Khi mang thai, hệ thống miễn dịch bị suy yếu khiến bà bầu dễ bị cảm nhưng không phải loại thuốc nào cũng an toàn khi sử dụng. Dưới đây là một số cách trị cảm cho bà bầu không cần dùng thuốc nhưng vẫn hiệu quả và an toàn.
Hệ thống miễn dịch suy giảm dễ khiến bà bầu bị cảm với các triệu chứng khó chịu như chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt xì, mệt mỏi, ho khan, sốt nhẹ,... Thông thường, các triệu chứng này sẽ kéo dài khoảng 10-14 ngày, nhưng sau đó bà bầu vẫn có thể bị tái đi tái lại nhiều lần.
Mặc dù thuốc có thể làm giảm các triệu chứng của cảm một cách nhanh chóng nhưng một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi. Vì vậy, chị em nên tìm hiểu một số cách trị cảm cho bà bầu bằng phương pháp tự nhiên.
Cách trị cảm cho bà bầu có hiệu quả hay không còn phù thuộc vào bệnh của mẹ nặng hay nhẹ. Ảnh minh họa
Cách giải cảm cho bà bầu không cần dùng thuốc
1. Súc miệng bằng nước muối
Súc miệng bằng nước muối ấm pha loãng có thể làm giảm các triệu chứng đau rát họng và làm dịu cơn ho. Ngoài ra, rửa mũi bằng nước muối thường xuyên cũng giúp giảm sổ mũi, nghẹt mũi.
2. Chanh đào mật ong
Hòa một thìa chanh đào ngâm mật ong hoặc đường phèn vào nước ấm để uống có thể giúp mẹ bầu giảm cơn ho hiệu quả. Nếu không có sẵn chanh ngâm, mẹ bầu có thể chưng chanh đào với mật ong và ăn nhiều lần trong ngày, hoặc pha một thìa mật ong cùng nước cốt chanh vào ly nước ấm để uống. Cả mật ong và chanh đều có tính sát khuẩn cao, giúp giảm ho, rát họng.
3. Sử dụng tỏi
Tỏi có chứa thành phần chất kháng sinh allincin cùng tinh dầu tỏi gồm glucogen, aliin, fitonxit, có tác dụng chống lại các virus gây bệnh, diệt khuẩn, sát trùng và chống viêm nhiễm. Ngoài ra, tỏi còn rất giàu vitamin và khoáng chất rất tốt cho bà bầu.
Do đó, khi bị cảm, bà bầu hãy thêm tỏi vào các món ăn, hoặc giã tỏi và cho vào nước nóng để xông mũi nhiều lần trong ngày. Nếu muốn tác dụng nhanh hơn, bà bầu có thể giã tỏi sống hòa vào nước ấm để uống.
4. Giữ ẩm không khí
Khi bị cảm, không khí hanh khô sẽ khiến cổ họng và mũi của bà bầu cảm thấy khó chịu hơn. Sử dụng máy phun sương hoặc máy làm ẩm không khí vào ban đêm sẽ giúp bà bầu dễ chịu hơn, ngủ ngon hơn.
5. Uống nhiều nước
Khi bị cảm, mẹ bầu nên uống nhiều nước hơn. Ảnh minh họa
Sốt, hắt hơi, sổ mũi sẽ khiến cơ thể mẹ bầu dễ bị mất nước, vì vậy uống đủ nước khi bị cảm là rất quan trọng đối với mẹ bầu. Uống nhiều nước ấm, bổ sung thêm một ly trà gừng hoặc súp nóng không chỉ giúp mẹ bầu bổ sung nước cho cơ thể mà còn làm thuyên giảm các triệu chứng của cảm.
6. Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C
Các thực phẩm giàu vitamin C có thể làm tăng cường hệ thống miễn dịch của bạn một cách tự nhiên, từ đó có tác dụng ngăn ngừa và giải cảm cho bà bầu. Một số thực phẩm giàu vitamin C bao gồm trái cây họ cam quýt, xoài, cà chua, súp lơ xanh,....
7. Tập thể dục nhẹ nhàng
Nếu không sốt hoặc ho hay cảm thấy quá khó chịu, mẹ bầu nên tập một vài động tác nhẹ nhàng. Điều này không chỉ làm tăng hệ miễn dịch mà còn giúp mẹ bầu thoải mái, dễ chịu hơn khi bị cảm.
Bà bầu bị cảm uống thuốc gì?
Ngoài những cách trị cảm cho bà bầu kể trên, bà bầu vẫn có thể sử dụng thuốc để làm giảm các triệu chứng khó chịu. Dưới đây là danh sách những loại thuốc cảm được cho là an toàn trong thai kỳ:
- Acetaminophen: Nếu bị sốt hoặc đau đầu, bà bầu có thể sử dụng các loại thuốc chứa Acetaminophen trong thời gian ngắn.
- Thuốc trị ho: Thuốc giảm đau (như Mucinex), thuốc giảm ho (như Robitussin hoặc Vicks Formula 44), dầu bôi ấm ngực (như Vicks Vapo Rub) cũng như hầu hết các loại thuốc trị ho đều được coi là an toàn khi mang thai. Thế nhưng, bạn hãy hỏi bác sĩ về liều lượng.
- Một số thuốc xịt mũi: Hầu hết các loại thuốc xịt mũi có chứa steroid đều tốt khi sử dụng trong thai kỳ. Chúng có thể làm sạch mũi và giữ ẩm cho mũi, nhưng bà bầu hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về nhãn thuốc và liều lượng sử dụng.
- Một số thuốc kháng histamine: Benadryl và Claritin đều có thể sử dụn để trị cảm khi mang thai nhưng hãy nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng. Một số bác sĩ sẽ khuyên tránh xa những thuốc đó trong 3 tháng đầu.
Một số loại thuốc trị cảm vẫn an toàn khi mang thai nhưng tốt nhất mẹ bầu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Ảnh minh họa
Các loại thuốc nên tránh khi mang thai
- Một số thuốc giảm đau và hạ sốt: Các nghiên cứu cho thấy, sử dụng thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen (Motrin hoặc Advil) và naproxen (Aleve) khi mang thai, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ ba có thể gây ra các biến chứng thai kỳ như bé nhẹ cân, sinh non.
- Hầu hết các loại thuốc thông mũi: Nếu bị cảm khi mang thai, mẹ bầu nên tránh xa các loại thuốc thông mũi như Claritin-D, Sudafed hoặc DayQuil.
Khi nào mẹ bầu bị cảm cần đi khám?
Nếu gặp phải một trong những dấu hiệu dưới đây, mẹ bầu nên tới bệnh viện để thăm khám, tránh gặp phải các biến chứng:
- Sốt trên 38,5 độ C
- Tình trạng cảm đủ nghiêm trọng gây ảnh hưởng tới giấc ngủ và bữa ăn
- Ho ra chất nhầy màu xanh lá cây hoặc màu vàng
- Đau thắt ngực khi ho và thở khò khè
- Các xoang đau nhói
- Nếu triệu chứng cảm kéo dài hơn 14 ngày thì có thể cảm đã tiến triển thành nhiễm trùng thứ cấp và mẹ bầu cần phải uống thuốc theo toa của bác sĩ.
Những cách trị cảm cho bà bầu có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào mẹ bị bệnh nặng hay nhẹ, có gặp phải các triệu chứng khác không. Khi mang thai, tốt nhất mẹ nên tránh tới chỗ đông người, tiếp xúc với người mắc bệnh để giảm nguy cơ mắc bệnh.