sẽ nhanh bắt nhịp hơn với các giai điệu bài hát, từ những chữ cái đầu tiên thành tiếng bi bô, rồi con sẽ rất nhanh hát theo và sẽ nhanh biết nói theo lời mẹ.
Nhắc đi nhắc lại tạo thói quen cho con
Nếu bé đã đến tuổi đi mẫu giáo mà vẫn chưa nói tốt, bạn nên cho bé giao lưu với nhiều người và các môi trường khác nhau, đồng thời dạy thêm cho bé nói những từ đơn giản bằng cách nhắc đi nhắc lại chúng.
Thực hiện cách nhắc đi nhắc lại sẽ thúc đẩy bé thực sự muốn nói những từ đầu tiên. Sự nhắc lại là chìa khóa để học bất cứ thứ gì và những từ đầu tiên của bé cũng không ngoại lệ.
>> Mẹ xem ngay nhé! |
Động viên con nói
Khi bé bắt đầu bặp bẹ, thậm chí chỉ là những từ bố mẹ phải cố "dịch" mãi mới ra, hãy dành cho bé lời khen về sự cố gắng và giúp bé tăng sự tự tin của mình để thích nói và tiếp tục học nói.
Tuy nhiên, mẹ cũng cần để ý đến từng mốc phát triển ngôn ngữ của con, nhưng cũng đừng lo lắng thái quá nếu thấy bé chỉ hơi chậm so với các bạn cùng lứa. Tuy nhiên, khi thấy sự chậm trễ hơi quá, hãy hỏi ý kiến các chuyên gia để xác định chính xác bé chỉ "lười" nói hay có một vấn đề nào đó khác.