Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm, gây dị tật thai nhi không?

Ngày 12/02/2020 16:00 PM (GMT+7)

Bà bầu bị sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tới thai nhi và sức khỏe của mẹ, đặc biệt là ở mấy tháng đầu và trong những tuần cuối của thai kỳ.

Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do muỗi vằn Aedes truyền bệnh sang cơ thể người. Tình trạng sốt là phản ứng của cơ thể khi bị virus xâm nhập và gây nên sốt cao kèm theo các biểu hiện xuất huyết. Bà bầu bị sốt xuất huyết cần phải được phát hiện sớm và có những biện pháp xử lý kịp thời hạn chế ảnh hưởng của bệnh. 

5 biến chứng có thể xảy ra khi bà bầu bị sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Khi mang thai bị bệnh, virus có thể truyền sang cho con và gây nên nhiều những biến chứng nguy hiểm. Những biến chứng nguy hiểm của bệnh đối với mẹ và bé đó là:

Suy giảm tiểu cầu

Một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh sốt xuất huyết là sự sụt giảm mức độ tiểu cầu. Hiện tượng này có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng của cả mẹ và con. Tiểu cầu giảm thể nặng có thể phát triển những biến chứng khi áp dụng những thủ thuật khi sinh như gây tê màng cứng, gây mê toàn thân vô cùng nguy hiểm.

Sinh non

Khi bà bầu bị sốt xuất huyết trong giai đoạn mang thai từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 6 (tam cá nguyệt thứ 1 và thứ 2), trẻ sẽ có nguy cơ cao bị sinh non. Ngoài ra, trẻ còn bị thiếu cân, nhẹ cân thậm chí là có thể tử vong nếu mẹ bị nặng.

Sảy thai

Sốt xuất huyết làm nhiệt độ cơ thể tăng cao, mất nước dài ngày hoặc gây tổn thương đến chức năng gan, thận. Vì thế mà bệnh có thể gây suy thai, đẻ non hoặc thai chết lưu. Đặc biệt, khi mang thai 3 tháng đầu bị sốt xuất huyết tỷ lệ sảy thai rất cao.

Xuất huyết

Ở thể nặng, bệnh có thể gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng vào gan, thận, thậm chí xuất huyết não dẫn đến tử vong. Ngoài ra, nếu thai phụ bị sốt xuất huyết khi chuyển dạ sẽ hết sức nguy hiểm vì có thể dẫn đến tình trạng chảy máu kéo dài, dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi

Tiền sản giật

Mẹ bầu có nguy cơ cao bị tiền sản giật nếu bị sốt xuất huyết. Tiền sản giật có 3 triệu chứng cơ bản là: tăng huyết áp, protein niệu và phù.

Ngoài ra, nhiều người phụ nữ mang thai lo lắng không biết liệu sốt xuất huyết có gây dị tật thai nhi hay không. Cần phải khẳng định rằng sốt xuất huyết chỉ lây truyền cho thai nhi khi mẹ mang thai ở giai đoạn cuối thai kỳ. Tuy nhiên, khả năng thai nhi bị mắc virus này là rất thấp và cho tới nay vẫn chưa có kết luận đầy đủ về dị tật cho trẻ khi mẹ mang bầu bị sốt xuất huyết.

Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm, gây dị tật thai nhi không? - 1

Khi bị sốt xuất huyết lúc mang bầu rất nguy hiểm. (Ảnh minh họa)

Dấu hiệu bà bầu bị sốt xuất huyết 

Những biến chứng của bệnh sốt xuất huyết có thể xảy ra là rất nguy hiểm đối với mẹ và em bé. Việc phát hiện sớm để điều trị bệnh kịp thời sẽ giúp giảm thiểu những nguy cơ có hại. Vì thế, việc nhận biết các triệu chứng của bệnh rất quan trọng trọng. Những dấu hiệu mang bầu bị sốt xuất huyết:

- Sốt cao kèm theo chân tay run rẩy

- Chảy máu chân răng 

- Đau đầu dữ dội

- Tê nhức khắp người

- Buồn nôn, nôn mửa liên tục

- Chảy máu chân răng 

- Cơ thể bị mất nước, ăn uống không ngon miệng 

- Có thể thấy phần trên xuất hiện các mẩn đỏ

Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm, gây dị tật thai nhi không? - 2

Cơ thể mẹ bầu có thể xuất hiện các nốt ban đỏ. (Ảnh minh họa)

Sốt xuất huyết khi mang thai phải làm sao?

Khi mang bầu bị sốt xuất huyết rất nguy hiểm và ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe mẹ và bé. Tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc tại nhà. Mẹ bầu cần:

Đi khám bác sĩ

Khi thấy cơ thể sốt cao, run rẩy, đau đầu dữ dội… không tự ý dùng thuốc mà phải lập tức tới cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra cách điều trị phù hợp nhất. Nếu được chỉ định nằm viện cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ. Nếu được chỉ định điều trị tại nhà mẹ bầu có thể về và thực hiện uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. 

Bà bầu bị sốt xuất huyết có nguy hiểm, gây dị tật thai nhi không? - 3

Không tự ý dùng thuốc, cần đến cơ sở y tế để được điều trị. (Ảnh minh họa)

Uống nhiều nước

Một điều cực kỳ quan trọng trong việc điều trị sốt xuất huyết là khuyến khích người bệnh uống nhiều nước. Bà bầu cần tăng cường điện giải, bù nước cho cơ thể, uống 1,5  - 2l nước một ngày. Xen kẽ giữa nước lọc và các loại nước trái cây có nhiều vitamin C, uống sữa, nước ép rau củ…Đặc biệt, sau tháng thứ 3 của thai kỳ thì mẹ bầu có thể uống nước dừa, rất tốt cho sức khỏe.

Nghỉ ngơi, thư giãn

Khi bị sốt xuất huyết, mẹ bầu cần nghỉ ngơi tại giường, hạn chế đi lại ở mức tối đa. Ngoài ra, mẹ cần giữ tâm trạng thoải mái, tránh lo âu, căng thẳng và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Thông thường các bác sĩ sẽ không chỉ định bỏ thai nhi khi bà bầu bị sốt xuất huyết. Vì thế mà chị em nếu mắc bệnh thì cũng không cần phải quá lo lắng, sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân và em bé.

Bà bầu bị sốt xuất huyết nên ăn gì?

Khi mang thai cơ thể người mẹ yếu hơn người bình thường nên bị sốt xuất huyết rất nguy hiểm. Ngoài việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ thì việc bổ sung dinh dưỡng là điều cần thiết. Bà bầu bị sốt xuất huyết nên ăn, uống khoa học, đa dạng để đảm bảo sức khỏe. 

- Ăn các thực phẩm dạng lỏng, dễ tiêu hóa như cháo, súp…

- Ăn thêm các loại rau xanh, quả tươi để tăng cường sức đề kháng tự nhiên như: dưa chuột, cà rốt, súp lơ xanh, cải bó xôi…

- Mẹ bầu cũng nên ăn thêm các loại thực phẩm chứa nhiều sắt, có thể kể đến như: thịt bò, các loại đậu, cá hồi, hải sản, bí ngô, củ cải đỏ…

- Tránh ăn các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ngọt hoặc cay nóng.

Lưu ý: Khi bị sốt xuất huyết bà bầu không nhất thiết phải ăn quá nhiều, ăn vừa đủ với nhu cầu ăn bình thường hoặc có thể ăn ít hơn nhưng cần đầy đủ chất. 

Phòng tránh sốt xuất huyết khi mang bầu

Khi mang bầu sức đề kháng rất kém nên các mẹ cần chú ý bảo vệ sức khỏe, phòng tránh bệnh là tốt nhất. 

Diệt muỗi trong khu vực sống

- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, đảm bảo các dụng cụ chứa nước như bình cắm hoa, chậu cây thủy sinh...phải được đậy kín, vệ sinh thường xuyên.

- Dọn khu vực sống xung quanh nhà sạch sẽ.  

- Sử dụng thuốc đuổi muỗi xung quanh khu vực sinh sống, nhà ở. 

- Sử dụng vợt muỗi. 

Ngăn muỗi tiếp xúc với da

- Mắc màn khi ngủ kể cả vào ban ngày. Nên ưu tiên màn có các hợp chất đuổi muỗi tốt cho mẹ bầu.

- Nên mặc quần áo sáng màu, dài tay để đề phòng muỗi đốt.

- Nếu có thể thì nên bật điều hòa trong phòng vì muỗi sẽ tránh xa nơi có không khí lạnh.

- Mẹ bầu nên ở trong nhà vào lúc sáng sớm hoặc chiều muộn vì đây là thời điểm muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết hoạt động nhiều.

- Sử dụng màn, rèm che hoặc lưới chống muỗi ở khu vực cửa sổ và cửa ra vào. 

Những thói quen mặc đồ không tốt cho bà bầu, ảnh hưởng đến cả thai nhi
Việc tránh đi giày cao gót là điều mẹ bầu nào cũng biết nhưng thực tế loại giày đế phẳng, mỏng cũng không hề tốt.

Theo Hường Cao (T/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chăm sóc bà bầu