Rau ngót là loại thực phẩm bổ dưỡng và vô cùng ngon miệng, xuất hiện phổ biến trong các bữa ăn của người Việt. Mặc dù tốt là thế, tuy nhiên không phải ai cũng ăn được loại rau này.
Rau ngót có tên khoa học là Sauropus androgynus, là một loài thực vật thân thảo thường được sử dụng trong nhiều món ăn truyền thống trên khắp thế giới. Rau ngót thường được tìm thấy chủ yếu ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới của nhiều quốc gia tại Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ. Ở Việt Nam loại rau này rất phổ biến và được dùng làm thực phẩm ăn hàng ngày.
Thành phần dinh dưỡng trong rau ngót
Rau ngót chứa đựng rất nhiều thành phần hữu ích và có lợi đối với sức khỏe con người. Trong 100g rau sẽ chứa các hoạt chất có thể kể đến như:
- Năng lượng: 35 kcal
- Carbohydrate: 3,4g
- Protein: 5,3g
- Chất xơ: 2,5g
- Vitamin C: 185mg
- Vitamin B1: 0,07mg
- Vitamin B2: 0,39mg
- Vitamin B3: 2,2mg
- Vitamin B6: 0,2mg
- Vitamin B9: 194 mcg
- Canxi: 169mg
- Kali: 457mg
- Magie: 123mg
- Photpho: 65mg
- Natri: 25mg
Bên cạnh đó, thành phần trong rau ngót còn chứa dồi dào hàng loạt các axit amin hữu ích như lysine, methionine, isoleucine, tryptophan, phenylalanine, threonine, valine, leucine. Đây đều là những chất có lợi đối với sức khỏe, do đó rau ngót là loại rau lý tưởng để bồi bổ cơ thể và tăng cường sức đề kháng.
Những tác dụng hữu ích của rau ngót đối với sức khỏe
Nhờ vào thành phần dinh dưỡng cao trong rau ngót nên đã đem lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe, có thể kể đến như sau:
1. Cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể
Rau ngót là một nguồn thực phẩm quý báu giúp cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu mà cơ thể cần như vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, cùng một số khoáng chất như canxi, kali và sắt. Từ đó giúp bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
2. Tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa
Rau ngót có chứa lượng chất xơ khá dồi dào, giúp cải thiện sự hoạt động của hệ tiêu hóa, từ đó hỗ trợ làm giảm táo bón và giúp nhuận tràng, ngăn ngừa đầy bụng, khó tiêu.
3. Chống viêm và chống oxy hóa hiệu quả
Rau ngót chứa rất nhiều chất chống viêm và chất chống oxy hóa tự nhiên, bao gồm các vitamin và axit amin, nhờ đó giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và giảm nguy cơ các bệnh viêm nhiễm và các bệnh nghiêm trọng như ung thư.
4. Nâng cao sức đề kháng
Các thành phần dinh dưỡng trong rau ngót sẽ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các bệnh thường gặp, cải thiện sức đề kháng của cơ thể.
5. Hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch
Chất xơ và các chất chống oxy hóa dồi dào trong rau ngót có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm lượng Cholesterol xấu trong cơ thể và làm tăng cường sức khỏe của hệ tim mạch.
6. Cải thiện sức khỏe hệ xương khớp
Rau ngót là một nguồn cung cấp canxi và các khoáng chất quan trọng cho sức khỏe của xương và răng. Nhờ đó ngăn ngừa loãng xương và các biến chứng có thể xảy ra đối với hệ cơ và xương khớp.
7. Giảm nguy cơ tiểu đường
Chất xơ và hàm lượng khoáng chất hữu ích trong rau ngót có thể giúp kiểm soát đường huyết và làm giảm nguy cơ tiểu đường ở bệnh nhân đang mắc bệnh.
8. Khả năng chống ung thư
Một số nghiên cứu cho thấy rằng rau ngót có thể có tác dụng chống lại một số loại ung thư, nhờ vào các hoạt chất chống oxy hóa cao, từ đó giúp loại bỏ các tế bào độc hại, các gốc tự do nguy hiểm ra khỏi cơ thể.
Tại sao bà bầu không nên ăn nhiều rau ngót?
Theo như khuyến cáo của Bộ Y Tế cũng như nhiều chuyên gia dinh dưỡng đầu ngành, bà bầu không nên ăn nhiều rau ngót, đặc biệt trong giai đoạn những tháng đầu tiên của thai kỳ. Đó là bởi loại rau chứa rất nhiều papaverin, một chất có khả năng gây co bóp tử cung, làm gia tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non ở các bà bầu.
Bên cạnh đó, trong rau ngót cũng tồn tại hợp chất glucocorticoid phức hợp, có khả năng ngăn chặn cơ thể phụ nữ mang thai hấp thụ canxi và các khoáng chất quan trọng mà cơ thể của mẹ lẫn bé đều cần. Vậy nên hãy chỉ sử dụng rau ngót sau khi đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, bác sĩ. Kết hợp thêm với các loại rau củ quả khác để cải thiện dinh dưỡng tốt hơn.