Mang tiếng cười sảng khoái mà thâm sâu cho đời nhưng ít ai biết rằng, góc khuất trong cuộc sống của các danh hài lại thấm đẫm nước mắt.
"Bán cười cho thiên hạ/Mua tiếng khóc cho mình/Khóc cho kiếp nhân sinh/Cười trần gian bạc bẽo..." Đó là những lời thơ đầy lắng đọng của NSƯT Hoài Linh về cuộc đời nghệ sĩ và cũng là hoàn cảnh mà rất nhiều diễn viên hài từng trải qua, đặc biệt rất đúng với những danh hài đất Bắc dưới đây.
Khán giả đã vui cười, thích chí biết bao với hình ảnh họ nói cười xôn xao trên sân khấu, màn ảnh. Ấy vậy mà đời thường, cuộc đời họ đôi khi khác hoàn toàn với vai diễn. Đem đến tiếng cười, "mua vui" cho người đời là vậy, nhưng ngoài đời không phải lúc nào họ cũng lạc quan, vô tư được như những nhân vật hài của mình. Và có những nỗi buồn khó ai thấu hiểu trong cuộc đời người nghệ sĩ. Đúng như câu nói: "Cười trên sân khấu, khóc sau cánh gà"...
Phạm Bằng - Đằng sau sân khấu là nỗi cô đơn thường trực
Đối với khán giả truyền hình Việt Nam, nhất là miền Bắc, Phạm Bằng là một cái tên không thể quen thuộc hơn. Ông là một nghệ sĩ sân khấu, hài kịch và truyền hình được đông đảo khán giả mọi lứa tuổi yêu thích, kính trọng.
Phạm Bằng thường đóng vai sợ vợ trong các tiểu phẩm hài
Tuy vậy, đằng sau sân khấu kịch, thường trực bên Phạm Bằng là một nỗi cô đơn xâm chiếm. Bố mất sớm, mẹ ông ở vậy nuôi các con khôn lớn. Không muốn con trai theo nghề kịch nên khi biết ông lựa chọn nghiệp diễn viên để mưu sinh, mẹ ông dứt khoát không đồng ý. Chính vì vậy mà Phạm Bằng chưa bao giờ thấy mẹ vui, không bao giờ bà khen ngợi và cũng không mong bà đến rạp để xem mình biểu diễn. Ông từng tâm sự: "Tôi thường trở về nhà với nỗi cô đơn".
Năm 2003, người vợ kém ông 8 tuổi qua đời khiến Phạm Bằng rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần trong thời gian dài. Phạm Bằng cũng từng chia sẻ rằng, thành công ông có được, 98% là nhờ sự ủng hộ của người vợ kết tóc se tơ. Vợ ông đã đi trước 13 năm, hơn một thập kỷ trôi qua khi người phụ nữ nhân hậu ấy qua đời, nam nghệ sĩ vẫn không muốn đi bước nữa bởi: "Nếu lấy ai chắc chắn không thể bằng bà ấy được". Có lẽ vì thế mà nếu không phải đi diễn, đêm đêm nghệ sĩ Phạm Bằng lại đứng ra bán lục tàu xá, chí mà phù, bánh trôi tàu ở phố Hàng Giầy - quán đã nổi tiếng hơn 30 năm nay. Ông duy trì một phần vì mưu sinh, một phần vì để bớt đi quãng thời gian rảnh rỗi.
Nghệ sĩ Phạm Bằng và bà xã thời trẻ
Phía sau tiếng cười tưởng chừng vô tư lự trên sân khấu ấy, là một cuộc sống cô đơn của người nghệ sĩ già
Tối ngày 31/10 vừa qua, NSƯT Phạm Bằng đã qua đời. Theo chia sẻ của con gái Phạm Bằng thì ông bị mắc bệnh ung thư gan nhưng gia đình quyết định giấu không để ông biết, chỉ nói rằng ông đang phải điều trị viêm gan và viêm túi mật.
Gia đình giấu Phạm Bằng chuyện ông bị ung thư gan
Quốc Anh - Không thể có con sau 2 đời vợ và cuộc đời bão tố khó ai so bì
Nhắc tới Quốc Anh, khán giả sẽ nghĩ ngay đến cái vẻ tí ta tí tởn, đểu đểu và "đĩ" mà ông thể hiện trong các tiểu phẩm hài. Mang lại tiếng cười sảng khoái cho người xem, song cuộc đời Quốc Anh lại có nhiều nỗi cay đắng. Quốc Anh thường bảo, nếu nói về cuộc đời bão tố, có lẽ khó ai nhiều như ông.
Quốc Anh trải qua nhiều giông bão trong sự nghiệp và cuộc sống
Khi còn trẻ, cuộc sống đang ủ đầy những ước mơ, khát vọng, nghệ sĩ Quốc Anh gặp cú sốc quá lớn trong đời là bị đuổi khỏi Nhà hát Chèo Việt Nam. Lý do chỉ bởi vì sự nóng nảy, nông nổi lúc tức giận của Quốc Anh. Lúc đó Quốc Anh nóng giận, tuổi trẻ nông nổi, bồng bột mới có hành động liều lĩnh, dù chính ông cũng biết mình hiền lành, nào dám động vào ai. Khi sự cố xảy ra, ông đã gắn bó với nhà hát hơn 2 thập kỷ, có 6 huy chương vàng, bị đuổi vừa là những tiếc nuối, vừa là những đau đớn và xót xa. Sau này, Quốc Anh về đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội và nhanh chóng trở thành nghệ sĩ nổi tiếng.
Quốc Anh khiến nhiều người nhớ đến bởi các vai hài "đểu đểu"
Không chỉ sự nghiệp gặp biến cố lớn, cuộc sống sau cánh gà của người nghệ sĩ này cũng lắm truân chuyên. Nhiều người tiếc cho nghệ sĩ Quốc Anh vì ông không thể có con. Sự cố lớn trong đời cũng là nỗi đau hằn rõ trên khuôn mặt buồn của người nghệ sĩ.
Trải qua hai đời vợ, đều tên là Thu và từng qua một lần đò, có những đứa con riêng, nghệ sĩ Quốc Anh dành toàn bộ sự quan tâm, chăm sóc cho gia đình. Khi cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, ông hai bàn tay trắng cùng 4 bao thuốc lá bước ra khỏi nhà trong đêm để lại mọi thứ cho vợ và con gái riêng. Nhưng day dứt nhất với nam nghệ sĩ là tiếng khóc của cô con gái mà mình đã gắn bó suốt hai chục năm, từ khi cô bé 2 tuổi.
Giờ đây, ở tổ ấm hiện tại, ông cũng coi các con riêng của vợ như con ruột của mình và muốn làm những điều tốt nhất cho các con để bù đắp thiếu hụt về đường con cái. Còn "hậu duệ" của ông chính là con trai người em ruột. Ông thấy cậu rất có duyên với chèo nên cũng muốn được truyền những ngón nghề cho bé, hy vọng sẽ có người "nối dõi" nghiệp chèo của mình.
Xuân nào Quốc Anh cũng cố gắng góp mặt trong một vài tiểu phẩm hài
Hán Văn Tình - Tếu táo trên màn ảnh, nuốt đắng cay cho thân phận nghệ sĩ nghèo
Gắn liền với các vai diễn hài hước, mộc mạc, cố nghệ sĩ Hán Văn Tình từ lâu đã được khán giả cả nước yêu mến, nhất là khi nhân vật Chu Văn Quềnh trong bộ phim "Đất và người" của ông đến với công chúng. Tếu táo trên màn ảnh là vậy nhưng trong cuộc sống đời thường, nam nghệ sĩ nhiều khi phải nuốt nước mắt đắng cay. Thậm chí, khi cha mất, ông vẫn phải cười mua vui cho khán giả.
Hình ảnh Hán Văn Tình trên màn ảnh
Vào năm 2012, nghệ sĩ Hán Văn Tình được bổ nhiệm làm Trưởng đoàn 2 – Nhà hát Tuồng Việt Nam, nhưng "cái nghèo" vẫn luôn đeo đẳng ông. Với đồng lương "ba cọc, ba đồng", Hán Văn Tình phải đi chạy show thêm để cải thiện cuộc sống cho bản thân và gia đình. Nhưng khi những hình ảnh về cuộc sống thực tế của ông xuất hiện trên báo, nhiều người đã tỏ ra bất ngờ.
Ông sống cùng vợ và 2 con ở một ngôi nhà tạm không có số trên khu đất trên đường Võ Quý Huân (gần Nhà Văn hóa Bắc Từ Liêm). Trước đây, gia đình Hán Văn Tình sống trong một căn nhà ở khu tập thể Mai Dịch rồi sau này chuyển về ngôi nhà đó. Trên mảnh đất canh tác mua được, ngoài căn nhà nhỏ, Hán Văn Tình còn để chỗ trồng rau, nuôi gà.
Hán Văn Tình từng giãi bày: "Thú thực là tôi không dám mời bạn bè ở xa về nhà mình vì ngại"
Một thời gian sau đó, nghệ sĩ Hán Văn Tình phát hiện bị mắc bệnh ung thư phổi đã di căn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ kinh phí để chữa trị cho nam diễn viên. Mỗi khi ông khó thở hay vật vã đau đớn với căn bệnh thì gia đình mới lại thuê taxi đưa vào viện. Khi căn bệnh ung thư "quật ngã" Hán Văn Tình, nhiều người không khỏi xót xa và ngậm ngùi cho thân phận nghệ sĩ nghèo của ông.
Trong cả cuộc đời của mình, Hán Văn Tình chỉ quanh quẩn chống chọi với căn bệnh ung thư và sự nghèo khó
Minh Vượng - "Tứ chứng nan y" khiến tình duyên lỡ dở, lục tuần cô đơn
Khán giả biết đến NSƯT Minh Vượng là một nữ danh hài đất Bắc nổi tiếng nhất với những vai diễn khó quên trong nhiều bộ phim ăn khách một thời như Gió lùa, Cơm bụi giá cao, Hoa hậu xóm liều... Nhưng ít ai biết, bà còn là một bệnh nhân đủ "tứ chứng nan y".
Minh Vượng nhí nhảnh và vui tươi khi ở trên sân khấu
Nói về những căn bệnh quái ác đã khiến bà uống số thuốc nhiều hơn cả số cân nặng, nữ nghệ sĩ vẫn chia sẻ với tâm thái lạc quan của bao năm chống chọi: "Năm 1994, sau khi đi Nga về tôi phát hiện mình có một khối u ở bên phải. Cuối cùng người ta mổ ra hai cái khối u nhẹ nhàng, u lành. Đến năm 2002, đi diễn ở Đông Âu mấy tháng về thời gian, thời tiết thay đổi nên tôi bị đột quỵ, méo mồm. Bẵng đi mấy năm tôi lại có khối u tuyến nước bọt, thế là tôi sang Singapore mổ".
Thời điểm hiện tại, bà vẫn đều đặn chiến đấu với căn bệnh tiểu đường, áp huyết, tim mạch. Mỗi ngày bà vẫn phải tiêm tới 4 mũi kháng sinh liều cao. Bệnh tật nặng nề thế nhưng chưa bao giờ thấy bà than thở, nhăn nhó, ngược lại lúc nào cũng tươi vui, mỉm cười. Mặc dù không thể phủ nhận rằng, những chứng bệnh quái ác ấy khiến tình duyên của bà lỡ dở, lục tuần vẫn cô đơn.
Nữ nghệ sĩ từng nói, bà là "hàng cồng kềnh nhưng dễ vỡ", không chỉ về thể chất mà cả tâm hồn
Ở những góc tối, nữ danh hài cũng cô đơn nhưng vẫn phải vượt lên nỗi buồn để tiếp tục cống hiến cho đời
Nữ nghệ sĩ chia sẻ: "Dù thiên hạ có bệnh gì tôi mang bệnh nấy nhưng cứ đi làm, đi diễn, được tung tăng là tôi lại khỏe. Có được điều đó một phần vì tôi luôn lạc quan sống. Cũng vì không có gia đình mà tôi không bị vướng bận những thứ lo nghĩ linh tinh của một người phụ nữ nội trợ. Tôi toàn tâm, toàn ý cho học trò của mình dễ hơn, sáng tác kịch thuận hơn".
Văn Hiệp - Cuộc sống riêng nhiều bất hạnh
Cố nghệ sĩ Văn Hiệp gắn liền với hình ảnh ông trưởng thôn, lão nông dân thật thà, tốt bụng và hài hước cùng thân hình gầy gò, khuôn mặt khắc khổ, phong cách xuề xòa trong các tiểu phẩm hài. Mang lại tiếng cười cho khán giả song cố nghệ sĩ Văn Hiệp lại có cuộc sống riêng nhiều bất hạnh. Tháng 4/2013, gương mặt kỳ cựu của màn ảnh Việt cũng ra đi mãi mãi sau khi chống chọi với cơn bạo bệnh.
Là diễn viên nổi tiếng có nhiều vai để đời nhưng cuộc sống của "ông trưởng thôn" lại vô cùng đạm bạc
Trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp đối mặt với tình trạng ốm đau bệnh tật liên miên nhưng tình trạng tài chính không mấy dư dả. Ông bị đại tràng, suy thận, tràn dịch màng phổi. Theo chia sẻ của con trai cố nghệ sĩ, ông biết mình bị bệnh nhưng gan lì, nhất định không chịu vào viện và "kỳ cạch đi đóng phim" cho tới ngày đổ bệnh hẳn.
Không chỉ đối mặt với tử thần, chống chọi với bệnh tật trong những năm cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp còn cô đơn tuổi già khi "xa vợ" hơn 20 năm. Ông tâm sự, hồi xưa cuộc sống khốn khó, vợ ông đi xuất khẩu lao động sang Đức rồi không về. Mặc dù ông cũng đã khuyên can, thậm chí cảnh cáo: "Về đi, không là mất chồng đấy" nhưng vẫn không xoay chuyển được tình thế.
Dù phải chống chọi với bệnh tật nhưng trên môi người nghệ sĩ vẫn luôn nở nụ cười giản dị, hiền lành
Trước khi nhắm mắt xuôi tay, khi đã ở cái tuổi gần "thất thập cổ lai hy" với đủ "chiếu" lớn nhỏ trong làng kịch, Văn Hiệp vẫn chưa có một danh hiệu nào. Thậm chí, Văn Hiệp vẫn phải đối diện với "cơm áo gạo tiền", tự lo cho mình như vốn dĩ xưa nay ông đã phải thế. Cứ có lời mời hợp lý là ông vẫn nhận "sô" ở các tỉnh và phóng xe máy đi diễn, một phần là để kiếm thêm thu nhập nhưng một phần là để ông quên đi nhiều căn bệnh mãn tính giày vò cơ thể, quên đi cả nỗi cô đơn trong cuộc sống thường ngày.
Tuấn Dương - Nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa thể hoàn thành tâm nguyện
Là nghệ sĩ, diễn viên kỳ cựu của Đoàn kịch Công an Nhân dân song cố nghệ sĩ Tuấn Dương bén duyên với phim truyền hình và ghi dấu ấn trong lòng những khán giả màn ảnh nhỏ qua các phim: Đất và người, Làng ven đô, Chuyện đã qua, Lều chõng... Cố nghệ sĩ Tuấn Dương "chết vai" với hình ảnh một người nông dân, trưởng thôn, ông chồng, tay buôn... sợ vợ và luôn mang lại tiếng cười cho mọi người qua những vai hài dí dỏm nhưng sâu sắc.
Nghệ sỹ Tuấn Dương (trái) trong một cảnh phim "Đất và người"
Đằng sau vai diễn là những cảnh đời riêng
Nghệ sĩ Tuấn Dương kết hôn muộn vào năm 2009 và không có con. Vợ ông đã trải qua một lần đò và có con riêng. Tuấn Dương rất muốn có một đứa con nhưng tâm nguyện này chưa thể hoàn thành trước lúc ông nhắm mắt xuôi tay. Ông từng nói: "Nhìn lại, vèo một cái đã chạm đến tuổi già mà mình vẫn chưa có một gia sản gì đáng giá trong tay. Có lúc tôi cũng chạnh lòng thương cho chính mình, nhưng biết sao được, đó là số phận rồi. Cũng không vì thế mà tiếng cười của mình bớt đi sự thoải mái".
Nụ cười hạnh phúc của nghệ sĩ Tuấn Dương bên vợ
Tháng 11/2013, khán giả yêu mến "Xuân tóc đỏ" bàng hoàng trước thông tin người nghệ sĩ ra đi mãi mãi do căn bệnh ung thư thực quản. Theo chia sẻ của vợ nghệ sĩ, trước đó, ông cảm thấy khó nuốt, gặp vấn đề trong ăn uống nên đã đi vào bệnh viện khám và kiểm tra một mình. Lúc biết mình bị ung thư ông giấu tất cả mọi người, không cho ai biết một thời gian. Thậm chí, thời gian đầu, do vẫn còn nhiều hợp đồng đóng phim, nên cố nghệ sĩ Tuấn Dương nhất quyết không chịu điều trị hóa chất mà chỉ chữa bằng đông y để giảm những cơn đau.
Cố nghệ sĩ Tuấn Dương điều trị trên giường bệnh vào năm 2013