Nhập viện tâm thần vì hoang tưởng mắc ung thư

Ngày 05/06/2024 08:51 AM (GMT+7)

Hà Nội - Lo sợ bị ung thư, Nhung, 35 tuổi, cách ba tháng một lần đi chụp chiếu, xét nghiệm, áp dụng phương pháp ăn thực dưỡng cực đoan.

Người phụ nữ ở Thường Tín, thường xuyên cảm thấy đau tức ngực, da vùng quanh vú nhăn nheo. Từng có chị gái qua đời vì ung thư vú, Nhung lo sợ bản thân cũng bị bệnh này. Hằng ngày, cô vào mạng đọc các thông tin về căn bệnh, hoảng sợ khi phát hiện những thay đổi nhỏ trên cơ thể.

Nhung đến một bệnh viện làm các xét nghiệm tầm soát, kết quả bình thường nhưng tâm lý vẫn bất ổn. Cô tiếp tục đi khám thêm 3 cơ sở y tế khác nhau để đối chiếu, sau đó cách ba tháng đi kiểm tra một lần. Những đợt thăm khám khiến người phụ nữ mệt mỏi, mất ngủ, lo âu, tổn hại kinh tế lẫn sức khỏe tinh thần.

Không những vậy, cô còn áp dụng ăn thực dưỡng cực đoan, thực đơn chỉ có rau củ quả sạch. Kiên trì được ba tháng, Nhung bị suy dinh dưỡng, ngất tại nhà, phải nhập viện điều trị nâng cao thể trạng.

Cũng lo lắng mắc bệnh nan y, 6 tháng gần đây, anh Sơn thường xuyên đến các cơ sở y tế xin chụp chiếu, kiểm tra da để tìm tổn thương. Một nốt ruồi xuất hiện trên cổ, người đàn ông lo sợ có thể là mối nguy cảnh báo ung thư da. Đôi lúc chán ăn, đầy bụng, anh lo sợ bị ung thư đại trực tràng.

Dù các xét nghiệm, chụp phim và khám lâm sàng cho kết quả bình thường, người đàn ông vẫn không tin. Nỗi sợ khiến anh mệt mỏi, căng thẳng, cơ thể suy nhược, sụt cân, tự tìm thầy cắt thuốc nam uống phòng bệnh.

Bác sĩ Thu thăm khám một bệnh nhân. Ảnh: Phương Thảo

Bác sĩ Thu thăm khám một bệnh nhân. Ảnh: Phương Thảo

Đây là hai trong nhiều trường hợp mắc chứng rối loạn lo âu bệnh tật (illness anxiety disorder), nhập Bệnh viện Tâm thần Mai Hương. Bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc, cho biết người bệnh tin bản thân đang mắc một căn bệnh mặc dù các bằng chứng y khoa đều ngược lại. Hoang tưởng nghi bệnh thường liên quan đến bệnh ung thư, bệnh da liễu hoặc hình dạng của các phần cơ thể. Bệnh gặp trong các rối loạn trầm cảm và tâm thần phân liệt, hiện Việt Nam chưa có thống kê chính thức về số ca mắc.

Người bệnh luôn cảnh giác với mọi vấn đề sức khỏe, kiểm tra nhiều lần các dấu hiệu trên cơ thể, không tin tưởng chẩn đoán của bác sĩ. Nhiều người chi cả trăm triệu đồng đi khám liên tục để an tâm hoặc ngược lại, không đi khám vì sợ phát hiện bản thân mắc bệnh nặng. Một số khác nói quá nhiều hoặc lên mạng tìm hiểu thông tin, dẫn đến triệu chứng lo lắng và hoang tưởng nặng nề hơn.

Nguyên nhân góp phần ảnh hưởng chứng rối loạn lo âu bệnh tật có thể là trải nghiệm cá nhân hoặc do niềm tin. "Người thân hoặc đôi khi chính họ từng trải qua bệnh tật dẫn đến ám ảnh", bác sĩ nói.

Nghiên cứu được công bố vào tháng 12 trên Tạp chí Tâm thần học JAMA cho thấy những người được chẩn đoán mắc rối loạn lo âu bệnh tật có nguy cơ tử vong cao hơn 84% so với người không mắc chứng này vì hàng chục bệnh, đặc biệt là các bệnh về tim, máu và phổi, cũng như tự tử. Nhà nghiên cứu David Mataix-Cols nói trên Washington Post rằng đây là nghịch lý: "Họ lo lắng quá nhiều về sức khỏe và cái chết, rồi cuối cùng họ lại có nguy cơ tử vong cao hơn".

Người bệnh trải qua rất nhiều đau khổ và vô vọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lao động, hoạt động hằng ngày, tài chính cũng như các mối quan hệ cá nhân. Việc lo lắng mãn tính có thể gây các chứng viêm và bệnh tật trong cơ thể, hoặc nguy cơ trầm cảm, lạm dụng rượu, thuốc, và tự sát.

Các chuyên gia tâm lý nhìn nhận sợ bệnh ung thư là tâm lý chung của mọi người và có ý thức phòng bệnh là tốt. Tuy nhiên, không nên lo lắng thái quá, phòng bệnh một cách thiếu khoa học, bị lôi kéo vào các hội nhóm tiêu cực càng làm cho chứng rối loạn tâm thần nghiêm trọng.

Để ngăn ngừa ung thư, mọi người nên nâng cao hệ miễn dịch bằng cách ăn thực phẩm lành mạnh, chọn rau củ quả mọng như củ cải đường, cần tây, cà rốt, lựu. Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, duy trì cân nặng hợp lý và tránh béo phì, tập thể dục hằng ngày, thiền, chánh niệm để giảm căng thẳng.

Còn với người mắc hoang tưởng bị bệnh, trị liệu tâm lý (liệu pháp hành vi nhận thức CBT) là lựa chọn tối ưu. Trong thời gian đầu, bác sĩ sẽ đồng hành cùng bệnh nhân để nâng cao tư duy phản biện. Sau đó, gia đình, người thân nên sát cánh bên người bệnh để hỗ trợ họ thoát tâm lý sợ hãi mắc ung thư.

Chỉ ai thiếu ý chí mới mắc bệnh tâm thần? Bài trắc nghiệm tiết lộ bạn là ai khi nhắc tới sức khỏe tinh thần
Liên quan tới sức khỏe tâm lý, hiện còn nhiều thái độ tiêu cực và hiểu lầm khiến không ít người lơ là hoặc đối mặt với sự kỳ thị, không dám tìm sự hỗ...

Mental Health

Theo Thúy Quỳnh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sức khỏe tâm thần