"Câu khách" bằng hoàn cảnh đáng thương của thí sinh: Một cách khích lệ sự yếu đuối?!

Ngày 22/07/2016 14:00 PM (GMT+7)

Trong hàng chục cuộc thi tài năng, chương trình truyền hình thực tế mỗi năm của Việt Nam, tần suất những màn “khóc lóc” vì hoàn cảnh của thí sinh ngày càng phổ biến.

Việc khai thác hoàn cảnh đời tư éo le tuy góp phần tiếp thêm nghị lực, nhưng rất có thể cũng khiến con người trở nên yếu đuối, chủ quan. Với một cuộc thi tài năng thì sự bình đẳng, công tâm và khách quan mới thúc đẩy cho tài năng ấy đi đúng hướng.

Thương cảm hay thương hại?

Không thể phủ nhận, các Quán quân có hoàn cảnh đặc biệt trong các cuộc thi tài năng trên truyền hình là những nhân tố có tố chất nổi trội. Ví dụ: Chàng trai dân tộc Chu Ru - Ya Suy, Quán quân Vietnam Idol 2012 sở hữu giọng ca truyền cảm, mộc mạc; Quán quân 18 tuổi của cuộc thi “Thần tượng Bolero” mùa đầu tiên Ngô Trung Quang từng được đánh giá là gương mặt triển vọng với dòng nhạc trữ tình… Đặc điểm chung của các thí sinh này đều xuất thân từ hoàn cảnh éo le. Người thì tâm sự trên sân khấu: “Em sẽ dành tiền thưởng của chương trình để nuôi lợn!” (Ya Suy), người được đặt biệt danh “mít ướt” vì luôn rơi nước mắt tủi thân cho hoàn cảnh khó khăn (Ngô Trung Quang)… Nhưng rốt cuộc, sau khi đoạt ngôi vị cao nhất, những cái tên này bỗng nhạt nhòa, mất hút. Thậm chí, Ya Suy chỉ “nổi” trở lại nhờ scandal, còn sản phẩm âm nhạc duy nhất là album “Về với lúa” thì không mấy ai biết đến.

quot;Câu kháchquot; bằng hoàn cảnh đáng thương của thí sinh: Một cách khích lệ sự yếu đuối?! - 1

Ya Suy, một trong những Quán quân mất hút sau khi đăng quang. Ảnh: TL

Đáng chú ý hơn là thân phận các thí sinh nhí như Thu Hiền, cô bé đến từ Củ Chi tham gia “Giọng hát Việt nhí 2014” mồ côi cha, khát khao được đến trường học chữ, mưu sinh bằng nghề hát đám cưới… Ngọc Anh, cô bé khiếm thị của “The Voice Kids” mùa thứ hai từng khiến nhiều khán giả nổi da gà với tiết mục “Ơn nghĩa sinh thành” có cha mẹ đi làm ăn xa không nuôi nổi, được người dì họ của mẹ cưu mang… Kết thúc cuộc thi, Thu Hiền được ca sĩ Phi Nhung nhận làm con nuôi và cô bé trở về với vòng tay tảo tần của bà dì. Và cho đến thời điểm hiện tại, những cô bé này vẫn chưa có được sự hỗ trợ, định hướng đúng nghĩa để chắp cánh cho niềm đam mê âm nhạc và khao khát đứng trên sân khấu chuyên nghiệp.

Đã từng có những nữ giám khảo như: Cẩm Ly, Việt Hương... xúc động bật khóc nức nở trước phần thi, hoàn cảnh đặc biệt của thí sinh. Và không ít nam giám khảo, MC như: Hoài Linh, Trấn Thành… cũng rơi lệ liên tục trên sóng truyền hình. Trao đổi về câu chuyện mô tuýp “nghèo vượt khó” trên truyền hình thường nhận được lượng bình chọn đông đảo từ khán giả, lấy nước mắt của Ban giám khảo, ThS tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) phân tích: “Những mô tuýp như thế đều có hai mặt. Mặt lợi là những hoàn cảnh có tinh thần vượt khó cho thấy nghị lực đáng trân trọng và lan tỏa, tiếp lửa cho nhiều trường hợp khác trong xã hội. Còn mặt hạn chế, ở góc độ quyền con người, các nhân vật cần sự tôn trọng chứ không cần thương hại. Nếu cho rằng các thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt nên ưu tiên thì những thí sinh khác vốn sống trong sự sung túc, họ đâu có “tội” gì mà phải chịu so đo, tính toán bằng những chi tiết ngoài lề, không liên quan đến tài năng. Nếu như cứ tiếp diễn những màn nước mắt lâm li, hình mẫu “người đau khổ” luôn chiến thắng thì liệu rằng có bình đẳng hay không? Về lâu dài, không nên khuyến khích việc lạm dụng khai thác hoàn cảnh đời tư éo le với tần suất dày đặc như hiện nay. Lòng thương cảm góp phần tiếp thêm nghị lực nhưng rất có thể cũng khiến con người trở nên yếu đuối, chủ quan và chỉ có sự bình đẳng (ở đây là bình đẳng về tài năng) mới thúc đẩy xã hội phát triển”.

Chớ vội phán xét…

Nếu như trước đây, hoàn cảnh éo le ấy chủ yếu được khai thác qua các đoạn phóng sự, các bài báo… thì dần dần trên sân khấu, chính người tham gia đã khóc lóc, kể khổ thậm chí lấy đó làm lý do để xin được đi tiếp vào vòng trong. Thí sinh Loki Bảo Long trong chương trình “Nhân tố bí ẩn 2014” là trường hợp gây tranh cãi và bị khán giả chỉ trích giả tạo, bởi ban đầu anh đến với chương trình tỏ ra vô cùng rụt rè, tự nhận mình “sợ đám đông”, nhưng càng về sau càng lộ rõ sự chuyên nghiệp đến bất thường.

quot;Câu kháchquot; bằng hoàn cảnh đáng thương của thí sinh: Một cách khích lệ sự yếu đuối?! - 2

Thí sinh Loki Bảo Long trong chương trình “Nhân tố bí ẩn".

Bàn về câu chuyện này, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long chia sẻ: “Các gương mặt được đăng quang trong các cuộc thi đương nhiên phải là những hạt nhân trong chính các cuộc thi ấy, họ phải là người có khả năng nổi trội trong số đông thí sinh. Tuy nhiên, các cuộc thi truyền hình thực tế thường khai thác các yếu tố phụ, xung quanh trọng tâm chính là tài năng nghệ thuật của thí sinh nhằm tạo sức hút khán giả. Đương nhiên, càng nhiều yếu tố phụ bên lề cuộc thi thì cuộc thi ấy sẽ thành công về mọi mặt, kể cả doanh thu, quảng cáo. Đây là xu hướng tất yếu của thời đại truyền thông đa phương tiện. Đừng nghĩ thí sinh là người bị lợi dụng. Là cuộc thi, đôi bên cùng có lợi. Rõ ràng nếu lọt vào số những hạt nhân của cuộc thi, nằm trong tâm điểm của một vài “cơn bão” từ những lùm xùm xung quanh là một thuận lợi đối với thí sinh. Họ thậm chí không cần đi đến cuối cuộc thi cũng có thể có được cái tên để bước vào đời sống nghệ thuật giải trí”.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long phân tích thêm: “Nghệ thuật là cuộc chơi khốc liệt. Không có thành công nào mà lại không đổ mồ hôi, nước mắt và sự sáng tạo. Với nghệ thuật, còn cần cả sự may mắn mà nhiều người vẫn nói vui là phải có cái số nổi tiếng, hoặc nói theo cách khác là tổ nghiệp thương. Vì vậy, nhiều thí sinh đã có cái tên, khi bước ra cuộc thi nhanh chóng mất hút là bởi họ có thể bị chuếnh choáng không chọn được con đường đi tiếp khi bên cạnh mình không có ê-kíp hùng hậu từ chuyên môn đến truyền thông, không có “quân sư” định hướng hoặc biết nhưng không đủ khả năng, hay chưa gặp duyên! Một yếu tố khác nữa là, nhiều người trong số đó khả năng nghệ thuật mới chỉ dừng ở mức bản năng tự nhiên, chưa được học tập, trau dồi. Vì vậy, khi bước ra từ cuộc thi mà muốn tên tuổi vẫn tiếp tục được duy trì, được vững vàng trong làng nghệ thuật giải trí, cần phải nghĩ tới việc trau dồi chuyên môn, có định hướng rõ ràng cho hướng đi nghệ thuật, lao động nghệ thuật một cách hết sức nghiêm túc và còn cần cả yếu tố như các cụ ta vẫn nói trong nhiều trường hợp là: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Trước những ý kiến lý giải rằng, sở dĩ những “Quán quân hoàn cảnh” mất hút sau khi đăng quang là bởi không được đầu tư bài bản, ít cơ hội phát triển, ThS tâm lý Nguyễn Thị Mai Hương phân tích: “Môi trường, hoàn cảnh chỉ là một trong số nhiều yếu tố tác động đến sự hình thành, phát triển tài năng, nhân cách của một con người. Bên cạnh đó là các yếu tố: Về nền tảng, có bẩm sinh - di truyền. Về định hướng, có giáo dục (bao gồm gia đình, nhà trường, xã hội), còn yếu tố quyết định cao nhất lại là tính tích cực hoạt động của nhân cách, năng lực. Cá nhân trong bất kì hoàn cảnh nào cũng phải mang điển hình từ yếu tố cuối cùng này mới thành công được”.

Theo Thùy Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Phi Nhung