Hiểu đúng về việc sử dụng các chất gây nghiện và cai nghiện sẽ giúp xã hội có cái nhìn toàn diện hơn về việc giúp đỡ những người đang gặp phải rối loạn sử dụng chất gây nghiện (SUD).
Chất gây nghiện là gì?
Chất gây nghiện nói chung là bất kỳ chất nào khi vào cơ thể của một sinh vật sống có thể làm thay đổi chức năng bình thường của cơ thể đó theo hướng tạo ra sự phụ thuộc của cơ thể với chất đó hoặc gia tăng cảm giác thèm thuồng, ghiền, nghiện ở các mức độ khác nhau.
Chất gây nghiện nói chung thường chỉ chất gây nghiện tiêu khiển, những chất hóa học có ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh trung ương, như opioid hoặc chất gây ảo giác. Chất gây nghiện có thể được dùng để tạo cảm nhận về tác động có lợi lên nhận thức, ý thức, nhân cách và hành vi của người dùng.
Hiện nay, có khá nhiều chất gây nghiện, các thành phần chất gây nghiện khác nhau sẽ gây ảnh hưởng khác nhau lên hệ thần kinh cũng như sức khỏe của người dùng. Hiểu đúng về việc sử dụng các chất gây nghiện và cai nghiện sẽ giúp xã hội có cái nhìn toàn diện hơn về việc giúp đỡ những người đang gặp phải rối loạn sử dụng chất gây nghiện (SUD).
(Ảnh minh hoạ).
Dưới đây là 7 quan niệm sai lầm về việc sử dụng chất gây nghiện:
1. Có thể tự cai nghiện
Một trong những hiểu lầm phổ biến nhất là việc người nghiện có thể tự cai nghiện nếu họ có đủ ý chí. Trên thực tế, nghiện là một bệnh lý phức tạp, ảnh hưởng đến cả não bộ và cơ thể.
Charles Westfall - Bác sĩ tại Trung tâm Sharp McDonald cho biết: “Não của người mắc chứng rối loạn chất gây nghiện sẽ bị thay đổi, làm ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng đưa ra quyết định. Do đó, họ thường hành động dựa trên thói quen mà không có suy nghĩ rõ ràng”.
Theo đó, các chất gây nghiện như rượu, ma túy hay nicotine tác động mạnh mẽ đến hệ thống dopamine – hệ thống khen thưởng của não, khiến người nghiện rơi vào vòng luẩn quẩn, cố gắng tìm kiếm khoái cảm từ chất gây nghiện để ngăn sự khó chịu khi thiếu thuốc.
Một số người nghiện có thể tự ý bỏ thuốc trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc duy trì trạng thái này mà không có sự hỗ trợ từ bác sĩ thường rất khó khăn và không lâu dài.
2. Cai nghiện đột ngột không gây chết người
Đúng là cai nghiện đột ngột có thể không gây nguy hiểm đối với chất gây nghiện như nicotine. Tuy nhiên, việc ngưng sử dụng đột ngột các chất gây nghiện mạnh như: rượu, heroin hoặc thuốc an thần có thể đe dọa đến tính mạng.
Đặc biệt là đối với những người nghiện rượu nặng hoặc sử dụng các chất ma túy trong thời gian dài, cơ thể không kịp thích nghi, dẫn đến các triệu chứng nguy hiểm như: động kinh, suy tim, ảo giác,... trong một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong.
Đối với nghiện rượu, hội chứng cai rượu (Alcohol Withdrawal Syndrome) là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất. Các triệu chứng có thể bao gồm: run rẩy, lo âu, nhịp tim nhanh,... Nghiêm trọng hơn là tình trạng ảo giác hoặc mất ý thức. Vì vậy, quá trình cai nghiện nên được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của các bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo sự an toàn cho người bệnh.
3. Nghiện rượu khác với nghiện ma túy
Dù có khác biệt về bản chất chất gây nghiện, song cả hai đều là hình thức của rối loạn sử dụng chất gây nghiện (SUD), có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng tương tự như nhau.
Nghiện rượu thường phát triển từ từ và không được phát hiện sớm. Bởi lẽ, người uống rượu có thể duy trì các hoạt động xã hội trong một thời gian dài mà không gặp phải hậu quả hay cản trở nào quá lớn.
Tuy nhiên, cũng giống như nghiện ma túy, nghiện rượu có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: tổn thương gan, viêm tụy, bệnh tim, và các rối loạn tâm thần. Điều trị nghiện rượu và nghiện ma túy đều cần các phương pháp tiếp cận chuyên biệt, bao gồm liệu pháp tâm lý, thuốc hỗ trợ và theo dõi y tế.
Nghiện rượu và nghiện ma túy đều là các hình thức của rối loạn sử dụng chất gây nghiện. (Ảnh minh họa).
4. Khi tình trạng xấu đi mới bắt đầu điều trị
Một khi phát hiện cơ thể có dấu hiệu của chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện, việc điều trị bắt đầu càng sớm thì cơ hội phục hồi càng cao. Việc trì hoãn điều trị không chỉ làm tăng nguy cơ tổn hại sức khỏe mà còn khiến quá trình phục hồi khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, nghiện còn dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tinh thần và thể chất khác, bao gồm: lo âu, trầm cảm, suy giảm chức năng gan, tổn thương hệ thần kinh và nguy cơ mắc các bệnh mạn tính.
Nếu không được điều trị kịp thời, những tổn thương này có thể không thể phục hồi hoàn toàn. Do đó, ngay khi có dấu hiệu nghiện ngập, người nghiện cần tìm kiếm sự hỗ trợ để bắt đầu quá trình cai nghiện.
6. Tái nghiện thì không thể phục hồi
Nghiện được xem là một căn bệnh mạn tính, do đo, tái nghiện không phải là dấu hiệu thất bại mà là một phần tự nhiên trong quá trình cai nghiện. Việc quay lại sử dụng chất gây nghiện sau một thời gian ngừng sử dụng không có nghĩa là "vô phương cứu chữa". Ngược lại, tái nghiện là cơ hội để hiểu rõ hơn về những yếu tố gây ra nghiện và tìm cách cải thiện phương pháp điều trị.
7. Vẫn còn làm việc được là chưa nghiện
Nhiều người tin rằng nếu họ vẫn có thể làm việc và duy trì cuộc sống bình thường thì họ không phải là người nghiện. Tuy nhiên, nghiện có nhiều mức độ và thường không biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu. Chính vì vậy, nhiều người nghiện vẫn có thể thực hiện các công việc bình thường trong một thời gian dài trước khi các triệu chứng nghiêm trọng bắt đầu xuất hiện.
Nghiện có thể âm thầm phát triển và ảnh hưởng đến nhiều của cuộc sống bao gồm: quan hệ gia đình, xã hội và sức khỏe tâm thần. Đợi đến khi không còn khả năng làm việc mới nhận ra mình nghiện là quá muộn. Vì vậy, việc nhận diện sớm các dấu hiệu và triệu chứng của nghiện là điều quan trọng để tìm kiếm sự giúp đỡ kịp thời.