Với nhiều người, thai sẽ đi vào buồng tử cung sau khi thụ tinh nhưng ở những phụ nữ này, thai lại bám ở các vị trí không đúng như vòi trứng, góc tử cung, cổ tử cung, buồng trứng, ổ bụng...
Thai "lạc" lên tận lá lách
Theo các bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội), hôm 4/12/2017, bệnh viện này đã tiếp nhận 1 bệnh nhân chậm kinh 1 tuần đến khám sau khi đã thử và xác định có thai bằng que thử nước tiểu. Nhưng qua siêu âm, bác sĩ không thấy khối thai trong tử cung cũng như ở các vị trí thông thường nếu chửa ngoài tử cung.
Sau quá trình hội chẩn, bệnh viện đã xác định khối thai nằm ở vùng trung tâm của lá lách bệnh nhân và buộc phải phẫu thuật tránh khối thai bị vỡ gây nguy hiểm tính mạng.
Thực tế, thai chửa ngoài tử cung hay nằm ở phần vòi trứng hoặc các vị trí xung quanh, rất ít khi lạc lên cao đến tận lá lách. Do lá lách có thể tái tạo nên sau khi cắt để lấy khối thai, phần lách bệnh nhân sẽ tự tái tạo lại. Sau khi điều trị, bệnh nhân đã được xuất viện.
Các bác sĩ cũng cho biết, đây là trường hợp đầu tiên thai ngoài tử cung lạc đến lá lách ở Việt Nam. Và thế giới hiện cũng chỉ có 9 trường hợp tương tự được ghi nhận.
BS kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân sau phẫu thuật
Thai lạc lên tận cuống gan
Sáng ngày 30/8/2016, bệnh nhân B.T.B.T (sinh năm 1998, ngụ tại Kiên Giang) đã ổn định sức khỏe hoàn toàn và được các bác sĩ của Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) cho xuất viện.
Chị B.T được Bệnh viện Kiên Giang chuyển đến để theo dõi thai ngoài tử cung bên phải. Trước đó, bệnh viện này đã tiến hành mở ổ bụng để tìm cách loại bỏ khối thai, nhưng không thể tìm thấy. Lo sợ tính mạng bệnh nhân bị đe dọa bởi tình trạng xuất huyết nội do vỡ thai ngoài tử cung, họ đã chuyển viện chị B.T. đến Bệnh viện Từ Dũ.
Tại Bệnh viện Từ Dũ, bệnh nhân được nội soi ổ bụng, phát hiện 150ml máu nhưng không thấy khối thai đâu, trong khi nồng độ beta hCG vẫn tăng dần. Bệnh nhân được tiến hành nhiều biện pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh khác, cho đến khi kết quả MRI vào ngày 23/8 cho thấy có khối bất thường đường kính 60mm ở mặt dưới phân thùy giữa gan trái, ép vào thùy đuôi của gan và có thể làm tổn thương động mạch chủ bụng.
Chị B.T đã trải qua một cuộc phẫu thuật nội soi phức tạp với ê kíp gồm 9 y bác sĩ, kỹ thuật viên, lấy ra khối thai nằm ở vị trí rất “hiểm”: sau phúc mạc, sau cuống gan, gần các mạch máu lớn. Theo các chuyên gia, nếu không được phẫu thuật kịp thời, những gai nhau có thể xuyên thấu gan hoặc các mạch máu, đâm vào cuống gan làm tổn thương mạch máu, ống tụy bên trong… và khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.
Theo các bác sĩ, trong các ca thai ngoài tử cung (vốn có tỉ lệ khoảng 0,45 – 1% các ca mang thai) thì có đến 97% thai nằm ở vị trí vòi trứng. 3% còn lại là các vị trí khác như cổ tử cung, sẹo mổ, ổ bụng, buồng trứng, gan, thận… Trong đó, thai nằm ở khu vực gan là cực kỳ hiếm gặp, khó xử lý và rất nguy hiểm cho bệnh nhân.
Chị B.T. được kiểm tra sức khỏe lại lần cuối trước khi xuất viện.
Thai đi lạc nằm ở dây chằng rộng bên phải tử cung
Ngày 29/8, tại Bệnh viện Từ Dũ cũng tình cờ gặp một ca thai ngoài tử cung đi lạc hiếm gặp nữa. Đó là thai nằm ở dây chằng rộng bên phải tử cung. Bệnh nhân này đã từng có thai ngoài tử cung và từng cắt bỏ vòi trứng bên phải. Tuy không quá phức tạp như trường hợp thai nằm ở gan, nhưng tính mạng của bệnh nhân cũng bị đe dọa vì chị đã trễ kinh 17 ngày, có nguy cơ vỡ rất cao.
Ê kíp trực đã phải quyết định mổ cho bệnh nhân ngay trong đêm và rất may mắn là sức khỏe của bệnh nhân ổn định.
Vì sao thai lại đi lạc và những nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời thai lạc chỗ
Thai lạc chỗ hay còn gọi là thai ngoài tử cung là một trong những biến chứng rất nguy hiểm trong sản khoa. Bào thai ngày một lớn lên ở vị trí không phù hợp, không đủ không gian và điều kiện phát triển nên có thể vỡ ra bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm đến tính mạng thai phụ.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến thai đi lạc mà nguyên nhân lại không rõ ràng. Ví như người đã có con bình thường nhưng lần mang thai sau thai lại lạc chỗ; người lần mang thai đầu gặp sự cố nhưng lần sau thì bình thường... Tuy nhiên, một số nguyên nhân xuất phát từ bản thân người phụ nữ có thể khiến thai “đi lạc”, trong đó có các nguyên nhân không tránh khỏi như thủ thuật buồng tử cung vì bệnh lý trước đó, cách chăm sóc sức khỏe phụ khoa không tốt như bị viêm nhiễm kéo dài và lạm dụng việc phá thai.
Viêm nhiễm kéo dài là một trong những nguyên nhân dẫn đến thai lạc chỗ và thậm chí là vô sinh. Việc phá thai nhiều lần - dù là phá thai an toàn - vẫn có thể làm ảnh hưởng đến cơ quan sinh sản nên cách suy nghĩ coi phá thai như một biện pháp tránh thai là rất nguy hiểm.
Những nguy hiểm nếu không phát hiện kịp thời thai lạc chỗ
Thai ngoài tử cung nguy hiểm nhất khi không được phát hiện đúng lúc và bị vỡ, gây xuất huyết. Ở nhiều trường hợp, tình trạng xuất huyết diễn ra bên trong nên thường không nhận biết được, nhập viện trễ dẫn đến tính mạng bị đe dọa.
Thai ngoài tử cung tuy rất nguy hiểm nhưng không phải không có cách phát hiện. Vì thế, sau khoảng 2-3 tuần sau khi trễ kinh, thai phụ nên đi khám thai, siêu âm để biết: Có thai hay không? Thai có phát triển không? Bao nhiêu thai? Thai có nằm trong buồng tử cung hay không?... Nếu thai chưa vào buồng tử cung thì phải theo dõi chặt chẽ để kịp thời phẫu thuật nếu thực sự bào thai “đi lạc”.