Bị ra máu sau một tuần "yêu" liều, cô gái tưởng bị viêm nhiễm hóa chửa ngoài tử cung

Ngày 28/08/2021 10:55 AM (GMT+7)

Thấy bị xuất huyết lây rây vài ngày ngoài kỳ kinh, cô gái 25 tuổi lo mình bị viêm nhiễm sau lần “yêu” không dùng bao cao su nên gọi điện nhờ bác sĩ tư vấn, không ngờ lại mắc tình trạng cấp cứu phải vào viện ngay. 

Đây là trường hợp được bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung (Bệnh viện Nông Nghiệp, Hà Nội) chia sẻ. Bác sĩ Dung cho biết, trong thời gian phòng khám ngừng hoạt động vì giãn cách xã hội, bà vẫn liên tục tư vấn từ xa cho các bệnh nhân. Ngày 25/8, bác sĩ nhận được cuộc gọi từ một cô gái trẻ ở Hà Nội, chia sẻ lo lắng về việc cô đột nhiên ra máu nâu suốt vài ngày. Lượng máu ít, chỉ lắt nhắt, cô cũng không đau bụng hay ngứa ở vùng kín nhưng cảm thấy lo lắng vì tuần trước đã quan hệ với bạn trai mà không dùng “áo mưa”. 

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung trong một lần tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân.

Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung trong một lần tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân.

“Theo kinh nghiệm nhiều năm, tôi tư vấn trước hết nên thử thai nhưng bệnh nhân khẳng định mình không thể dính bầu vì mới có chu kỳ và vừa sạch kinh ngay trước lần quan hệ. ‘Cháu cũng không nghén hay có bất cứ cảm giác khác lạ nào, nên chắc chắn 100% là không có thai’, cô ấy khăng khăng nói. Tôi kiên quyết "cứ có kết quả thử thai đã hẵng nói chuyện tiếp". 

Giữa giai đoạn giãn cách, khi tư vấn từ xa cho bệnh nhân, điều quan trọng là phải xác định họ có khả năng đang mắc bệnh lý cấp cứu nguy hiểm hay không, từ đó mới tư vấn phù hợp, tránh xảy ra tình huống đáng tiếc - trong trường hợp này, tôi muốn khẳng định liệu bệnh nhân có chửa ngoài tử cung hay không”, bác sĩ Dung chia sẻ. 

Cố nài nỉ bác sĩ chẩn đoán từ xa hay kê thuốc để mua dùng không được, cô gái trẻ cuối cùng cũng đồng ý thử thai tại nhà. Cô vô cùng bất ngờ khi thấy que hiện một vạch đậm, một vạch nhạt và gọi điện lại cho bác sĩ. Lúc này, cô được khuyên cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa phụ sản uy tín gần nhất để khám và xác định khả năng chửa ngoài tử cung, xử lý kịp thời, nếu không sẽ rất nguy hiểm. 

“Sáng 26/8, tôi vừa nhận cuộc gọi của bệnh nhân, cô ấy cho biết đang ở trong bệnh viện, đã khám và được xác định là chửa ngoài tử cung. Bệnh nhân đang nằm viện theo dõi và được cho sử dụng thuốc để túi thai tự tiêu. Cô ấy cảm ơn và nói lại lời các bác sĩ khám "may mà đến viện kịp thời, nếu không sẽ rất nguy hiểm nếu túi thai vỡ”, bác sĩ Dung kể lại.

Bác sĩ sản phụ khoa cho hay, trong thời điểm dịch bệnh phức tạp, giãn cách như hiện nay, rất nhiều chị em ngại đi viện khám. Lựa chọn gọi điện tư vấn bác sĩ chuyên khoa khi có các dấu hiệu bất thường là đúng đắn. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn khá chủ quan, muốn được “khám”, kê đơn ngay qua mạng, qua điện thoại chỉ qua vài lời mô tả sơ sài hoặc liều lĩnh sử dụng các đơn thuốc cũ. Nếu người thầy thuốc không tận tâm và thiếu kinh nghiệm thì có thể không chú ý tới những dấu hiệu sớm của bệnh lý nguy hiểm để cảnh báo bệnh nhân khám và điều trị kịp thời.

"Như trường hợp cô gái trẻ trên, nếu không bị "mắng", cô ấy vẫn một mực cho rằng mình không thể có thai và chỉ muốn được kê thuốc dùng cho nhanh hết triệu chứng. Trong khi, việc ra máu ngoài chu kỳ có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý cần được cấp cứu, trong đó có chửa ngoài tử cung, nếu không được phát hiện và điều trị ngay sẽ cực kỳ nguy hiểm", bác sĩ Dung khuyến cáo.

Ra máu bất thường là dấu hiệu chị em cần lưu ý và tư vấn bác sĩ kịp thời. Ảnh minh họa: Favim.

Ra máu bất thường là dấu hiệu chị em cần lưu ý và tư vấn bác sĩ kịp thời. Ảnh minh họa: Favim.

Chửa ngoài tử cung là gì? Có nguy hiểm không?

Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết, chửa ngoài tử cung là trường hợp thai không nằm trong lòng tử cung như bình thường mà nằm ở một số nơi khác bên ngoài, hay gặp nhất là ở vòi trứng. Đây là một bệnh lý sản phụ khoa cấp tính vì túi thai ngoài tử cung vỡ có thể gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng, đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.  

Trong trường hợp thai ngoài tử cung vỡ, người bệnh sẽ đau bụng dữ dội, háo nước, khó thở, mặt nhợt nhạt, người bủn rủn… Tình trạng này nếu không được cấp cứu và điều trị kịp có thể khiến bệnh nhân tử vong do mất máu hay gặp biến chứng vô sinh sau này. Bởi vậy, việc phát hiện sớm thai ngoài tử cung cực kỳ quan trọng.

3 dấu hiệu cảnh báo chửa ngoài tử cung chị em cần lưu ý

Theo bác sĩ Dung, rất nhiều phụ nữ khi có các dấu hiệu ban đầu của thai ngoài tử cung lại nhầm là đến chu kỳ, rong kinh, viêm nhiễm... Có 3 dấu hiệu nhận biết sớm tình trạng này chị em cần lưu ý là ra huyết âm đạo, trễ kinh, đau bụng:

Ra huyết âm đạo: Ra máu bất thường, ngoài kỳ kinh có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau. Với phụ nữ có thai, ra máu bất thường có thể là biểu hiện của một số biến chứng nguy hiểm như động thai, dọa sảy hay thai ngoài tử cung...

Trễ kinh: Đa số các trường hợp chửa ngoài tử cung xuất huyết muộn hơn so với chu kỳ thông thường. Một số trường hợp ra máu sớm hơn hoặc đúng vào kỳ kinh nhưng máu ra thường ít một, thẫm màu, thời gian kéo dài hơn…

Đau bụng: Thông thường, cảm giác bụng khó chịu hay đau dữ dội một bên, kèm ra máu là dấu hiệu cảnh báo cần phải đi khám ngay để xác định có thai ngoài tử cung hay không.

Bác sĩ Kim Dung nhấn mạnh, bất cứ khi nào thấy ra máu bất thường hay trễ kinh, chị em nên thử thai tại nhà. “Đây là cách đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả nhất để xác định hay loại trừ bệnh lý cấp cứu như thai ngoài tử cung. Trường hợp que hiện 2 vạch thể hiện có thai thì chị em cần đi khám sản phụ khoa ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ khuyến cáo.

Kinh nguyệt màu đen, nâu, đỏ,... có phải dấu hiệu bệnh? Chị em cần lưu ý khi thấy màu này
Dựa vào màu sắc của máu kinh nguyệt, chị em có thể biết được tình trạng sức khỏe phụ khoa của bản thân.

Kinh nguyệt

Linh Linh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh phụ khoa