Khi "nàng thơ" Hồng Hạnh đi lấy chồng, Trịnh Công Sơn đã rơi vào buồn bã, thất vọng.
Rất nhiều ca sĩ ôm đàn hát trên sân khấu, thế nhưng để gọi tên “người đàn bà ôm đàn hát tình ca” ở Việt Nam thì chắc chỉ nữ ca sĩ Hồng Hạnh mới xứng đáng với danh hiệu ấy.
Hơn 30 năm sống với nghề, mỗi khi Hồng Hạnh xuất hiện, khán giả vẫn luôn thấy nữ ca sĩ trung thành với một phong cách “ôm đàn hát” không thay đổi. Chỉ có điều, thời gian sau này, chị xuất hiện trên sân khấu không còn nhiều như trước vì bận rộn công việc gia đình, kinh doanh nhà hàng phụ ông xã. Thế nhưng, mỗi lần chị xuất hiện luôn khiến khán giả trầm trồ ngưỡng mộ, bởi độ chín muồi trong giọng ca, phong thái biểu diễn.
Khi liên lạc phỏng vấn, Hồng Hạnh hẹn tôi tại một quán cà phê nằm sát cạnh nhà chị trên đường Tú Xương, Q.3, TP.HCM. Trong không khí dịu dàng của một buổi chiều mát mẻ, trước mặt tôi, nữ ca sĩ Hồng Hạnh vang danh một thời, vẫn mái tóc xõa ngang vai, bộ đầm đen nhã nhặn khéo khoe dáng chuẩn, gương mặt xinh đẹp trẻ hơn rất nhiều so với tuổi khiến người đối diện phải khen thầm. Như một người bạn lâu năm gặp lại, nữ ca sĩ vui vẻ bắt đầu câu chuyện về chuyến lưu diễn tại Hà Nội vừa qua, đó là những đêm nhạc Trịnh đầy cảm xúc, gợi lại nhiều kỷ niệm khó quên.
Một bóng hồng trong cuộc đời của Trịnh Công Sơn
Có lẽ khán giả trong thế kỷ 20 đã quá quen thuộc với hình ảnh nữ ca sĩ Hồng Hạnh ôm đàn hát những bản tình ca lãng mạn, vì thế hình ảnh một cô ca sĩ bốc lửa những năm 1989 - 1990 chuyên trị những bài hát hip-hop, dance, nhạc Mỹ... tại các phòng trà, vũ trường là một điều ít ai nghĩ đến. Vào thời điểm vàng son đó, Hồng Hạnh là một tên tuổi “hot” đảm bảo việc giữ chân khách nghe nhạc nên chị luôn được xếp hát vào cuối chương trình. Cũng chính vì sức hút mãnh liệt ấy đã giúp chị có cơ duyên gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và có một bước ngoặt thay đổi vô cùng lớn trong sự nghiệp âm nhạc của mình.
Hồng Hạnh và hình ảnh người đàn bà ôm đàn hát.
Hồng Hạnh tâm sự rằng, Trịnh Vĩnh Trinh trong một lần về nước thăm gia đình, nghe kể về Hồng Hạnh nên đã mời Trịnh Công Sơn đến một câu lạc bộ xem chị biểu diễn. “Hôm khác, anh Sơn đi cùng một người bạn đến xem tôi biểu diễn. Trong lúc tôi đang say sưa hát, một khán giả đã chạy lên sân khấu thì thầm vào tai tôi bằng một giọng Huế: “Anh Trịnh Công Sơn khen cô hát hay quá”, rồi chạy xuống kiểu như đang rất phấn khích”. Sau đêm ấy, hầu như lịch diễn của Hồng Hạnh, Trịnh Công Sơn đều nắm rõ và thường xuyên đến xem chị biểu diễn ở nhiều nơi khác nhau. Có một lần, vị nhạc sĩ này đến xem chị diễn và đợi đến cuối giờ đưa cho chị một bài hát, Hồng Hạnh vội vàng vì người yêu (ông xã hiện tại) đang đợi nên nhét vào giỏ xách và không nhớ đến. Cho đến một lần khác, Trịnh Công Sơn nhờ người chuyển cho chị một mảnh giấy, mời chị đến nhà để tập hát và thu âm. “Sau lần này tôi biết anh Sơn nghiêm túc để ý đến giọng hát của mình và tôi đã tìm đến nhà anh”.
Nhắc đến chuyến đầu tiên ghé thăm nhà Trịnh Công Sơn, ca sĩ Hồng Hạnh kể lại một kỷ niệm vui diễn ra ngay khi vừa chạm mặt nhau: “Anh Sơn thấy người yêu chở đến bằng xe hơi, anh đùa với tôi là anh muốn tưới xăng đốt chiếc xe hơi quá! Khiến tôi bỗng dưng thẹn thùng”.
Cũng chính lần gặp gỡ này đã thay đổi định hướng âm nhạc của nữ ca sĩ. Trong lúc trò chuyện, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cầm lấy cây guitar vừa đánh đàn vừa bảo với chị: “Anh thấy em hát nhạc Mỹ nhiều quá, em chuyển sang hát nhạc Việt đi!”. Kèm với lời khuyên ấy, Trịnh Công Sơn tập cho Hồng Hạnh hai ca khúc mới sáng tác của ông đó là Hoa vàng mấy độ và Mưa mùa hạ. Ca khúc Hoa vàng mấy độ cũng từ đó gắn liền với tên tuổi nữ ca sĩ. Thành công của ca khúc này với giọng ca của Hồng Hạnh đã được minh chứng qua thời gian, dù ca sĩ nào có thể hiện thì dường như vẫn không vượt qua được sự da diết của giọng ca chị, giống như ca khúc chỉ viết riêng cho Hồng Hạnh vậy.
Hai ca khúc đầu tiên của dòng nhạc Trịnh vẫn chưa khiến Hồng Hạnh thay đổi quan điểm âm nhạc: “Tôi thấy lời khuyên này lạ lẫm quá, trong khi nhạc sôi động đang được ưa chuộng, tôi đang trẻ tuổi, thích sự cuồng nhiệt lẫn kiếm tiền. Vì thế, tôi vẫn không nghe theo anh, nhưng tôi thỉnh thoảng có chọn hát một vài bản trữ tình”.
Rồi sau nhiều lần giao lưu âm nhạc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn quyết định biên tập và thu âm riêng cho Hồng Hạnh một album cassette gồm 9 ca khúc của ông do nhạc sĩ Tùng Giang hòa âm. Đó là abum đầu tay, lại là album nhạc trữ tình chứ không phải dòng nhạc thành danh thời bấy giờ của Hồng Hạnh. Mặc dù cuộc sống của album khá ngắn ngủi nhưng là album khởi đầu, đánh dấu với khán giả một Hồng Hạnh hoàn toàn khác...
Hồng Hạnh chìm đắm cảm xúc trong các ca khúc.
Từ đó, Hồng Hạnh đến với nhạc trữ tình nhiều hơn, nhưng chỉ một năm sau đó, chị kết hôn với một doanh nhân người Nhật. Chị còn nhớ như in, ngày mang thiệp cưới đến mời người bạn âm nhạc: “Anh Sơn buồn bã, im lặng không nói một lời nào. Tôi không ngờ anh ấy buồn nhiều đến vậy, cảm giác như mất mát một điều gì đó. Thời điểm ấy, tôi còn trẻ nên không lường được tình huống này. Nơi sâu thẳm lòng mình, anh luôn xem tôi là nàng thơ trong âm nhạc của anh nên anh thất vọng”.
Sau khi kết hôn vào năm 1991, sinh con trai đầu lòng năm 1992, nữ ca sĩ vẫn đi hát ở nhiều tụ điểm ca nhạc tại Sài Gòn, vẫn là ca sĩ tên tuổi trong làng nhạc nhẹ với những bản tình ca lãng mạn và hình ảnh người đàn bà ôm đàn hát. Thỉnh thoảng chị vẫn hát nhạc Trịnh nhưng chỉ là góp nhặt. Sau đó lùi dần về phía sau sân khấu, lâu lâu mới tham gia hát và phát hành album nhưng không đáng kể. Hồng Hạnh tập trung vào kinh doanh, vì cảm thấy cuộc đời nghệ sĩ nhiều bấp bênh, không có sự bền vững.
Là một bóng hồng trong cuộc đời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhưng chị không bao giờ thể hiện điều đó. Nhiều ca sĩ phát hành album nhạc Trịnh nhưng chị vẫn im lặng. Mãi đến năm 2013, Hồng Hạnh mới chính thức kết hợp cùng nam ca sĩ Thái Hòa cho ra mắt album song ngữ Việt - Nhật có tựa Diễm xưa. Đó là một album gồm 10 ca khúc Trịnh được phối lại mới mẻ hoàn toàn, trong đó bao gồm hai ca khúc ngày đầu tiên chị làm quen với nhạc Trịnh. Album được đầu tư kỹ lưỡng đến từng chi tiết, đó là một album gợi nhắc nhiều kỷ niệm, album để tri ân mối duyên âm nhạc và cũng là món quà ý nghĩa dành tặng những ai đã trót yêu nhạc Trịnh, yêu Hồng Hạnh.
Làm dâu trong chính ngôi nhà cha mẹ đẻ của mình
Hồng Hạnh xuất thân trong một gia đình có nền tảng âm nhạc vững vàng, cha mẹ chị là cặp song ca lừng danh trước 1975 Nguyễn Hữu Thiết - Ngọc Cẩm. Nguyễn Hữu Thiết còn là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như Ai đi ngoài sương gió, Gửi người tôi yêu, Tìm mãi thương yêu, Mưa chiều nhớ nhau... Ngoài ra, chị gái của Hồng Hạnh là nữ ca sĩ Hồng Danh khá nổi tiếng vào những năm đầu 1980, ca sĩ Hồng Danh sau khi lập gia đình thì chính thức rút khỏi con đường ca hát mà chuyên tâm lo lắng việc gia đình.
Hồng Hạnh bên con trai.
Hồng Hạnh chia sẻ rằng, ngoài việc “làm dâu trăm họ” trên sân khấu, chị còn làm dâu trong chính gia đình của mình. Hồng Hạnh không chỉ hát cho khán giả thưởng thức, chị còn chịu sự đánh giá nghiêm khắc của gia đình, là những khán giả khó tính. Đó là lý do vì sao, giọng ca của chị luôn thăng hoa và phát triển: “Mỗi lần tôi chọn ca khúc biểu diễn, hay nghiên cứu một ca khúc nào đó đều được cha hướng dẫn. Hay khi tôi trình bày một ca khúc nào đó, cha luôn là người nhận xét thẳng thắn nhất để tôi có thể rút kinh nghiệm và có thể hát tốt hơn”.
Những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết từng được rất nhiều danh ca thể hiện như Khánh Ly, Lệ Thu... là những bậc tiền bối đi trước nên mỗi giọng ca đều có những nét hay riêng khó trộn lẫn. Thế nhưng, với những sáng tác của cha mình, có lẽ Hồng Hạnh là người hiểu nhất và thể hiện thành công nhất tại thị trường âm nhạc trong nước.
Ngoài những album phát hành dành riêng cho dòng nhạc của cha mình, nữ ca sĩ còn tổ chức những đêm nhạc để có dịp chia sẻ và ôn lại những kỷ niệm, sáng tác của ông. Live show Tìm mãi thương yêu tổ chức năm 2005 thành công rực rỡ là một ví dụ điển hình. Trong đêm nhạc, những người bạn thân thiết một thời của chị đều tham dự như Diễm Hương, Mộng Vân... Chị cũng đồng thời ra mắt album cùng chủ đề liveshow được đông đảo khán giả đón nhận.
Cha mẹ, chị gái là người truyền cảm xúc, lửa đam mê trong chị khi đến với âm nhạc: “Tôi hát nhạc của rất nhiều nhạc sĩ, nhưng có lẽ nhạc của cha mình là tôi gần gũi và hiểu nhất. Tôi không phải hát vì nghĩa vụ, một người ca sĩ khi trình bày một sáng tác nào đó phải có sự yêu thích và cảm xúc. Những cảm xúc phải xuất phát từ con tim chứ không gò ép được”.
Sau khi nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết qua đời, ca sĩ Hồng Hạnh như bị chới với trong âm nhạc, chị thu mình hơn trước ánh đèn sân khấu. Cảm giác thân quen khi luôn có cha bên cạnh nhắc nhở, bảo ban chị mỗi khi về nhà sau giờ biểu diễn khó có thể thay thế được bằng một điều gì khác. Thiếu vắng cha, đó cũng là một trong những lý do chị ít khi nhận lời tham gia biểu diễn ca nhạc tại các tụ điểm sân khấu.
Thêm những bài viết về Trịnh Công Sơn: 10 tình khúc bất hủ Khánh Ly - Trịnh Công Sơn Khánh Ly ngậm ngùi viếng mộ Trịnh Công Sơn |