Không chồng, không con ở tuổi U70, Minh Vượng vẫn giữ được sự lạc quan, yêu đời, hài hước mỗi khi bước lên sân khấu.
Nếu như ở miền Nam, chương trình nổi tiếng một thời Trong nhà ngoài phố góp phần đưa tên tuổi nhiều nghệ sĩ hài lên vị trí mới, thì miền Bắc có Gặp nhau cuối tuần. NSƯT Minh Vượng nổi lên từ đó với sự dí dỏm, chanh chua pha chút hài thâm thúy của một nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả.
NSƯT Minh Vượng là một trong những nghệ sĩ hài miền Bắc được yêu mến, nổi nhất vào thời kỳ đầu của "Gặp nhau cuối tuần".
Có người bảo Minh Vượng lấy nhược điểm của bản thân là thân hình "thon thon hình vại, thoai thoải hình chum" để làm nét duyên chọc cười. Người yêu mến bà thì nhận xét nữ nghệ sĩ có khuôn mặt "ngơ ngác và điệu cười Bắc Bộ chẳng lẫn vào đâu". Cộng hưởng những điều khác biệt, nữ nghệ sĩ sinh năm 1958 tạo nên sức hút kỳ lạ, quen thuộc nhưng không nhàm chán.
Dẫu huy hoàng trên sân khấu là vậy, nhiều người cảm thấy tiếc nuối khi NSƯT Minh Vượng ở tuổi xế chiều lại thiếu người bầu bạn, sống cảnh "lẻ bóng", tự chăm sóc bản thân.
XEM VIDEO: NSƯT Minh Vượng đóng một phân cảnh trong phim "Cả một đời ân oán".
Khi còn trẻ, NSƯT Minh Vượng đã vượt qua rất nhiều khó khăn để theo đuổi nghệ thuật. Bà từng thi đỗ vào Đoàn chèo Hà Nội nhưng vì gia đình cấm cản, con đường ấy đành dang dở. Sau đó, Minh Vượng tiếp tục trúng tuyển vào Đoàn kịch nói Tổng cục Hậu cần, nhưng vì sợ bị cắt hộ khẩu nên bà cũng từ chối cơ hội.
Những bức hình thời trẻ đáng quý của NSƯT Minh Vượng.
Mãi sau này, Minh Vượng mới đỗ vào Trường Nghệ thuật Hà Nội và tốt nghiệp năm 1978. Dù là một nghệ sĩ trẻ có thực lực nhưng điểm yếu ngoại hình lúc đó đã làm hạn chế những cơ hội của Minh Vượng. Phải 2 năm kể từ khi ra trường, bà mới có được vai diễn đầu tiên.
Khi đó, Minh Vượng mới 22 tuổi nhưng phải "sắm" vai bà cụ nông dân 80 tuổi. Bằng tất cả niềm khao khát được chứng minh năng lực của một nghệ sĩ trẻ sau thời gian chờ đợi mòn mỏi, Minh Vượng tập ngày đêm, học cách sống của người nông thôn sao cho vai diễn chân thực nhất. Cuối cùng, vở diễn cùng hình ảnh "mẹ Phương 80 tuổi" của Minh Vượng được đánh giá cao nhất trong Hội diễn Sân khấu kịch nói Toàn quốc năm 1980. Từ đó, bà bắt đầu lọt vào "mắt xanh" của nhiều đạo diễn nổi tiếng.
Nữ nghệ sĩ vẫn trung thành với mái tóc xoăn từ thời trẻ qua nhiều thập kỷ.
Suốt những năm gắn bó với nghề, chẳng ai bảo Minh Vượng có nét giống kiểu phụ nữ Hà Nội xưa, vừa hiền lại đằm thắm. Bà cũng thừa nhận bản thân từ nhỏ đã "nghịch khủng khiếp, đến cả khu tập thể Nhà máy rượu Hà Nội còn phải sợ". NSƯT kể: "Tôi cầm đầu đám trẻ con nhà cao tầng đánh nhau với trẻ con nhà mái lá. Cứ ở đâu đánh nhau là có tôi. Ở trường, bao giờ tôi cũng là tướng của bọn con gái đánh nhau với bọn con trai. Thậm chí, đến bây giờ có một ông chữa xe máy ở đầu dốc Thọ Lão (phố Lò Đúc) đã lên chức ông nội, ông ngoại rồi vẫn còn nhớ tôi. Hồi bé ông ấy bị tôi đuổi đánh sợ quá chui xuống gầm giường, thế mà tôi còn lôi chân ông ấy ra.
Tình cờ nhìn thấy tôi đi mua rau, ông ấy chỉ tôi cho cô con dâu cũng gần 40 tuổi: 'Đấy, ngày xưa bà ấy đánh vào đầu bố vẫn còn sẹo ở thái dương...'. Lên đến cấp hai tôi vẫn còn nghịch. Đi đánh nhau rơi mất cả cặp. Người ta mang cặp của tôi đến trường mách cô giáo, thế là hết chối. Cô hiệu trưởng trường Lương Yên B đã dùng biện pháp 'dĩ độc trị độc' với tôi: giao cho tôi làm lớp trưởng, kết nạp tôi vào Đoàn. Lớp 6 tôi đã là Bí thư Đoàn trường, và thế là từ ấy tôi trở thành một con người khác…".
Nữ nghệ sĩ hài dùng sự khác biệt để làm chất riêng, khiến khán giả ấn tượng sâu sắc.
Liên tục có nhiều vai diễn gây tiếng vang trên sân khấu, nhưng phải đến khi xuất hiện trong chương trình Gặp nhau cuối tuần, nét dí dỏm của Minh Vượng mới được đông đảo khán giả biết đến. Nhiều người nói nét diễn của bà không lố nhưng hiểm, chanh chua nhưng vẫn thiện cảm, đáng yêu hơn đáng ghét. Thậm chí, bà là nghệ sĩ hiếm hoi đưa được lối diễn "bi - hài" vào chính nhân vật của mình.
"Tôi luôn quan niệm rằng đỉnh điểm của bi kịch là hài kịch. Và ngược lại, đỉnh điểm của hài kịch chính là bi kịch. Cuộc vui nào cũng có những nỗi buồn sâu lắng, đằng sau sự yên ả của biển vẫn có những cơn sóng ồn ã đang cuộn chảy", nữ nghệ sĩ nói. Bà cho rằng mình từ một diễn viên kịch đến trở thành ngôi sao làng hài cũng rất tự nhiên, vì mọi thứ đều ở tính cách mà ra. Bà chỉ việc "mang nguyên cái chất ấy trong mình mà diễn". Bởi thế, khán giả lại càng yêu mến vẻ ngoài mũm mĩm, mái tóc ngắn xoăn, nét diễn pha chút "đàn ông" cùng giọng nói ấm áp của Minh Vượng.
NSƯT Minh Vượng xuất hiện trong "Táo Quân".
Phía sau ánh đèn sân khấu cùng những tràng vỗ tay, ra đường ai thấy cũng "tay bắt mặt mừng", phút yếu lòng và cô quạnh nhất của Minh Vượng là khi trở về nhà. Bà thừa nhận có nhiều người từng đến với mình, nhưng sự nhẹ nhàng, nho nhã ấy lại đối lập hoàn toàn với tính cách bộc trực, ồn ào của bà. Bà luôn tự ngẫm: "Hình như con người ta cứ thiếu cái gì thì lại được cuộc đời 'bù' cho cái kia chăng?".
Qua tuổi 60, NSƯT Minh Vượng vẫn độc thân, một mình đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Trong một lần tâm sự, bà kể: "Khi tấm màn nhung khép lại, người yêu đón người yêu, vợ đón chồng, một mình tôi trở về trên con đường vắng. Đó là những giây phút tôi cảm nhận được tận cùng nỗi cô đơn, nhưng tôi chấp nhận sự thiệt thòi ấy để được hít thở bầu không khí của sân khấu. Sân khấu là gia đình của tôi, là tình yêu và hạnh phúc của tôi. Chỉ khi nào cạn sức, hết duyên với khán giả, tôi mới chia tay với sân khấu".
Đến giờ, Minh Vượng vẫn "lẻ bóng". Dẫu vậy, bà không buồn. Bà nói với chính mình: "Trong Đạo Phật có nói: 'Chồng vợ có nên duyên phải trải qua 500 kiếp luân hồi'. Vậy thì chắc là kiếp trước tôi có chuyện gì lầm lỡ bởi đến 60 tuổi rồi vẫn chưa có một bờ vai. Kiếp này đành lỡ hẹn với tình duyên. Nhưng tôi mong kiếp sau sẽ lên xe hoa lấy được người như ý và có những đứa con thật ngoan, biết nghe lời cha mẹ".
Có những cuộc tình đến, mà họ yêu bà nhưng không thông cảm được với nghề nghiệp của bà. Họ tưởng khi yêu, bà sẽ bỏ nghề mà chọn chồng. "Có một lần, mẹ chồng tương lai bảo, con mà về nhà thì chỉ việc ngồi bán vàng cho mợ. Ôi tôi sợ quá, nếu mà nói tôi tính toán với cân đong đo đếm thì lung tung pheng ra hết. Tôi còn đang làm nghề, sao bắt tôi bỏ", nghệ sĩ Minh Vượng kể trên sóng truyền hình.
Dù bệnh tật, cô đơn nhưng tinh thần nghệ sĩ Minh Vượng luôn lạc quan, sảng khoái. Bà quan niệm rằng phải sống cuộc đời nhiều tiếng cười nên không cho phép mình buồn.
Tuy nhiên, một trong những lý do khiến Minh Vượng "ngại yêu" là vì sợ chuyện con cái. Bà nói: "Có lẽ do số phận, bởi ngay từ khi tôi mới 16 tuổi đã bị thấp khớp rất nặng. Có một người bạn bác sĩ nói với tôi rằng, nếu kết hôn sẽ có vấn đề bởi những đứa con là kết tinh của tình yêu. Nhưng nếu chuyện ấy muộn màng, dứt khoát phải chia tay".
Cũng từ đó, Minh Vượng dần có nỗi sợ với đám cưới, ngại nhận thiệp mời vì đến nhìn cảnh hạnh phúc lại chạnh lòng. Bà chia sẻ: "Tôi ngại đến đám ma và đám cưới. Có lần đi đến nhà bạn viếng đám ma, mẹ bạn vừa nằm xuống, bạn nhìn thấy tôi liền á lên cười. Tôi phải nói bằng cổ họng: 'Đám ma đấy' thì bạn mới thôi. Còn đến đám cưới, tôi thấy nhiều người có đôi có cặp, tôi cũng chạnh lòng đôi chút nhưng rồi qua ngay, may mà có công việc cuốn đi".
Nữ nghệ sĩ thường chia sẻ những khoảnh khắc vui vẻ đời thường.
Ở tuổi gần 70, Minh Vượng hiếm khi xuất hiện trên sân khấu hay màn ảnh mà chuyển sang công tác đào tạo diễn xuất. Lúc này, bà mang trong mình nhiều căn bệnh như tiểu đường, huyết áp cao, xương khớp, tim mạch và cũng trải qua nhiều lần đột quỵ, nguy kịch rồi lại bị nhiễm trùng máu tưởng không qua khỏi. Mỗi ngày, số thuốc mà nữ danh hài đất Bắc phải uống "còn nhiều hơn được ăn cơm". Minh Vượng chia sẻ, mỗi tháng bà phải mất từ 25-35 triệu đồng tiền thuốc thang.
"Lạ một điểm là càng bận, tôi càng khỏe mạnh và vui vẻ. Xung quanh tôi lúc nào cũng có anh em, các cháu, bạn bè. Nhiều khi đi làm về mệt, tôi lăn ra ngủ luôn, đâu còn đầu óc nghĩ đến chuyện cô đơn hay không. Giờ tôi chỉ thích nói chuyện nghề, không muốn nhắc tới chuyện yêu, chuyện cưới hay độc thân!", nữ nghệ sĩ nói.