Đạo diễn Việt Tú có quyền tác giả, Tuần Châu có quyền phái sinh vở “Ngày xưa”

Ngày 20/03/2019 14:12 PM (GMT+7)

"Quyền tác giả với tác phẩm "Ngày xưa" hoàn toàn thuộc về đạo diễn Việt Tú, còn quyền sở hữu tác phẩm và phái sinh thuộc về Tuần Châu Hà Nội", bản án nhận định.

Sáng 20/3, TAND Hà Nội tuyên án sơ thẩm với vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở diễn nghệ thuật thực cảnh Ngày xưa với nguyên đơn là Công ty giải trí Tuần Châu Hà Nội, bị đơn là Công ty DS của đạo diễn Việt Tú.

Theo nội dung đơn kiện, ngày 16/11/2015, công ty Tuần Châu và công ty DS của đạo diễn Việt Tú đã ký hợp đồng nguyên tắc số 0111/2015 với tổng giá trị hơn 7,3 tỷ đồng. Nội dung hợp đồng, các bên thống nhất công ty DS nhận thực hiện tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình cho dự án trình diễn thực cảnh Tuần Châu Hà Nội.

Công việc cụ thể của DS là: tiếp cận và tìm hiểu quy mô dự án theo mong muốn của chủ đầu tư; thiết kế hạ tầng biểu diễn theo yêu cầu dự án và kịch bản đề ra; tư vấn và đưa ra các giải pháp dự án cho công ty Tuần Châu; xây dựng tổ chức hoạt động biểu diễn, đào tạo diễn viên; giám sát và vận hành biểu diễn; xây dựng kịch bản, thiết kế nội dung biểu diễn, dàn dựng nội dung thiết kế hệ thống âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, hiệu ứng…

Tuần Châu khẳng định đã đầu tư xây dựng kịch bản vở diễn, thanh toán cho đạo diễn Việt Tú hơn 7 tỷ đồng và chi gần 6 tỷ đồng cho việc biểu diễn năm 2017 nên có quyền sở hữu. Trong quá trình đưa ra biểu diễn thử nghiệm, do có một số ý kiến cho rằng vở diễn Ngày xưa còn nhiều thiếu sót, chưa đạt được kỳ vọng, nên công ty Tuần Châu thuê đơn vị khác xây dựng chương trình thay thế là vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ.

Đạo diễn Việt Tú có quyền tác giả, Tuần Châu có quyền phái sinh vở “Ngày xưa” - 1

Đạo diễn Việt Tú và đại diện Công ty Tuần Châu Hà Nội tại toà.

Quá trình đưa vụ án ra xét xử, Tuần Châu yêu cầu DS trả lại tác quyền vở diễn và bồi thường hơn 6 tỷ đồng chi phí mà Tuần Châu đã chi để dàn dựng vở diễn thay thế, cũng như thuê luật sư giải quyết tranh chấp liên quan đến vở diễn Ngày xưa.

Phía bị đơn cũng yêu cầu phản tố, đòi nguyên đơn bồi thường thiệt hại cho công ty DS vì tác phẩm phái sinh mang tên Tinh hoa Bắc Bộ được thực hiện trên nền tảng vở diễn Ngày xưa.

DS đề nghị HĐXX bác mọi yêu cầu của phía nguyên đơn và công nhận Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của Ngày xưa. Tuần Châu Hà Nội đã vi phạm điều khoản độc quyền ký với DS, gây thiệt hại nên phải bồi thường 6,3 tỷ đồng (tính theo doanh thu 10% của Tinh Hoa Bắc Bộ).

Đạo diễn Việt Tú có quyền tác giả, Tuần Châu có quyền phái sinh vở “Ngày xưa” - 2

Một cảnh trong chương trình thực cảnh "Ngày xưa" của đạo diễn Việt Tú.

Sau khi nghị án kéo dài, TAND Hà Nội ra phán quyết "chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Tuần Châu Hà Nội", buộc DS chuyển giao quyền sở hữu tác phẩm Ngày xưa. Tuy nhiên, tòa không chấp nhận yêu cầu đòi bồi thường chi phí sản xuất, thuê luật sư.

Đồng ý một phần yêu cầu phản tố của DS, HĐXX xác định vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ là phái sinh của Ngày xưa, song không chấp nhận việc DS yêu cầu Tuần Châu Hà Nội bồi thường hơn 6 tỷ đồng.

"Quyền tác giả với tác phẩm Ngày xưa hoàn toàn thuộc về đạo diễn Việt Tú, nhưng quyền sở hữu tác phẩm là Tuần Châu Hà Nội", bản án nhận định.

Bản án giải thích đạo diễn Việt Tú là tác giả, có quyền tác giả, ghi bút danh trên tác phẩm khi tác phẩm được đưa ra biểu diễn, được bảo đảm quyền không cho người khác sao chép, sửa chữa. Còn quyền sở hữu tác phẩm của Tuần Châu Hà Nội gồm: cho in, sao tác phẩm, công bố, truyền tải tác phẩm tới công chúng thông qua các phương tiện điện tử.

Diễn biến vụ việc

Tháng 6/2017, đạo diễn Việt Tú ra mắt vở Ngày xưa. Anh cho biết đây là “vở thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam”. Vở diễn do công ty Tuần Châu Hà Nội đầu tư.

Cuối tháng 10/2017, vở Tinh hoa Bắc Bộ được ra mắt trên đúng địa điểm trước đó diễn ra vở Ngày xưa.

Tháng 3/2018, công ty Tuần Châu Hà Nội có đơn kiện buộc công ty của đạo diễn Việt Tú (DS) chuyển giao quyền chủ sở hữu, quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn thực cảnh trên và yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền hơn 6,2 tỷ đồng. 

Theo đại diện của Tuần Châu Hà Nội, ý tưởng biểu diễn thực cảnh là của chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu. Sau đó, Tuần Châu Hà Nội ký hợp đồng với Công ty DS của đạo diễn Việt Tú về tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng chương trình. Tuy nhiên, sau khi vở diễn Ngày xưa của Việt Tú hoàn thành và công diễn một thời gian ngắn, Tuần Châu Hà Nội nhận thấy vở diễn “không chạm đến trái tim người xem”, không đáp ứng được các yêu cầu về lợi ích của chủ đầu tư nên phối hợp với đạo diễn khác để sáng tạo nên tác phẩm Tinh hoa Bắc Bộ. 

Luật sư của Tuần Châu Hà Nội cáo buộc đạo diễn Việt Tú và Công ty DS cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu của Tuần Châu Hà Nội như tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn Ngày xưa.

Phía đạo diễn Việt Tú phủ nhận việc vi phạm hợp đồng. Anh cũng khẳng định Tinh hoa Bắc Bộ chỉ là tác phẩm phái sinh từ Ngày xưa do anh làm đạo diễn.  

5/2018, Công ty DS lại có đơn kiện ngược lại công ty Tuần Châu Hà Nội yêu cầu chấm dứt hành vi xâm hại bản quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn Ngày xưa. 

Ngày 14/3/2019, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiến hành xét xử vụ tranh chấp giữa Tuần Châu và đạo diễn Việt Tú.

Vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ một lúc nhận 2 chứng nhận Guinness Việt Nam
Vở diễn đã lập "cú đúp" Guinness với "Show diễn có sân khấu mặt nước lớn nhất Việt Nam" và "Show diễn có số lượng diễn viên là nông dân đông nhất Việt...
Phương Mai
Nguồn: thoidaiplus.suckhoedoisong.vn

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sân khấu kịch nói