Trị ho cho bé: Nhận biết rõ từng loại ho để chữa trị đúng cách

Ngày 10/07/2018 15:42 PM (GMT+7)

Điều trị ho cho bé có thể dùng thuốc tây theo chỉ định của bác sĩ nhưng cũng có thể áp dụng các bài thuốc dân gian tại nhà.

Thời tiết thay đổi thường khiến bé dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp. Trong đó ho dai dẳng là nỗi lo lắng của nhiều mẹ. Để điều trị ho cho bé, mẹ có thể kết hợp các bài thuốc dân gian cũng như trị ho bằng thuốc tây.

Sau đây là những thông tin mẹ cần biết trong việc trị ho cho bé.

1. Phân loại ho ở trẻ

Ho là một phản ứng tự vệ của cơ thể giúp làm sạch đường thở, loại bỏ các chất đờm, bụi khỏi đường hô hấp. Ho được chia thành nhiều loại khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là các loại ho sau:

- Ho khan: Là tình trạng bé ho không có đờm, càng ho càng cảm thấy rát cổ họng. Ho khan vào ban đêm dễ khiến bé mất ngủ. Nguyên nhân thường do cảm lạnh, dị ứng, môi trường ô nhiễm.

Trị ho cho bé: Nhận biết rõ từng loại ho để chữa trị đúng cách - 1

Ho dai dẳng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. (Ảnh minh họa)

- Ho có đờm: Ho kèm theo đờm loãng hoặc đặc. Nguyên nhân thường do viêm xoang, viêm phế quản.

- Ho gà: Là tình trạng đường hô hấp bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn bordetella. Triệu chứng của bệnh bao gồm ho nhiều, sổ mũi, hắt hơi và sốt nhẹ. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng nên bố mẹ cần chữa trị kịp thời.

- Ho kèm theo thở khò khè: Là tình trạng ho kèm theo thở gấp, khó thở. Nguyên nhân là do viêm phế quản, nhiễm trùng tiểu phế quản khiến cổ họng sưng đỏ, đầy chất nhờn. Mẹ nên cho bé đi khám bác sĩ ngay khi có tình trạng ho kèm theo thở khò khè.

2. Nguyên nhân trẻ bị ho

Do sức đề kháng của bé còn non kém nên bé rất dễ bị mắc các bệnh  đường hô hấp dẫn đến ho. Sau đây là các nguyên nhân gây ho thường gặp mẹ cần biết:

- Ho do cảm lạnh: Thay đổi thời tiết, trời lạnh dễ khiến bé bị cảm lạnh. Triệu chứng bao gồm ho, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, và sốt nhẹ.

- Ho do cảm cúm: Cảm cúm thường do virus gây ra. Triệu chứng bao gồm đau họng, đau đầu, đau người, sốt nhẹ, khàn tiếng, ho khan hoặc ho có đờm.

- Ho do hen phế quản: Dị ứng, viêm xoang, trào ngược dạ dày thực quản, không khí lạnh… là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hen phế quản. Triệu chứng bao gồm ho dai dẳng, kèm theo thở rít, thở khò khè, khó thở.

- Ho do viêm tiểu phế quản: Viêm tiểu phế quản thường do virus gây nên và phát triển mạnh vào cuối đông, đầu xuân. Triệu chứng bao gồm ho có đờm, khò khè, thở nhanh, thở gấp, hắt hơi, sổ mũi, sốt cao.

3. Làm gì khi trẻ bị ho?

Khi bé bị ho, cha mẹ không cần quá lo lắng mà cần tìm hiểu chính xác nguồn gốc gây bệnh để có cách điều trị phù hợp. Cha mẹ có thể dùng thuốc tây hoặc các phương pháp dân gian điều trị bệnh cho bé. Tuy nhiên không nên tự ý mua thuốc cho bé mà cần hỏi ý kiến bác sĩ. Bên cạnh đó cha mẹ có thể làm những điều sau để giúp bé mau khỏi bệnh:

- Vệ sinh mũi, họng sạch sẽ cho bé bằng cách nhỏ nước muối sinh lý thường xuyên.

Trị ho cho bé: Nhận biết rõ từng loại ho để chữa trị đúng cách - 2

Vệ sinh mũi họng thường xuyên cho bé. (Ảnh minh họa)

- Cho bé ăn uống đủ chất, giàu dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, chống trọi với bệnh tật.

- Cho bé uống nhiều nước để bé không bị mất nước. Đồng thời nước ấm có khả năng làm loãng đờm, dịu cơn ho.

- Mặc đồ ấm áp cho bé, không để bé bị nhiễm lạnh.

4. Cách trị ho cho bé

Cách trị ho bằng thuốc tây

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc ho đa dạng, phong phú cho trẻ em. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý những điều sau khi trị ho cho bé bằng thuốc tây:

- Mẹ không tự ý mua thuốc ho cho bé mà không có hướng dẫn của bác sĩ.

- Thuốc ho phải sử dụng theo đúng liều lượng, thời gian trong hướng dẫn sử dụng hoặc kê đơn của bác sĩ.

- Tổ chức Y thế thế giới khuyến cáo không cho bé dưới 2-3 tháng tuổi uống thuốc ho.

- Nếu bé uống thuốc từ 2 đến 3 ngày không đỡ thì cần đưa bé đi khám bác sĩ.

Trị ho cho bé bằng bài thuốc dân gian

Bên cạnh việc trị ho bằng thuốc tây cho bé, mẹ có thể áp dụng các bài thuốc dân gian đơn giản và an toàn sau đây:

- Mật ong: Mật ong có khả năng kháng viêm, ngừa khuẩn và trị ho. Nếu bé trên 1 tuổi mẹ có thể trộn 2 muỗng cà phê mật ong nguyên chất với 1 muỗng cà phê nước cốt chanh cho bé uống. Lưu ý không cho bé dưới 1 tuổi uống mật ong vì có thể gây ngộ độc.

- Quất hấp đường phèn: Mẹ mua quất, rửa sạch, bổ đôi, bỏ hạt. Sau đó trộn đường và hấp cách thủy. Để nguội cho bé uống 3 lần 1 ngày.

- Nước củ cải luộc: Mẹ lấy củ cải trắng rửa sạch, cắt lsat cho vào nồi, thêm nước đun lửa nhỏ 5 đến 10 phút. Sau đó lấy nước củ cải luộc cho bé uống để trị ho, đau họng.

- Hỗn hợp lê quế: Rửa và gọt sạch vỏ; Bổ quả lê theo chiều dọc; Đặt và ấn một thanh quế vào miếng lê đã bổ theo chiều dọc; Để vào một tô thủy tinh chịu nhiệt tốt; Đổ nước vào, đổ khoảng ½  tô thủy tinh; Cuối cùng hâm cho đến khi lê mềm và bảo quản trong tủ lạnh từ 3-4 ngày.

Lưu ý: Lượng mật ong được sử dụng là khác nhau, tùy thuộc vào đột tuổi của trẻ. Đối với trẻ từ 2 đến 5 tuổi, chỉ nên sử dụng bằng ½ thìa cafe, trẻ từ 6-12 tuổi bằng 1 thìa cafe, trẻ từ 12 tuổi trở lên lượng mật ong bằng 2 thìa cafe. Trong một ngày có thể cho trẻ dùng từ 2-4 lần.

5. Khi nào cần đưa bé đi bác sĩ?

Trong các trường hợp sau mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ ngay lập tức:

- Bé ho tím tái ở đầu ngón chân, ngón tay và khó thở.

- Bé uống thuốc 2 đến 3 ngày mà bệnh không đỡ hoặc nặng thêm.

- Bé có dấu hiệu mệt mỏi, bỏ ăn, sốt không rõ nguyên nhân.

6. Cách phòng bệnh ho cho trẻ

Cha mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau đây để giúp bảo vệ bé khỏi các loại vi khuẩn, virus gây bệnh:

- Rửa tay thường xuyên: Bé cần rửa tay thường xuyên với xà bông và nước ít nhất 20 giây trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh… để tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn có hại.

- Tiêm chủng vắc xin: Mẹ nên cho bé đi tiêm phòng các loại vắc xin phòng bệnh theo đúng lịch quy định.

- Sống lành mạnh: Ăn uống đủ chất, tập thể dục đầy đủ sẽ giúp bé khỏe mạnh và có sức chống lại các mầm bệnh.

Chuyên gia chỉ ra nguyên nhân, cách điều trị ho cho trẻ do nằm điều hòa
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, trẻ nằm điều hòa bị ho có thể do rất nhiều nguyên nhân, mỗi nguyên nhân sẽ có...

Bệnh ho

Lê Ánh (Dịch từ Babycenter)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh ho